Từ ngày 1 đến 5-5, khu vực Nam Bộ phổ biến ít mưa, ngày nắng nhiều và nhiệt độ còn duy trì ở mức cao. Từ ngày 6 đến 10-5 có mưa dông rải rác về chiều tối trong thời đoạn ngắn, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa phân bố không đều, cho nên mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Công biến đổi chậm và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,2 đến 1 m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu sẽ lên theo triều. Mực nước cao nhất tại Tân Châu là 1,3 m; Châu Đốc 1,45 m, cao hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 0,15 đến 0,2 m.
* Từ ngày 2 đến 10-5, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần. Độ mặn cao nhất trong đợt này tại các trạm ở mức tương đương và cao hơn 10 ngày cuối tháng 4, riêng ở Cà Mau độ mặn ở mức thấp hơn. Theo đó, chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này ở các sông có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 90 đến 135 km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 55 đến 70 km; Sông Hàm Luông ở mức 65 đến 85 km; Sông Hậu, Cổ Chiên từ 45 đến 50 km và Sông Cái Lớn là 55 đến 60 km.
* Theo Tổng cục Thủy lợi, đến cuối tháng 5, dung tích hồ chứa thủy lợi ở miền Trung tiếp tục có xu thế giảm, đạt 30 đến 60% dung tích thiết kế. Vụ hè thu, vụ mùa năm 2020 khả năng sẽ có khoảng 49.500 đến 58.500 ha canh tác không đủ nguồn nước tưới, cần điều chỉnh giảm diện tích, giãn vụ hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tại Bắc Trung Bộ, sau khi cung cấp nước đến hết vụ đông xuân, dung tích các hồ chứa còn lại phổ biến ở mức 40 đến 60% dung tích thiết kế. Dự báo, vụ hè thu, vụ mùa năm 2020 khả năng sẽ có khoảng 9.500 đến 15.500 ha canh tác thiếu nước tưới, chiếm khoảng 2 đến 3,3% diện tích gieo trồng hằng năm. Khu vực Nam Trung Bộ cũng sẽ có khoảng từ 40 đến 43.000 ha thiếu nước tưới.
* Hiện, lưu vực sông Lam và vùng phụ cận thuộc tỉnh Nghệ An, dung tích các hồ chứa đạt trung bình khoảng 69% dung tích thiết kế khi vào đầu vụ hè thu. Nguồn nước này sẽ bảo đảm cung cấp đủ nước tưới cho khoảng 110.000 ha cây trồng. Tuy nhiên, diện tích có nguy cơ phải lùi tiến độ gieo cấy và chuyển đổi sang cây trồng cạn (nếu nắng nóng kéo dài trong tháng 6 và 7) là khoảng 4.500 đến 7.000 ha, chủ yếu thuộc vùng Nam Hưng Nghi, Diễn Yên Quỳnh.
* Dung tích các hồ chứa lưu vực sông La và vùng phụ cận thuộc tỉnh Hà Tĩnh vào đầu vụ hè thu chỉ đạt trung bình khoảng 60% dung tích thiết kế, bảo đảm cung cấp đủ nước tưới cho khoảng 56.980 ha cây trồng. Hiện, diện tích có nguy cơ phải lùi tiến độ gieo cấy và chuyển đổi sang cây trồng cạn khoảng 200 đến 500 ha thuộc khu tưới các công trình nhỏ thuộc các huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc.
* Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa, hiện tổng dung tích trữ nước của 31 hồ chứa (28 hồ thủy lợi và ba thủy điện) chỉ đạt khoảng 37% so dung tích thiết kế. Với tình hình nguồn nước các hồ chứa hiện nay, qua kiểm tra, rà soát và cân đối ưu tiên cho nước sinh hoạt, nước phục vụ chăn nuôi, nguồn nước sản xuất vụ hè thu chỉ bảo đảm 4.800 ha lúa. Dự kiến diện tích dừng sản xuất chờ mưa hoặc bỏ vụ khoảng 13.000 ha.
* Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Yên, tổng dung tích trữ nước toàn bộ các hồ chứa chỉ còn hơn 43 triệu m3, đạt 63% so thiết kế, thấp hơn so trung bình nhiều năm là 10%. Hiện, tổng dung tích trữ nước toàn bộ trong các hồ chứa thủy điện đạt khoảng 71,8% so dung tích thiết kế, thấp hơn so trung bình nhiều năm khoảng 7,1% và thấp hơn cùng kỳ năm 2019 là 2,1%. Ngành nông nghiệp tỉnh đã rà soát diện tích sản xuất lúa, chủ động cân đối nguồn nước, tập trung chỉ đạo sản xuất cho từng vùng.
* Tại tỉnh Ninh Thuận, diện tích vụ đông xuân đã thu hoạch được khoảng 60%. Dự kiến vụ hè thu sẽ bắt đầu xuống giống vào giữa tháng 5. Tuy nhiên, dự báo đến cuối tháng 5 dung tích các hồ thủy lợi chỉ còn 11% dung tích thiết kế, nhiều hồ cạn nước. Ở lưu vực sông Cái Phan Rang và vùng phụ cận thuộc tỉnh trong vụ hè thu, nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, chỉ sản xuất bảo đảm nguồn nước khoảng 16.000 ha, giảm khoảng 7.000 ha so diện tích vụ hè thu các năm đủ nguồn nước.
* Trong tháng 5, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, nguồn nước chỉ bố trí sản xuất cho diện tích khoảng 10.000 ha tại các huyện Đức Linh và Tánh Linh thuộc hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Các huyện phía bắc của tỉnh gồm: Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc cần có kế hoạch điều chỉnh sản xuất cho khoảng 17.000 ha sử dụng nước sau thủy điện Đại Ninh và khu tưới các hồ chứa Đá Bạc, Lòng Sông, Cà Giây, Sông Quao...
* Do thiếu nước sạch sinh hoạt, người dân huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum) phải chi hàng chục triệu đồng để khoan giếng. Tuy nhiên, giếng khoan không có nước, người dân phải mua nước bình về ăn, uống, gùi nước suối về sử dụng. Được biết, vụ đông xuân năm 2019 - 2020, trên địa bàn có 26,57 ha cây trồng bị thiếu nước tưới. Ngoài ra có 707 giếng nước bị khô hạn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của khoảng 937 hộ dân.
* Hiện, lượng nước dự trữ tại các hồ chứa của Đồng Nai chỉ còn khoảng 36% so dung tích của các hồ. Tuy nhiên, ngay từ đầu mùa khô, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã làm việc với các địa phương, đơn vị để có sự chuẩn bị từ trước, cho nên vẫn chủ động nguồn nước để bảo đảm phục vụ sản xuất, sinh hoạt, chưa xảy ra tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
* Tỉnh Long An đã đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi hiện đại, kiên cố phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững. Theo đó, lắp đặt 16 cửa cống ngăn mặn nằm dọc tuyến quốc lộ 62 thuộc địa bàn các huyện Thủ Thừa và Thạnh Hóa.
Bàn giao 30 ngư dân bị nạn trên biển về địa phương
Tại cảng Lữ đoàn 171, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã tổ chức bàn giao 30 ngư dân bị nạn trên vùng biển DK1 cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đó, vào ngày 26-4, tàu cá mang số hiệu QNa 95654 đang hoạt động đánh bắt trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa thì không may gặp dông, lốc lớn khiến tàu bị phá nước dẫn đến chìm. Ngay sau khi tiếp nhận, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm các thủ tục bàn giao 30 ngư dân cho đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam.