Thứ hai, 30/12/2019,10:36 (GMT+7)
Nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng vụ lúa đông xuân
Trời nắng hạn liên tục làm cho mực nước trong các sông, rạch vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau xuống rất thấp. Bên cạnh nguy cơ thiếu nước tưới, vấn đề xâm nhập mặn ảnh hưởng năng suất vụ lúa đông xuân đang hiện hữu. Ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã triển khai các giải pháp, tuy nhiên, người dân trong vùng ngọt hóa của tỉnh vẫn đang rất lo lắng.
Người dân trồng lúa vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau chưa dám bơm nước vào ruộng.
 
Cà Mau có khoảng 36.000ha đất chuyên canh lúa. Trong đó, tập trung phần lớn tại vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời. Việc xuống giống vụ mùa đông xuân năm nay rất thuận lợi nhưng do mùa mưa kết thúc sớm nên bà con đang đối diện nguy cơ thiếu nước. “Gia đình tôi đã xuống giống được hơn 1 tháng, lúa phát triển rất tốt. Nhưng tôi rất lo vì nhiều ngày trời không có mưa. Giờ tôi và bà con phải lấy nước ở sông vào để đảm bảo nguồn nước cho lúa phát triển. Nếu tình hình cứ thế này chắc chắn sẽ thiếu nước tưới” - ông Lê Văn Thương, ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, cho biết.
 
Hiện mực nước trên các sông, rạch trong vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau đang rút nhanh, so với cùng kỳ năm 2018 đã xuống thấp hơn khoảng 0,5m. Đặc biệt, vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời nằm giáp biển nên tình hình mặn xâm nhập được dự báo diễn biến phức tạp. Người dân ở vùng lõi thuộc các xã Trần Hợi, Khánh Hưng trước mắt có thể lấy nước từ kênh rạch vào để chăm sóc lúa, còn người dân các xã ven biển như Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc đang rất lo lắng.
 
Ông Trần Chí Tâm, ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, cho biết hơn 1ha lúa của gia đình ông nằm trên gò cao. Thời điểm này những năm trước, nước trong ruộng còn ngang ống chân nhưng năm nay, chỗ đã khô, chỗ nhiều cũng chỉ còn khoảng 5cm nước. “Bây giờ bà con cần bơm nước sông vào mà sợ bị nhiễm mặn. Ngoài ra, đầu vụ, bà con phải bơm nước ra sông để sạ, nay nước mặt rút hết, ở dưới còn đọng lại nước phèn nên bơm vào chưa chắc cây lúa chịu nổi. Gia đình tôi đặt máy rồi mà còn phân vân, chưa biết phải làm như thế nào”- ông Tâm nói.
 
Vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau nằm giáp biển nên nguy cơ bị ảnh hưởng mặn rất cao
 
Đặc biệt, vào những tháng cuối năm thủy triều ngoài biển thường dâng cao, trong khi nước trong nội đồng lại rút nhanh nên nhiễm mặn là điều khó tránh. Điều kiện tự nhiên của tỉnh Cà Mau lại không thể lấy được nước ngọt từ vùng thượng nguồn về nên năng suất vụ lúa đông xuân có nguy cơ bị ảnh hưởng rất cao. “Từ mùa hạn mặn 2015-2016 đến nay, tôi chưa thấy năm nào nước rút nhanh đến vậy. Giờ này năm trước nước ngoài sông cao lắm, chỉ cần xả là nước vô ruộng, năm nay xả thì nước chảy ngược ra. Kiểu này lúa bị ảnh hưởng là chắc, chỉ mong năng suất lúa đảm bảo, không mất mùa nặng như đợt hạn trước” – ông Nguyễn Duy Khang, ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, lo lắng.
 
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh Cà Mau không chỉ ảnh hưởng đến người trồng lúa mà nhiều mô hình khác nằm trong vùng ngọt hóa như: trồng hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm… cũng được cảnh báo đối mặt khó khăn. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch phòng chống, trong đó nêu rõ: Cơ quan chức năng triển khai các giải pháp hạn chế tình trạng nước mặn rò rỉ vào vùng ngọt, ngoài ra, phải thường xuyên theo dõi độ mặn để có khuyến cáo và xử lý kịp thời. Về phía người dân, cần chủ động phòng chống, có giải pháp sử dụng tiết kiệm nguồn nước tưới, nhằm giảm bớt thiệt hại do hạn mặn gây ra.
 
Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu