Chủ nhật, 02/04/2023,16:18 (GMT+7)
Nhà cổ Bến Tre hút khách, chủ nhân trẻ tiết lộ điều bất ngờ
Ngôi nhà đang thu hút nhiều khách tham quan, chuyên gia văn hóa, sinh viên các ngành mỹ thuật, kiến trúc… đến tìm hiểu kiến trúc, phong tục, lễ nghi cổ truyền.
 
Phục dựng nhà cổ báo hiếu ông nội
Sau bao nỗ lực, chàng trai Trần Hữu Phú (26 tuổi, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) đã hoàn thành việc phục dựng ngôi nhà cổ của dòng họ. Căn nhà cũng là phủ thờ họ Trần, tâm huyết nhiều đời của gia đình Hữu Phú.
 
Trần Hữu Phú được nhiều người biết đến với biệt danh họa sĩ xứ dừa.
 
Ông nội của Phú là ông Trần Văn Sáu, giỏi chữ Nho, rành lễ nghĩa, phong tục, tập quán người Nam Bộ xưa. Ông giữ gìn và thường truyền dạy cho con cháu những kiến thức văn hóa mà mình học hỏi được.
 
Từ nhỏ, hễ thấy ông nội bày biện cúng kiếng, viết liễn, câu đối ngày Tết, hướng dẫn bà con sửa soạn mâm cỗ... Hữu Phú đều chăm chú đứng xem. Ban đầu, Phú chỉ hiếu kỳ nhưng lâu dần, những hoạt động ấy ngấm vào máu, trở thành đam mê.
 
Trước sự yêu thích của cháu nội, ông Sáu đã dốc lòng bảo ban, truyền dạy cho Phú kiến thức văn hóa, tục lệ cổ truyền của họ Trần nói riêng và người Nam Bộ nói chung.
 
Khoảng 16 tuổi, Phú đã thuộc làu lịch sử, nguồn gốc của dòng họ, có thể thay ông quán xuyến việc thờ tự, cúng kiếng theo đúng văn hóa cổ truyền Nam Bộ.
 
Ngoài những phong tục lâu đời, Hữu Phú còn có niềm yêu thích đặc biệt đối với nhà cổ. Phú từng không ngại đường xa, đạp xe đến Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre để ngắm nhà cổ Huỳnh Phủ. 
 
Trước kiến trúc quy mô và đồ sộ của nhà cổ Huỳnh Phủ, chàng trai xứ dừa bắt đầu ấp ủ kế hoạch phục dựng nhà cổ của họ Trần. 
 
Hữu Phú thích nhà cổ, phong tục, lễ nghi cổ truyền của Nam Bộ.
 
Phú xem việc phục dựng phủ thờ dòng họ là nhiệm vụ phải hoàn thành, một cách báo hiếu cho ông nội, cha mẹ.
 
Để có đủ kiến thức bảo tồn văn hóa và nhà cổ Nam Bộ, Hữu Phú theo học ngành Mỹ thuật của Đại học Đồng Tháp. Trong thời gian này, Phú tranh thủ thời gian rảnh rỗi tìm đến những căn nhà cổ khác ở miền Tây để học hỏi cách phục dựng.
 
Phú còn đi dạy, vẽ tranh, ráp tượng... tích lũy tiền thực hiện ước mơ của mình. Ngày tốt nghiệp đại học, chàng họa sĩ trẻ gom góp tiền tích lũy về quê xin ý kiến của ông nội, cha mẹ về việc phục dựng phủ thờ họ Trần.
 
Trước tâm huyết của Phú, gia đình đồng ý và hỗ trợ thêm kinh phí để tiến hành khởi công, phục dựng nhà cổ họ Trần.
 
Điểm sáng văn hóa cho thế hệ trẻ
Nói về nguồn gốc của phủ thờ họ Trần, chàng họa sĩ xứ dừa thuộc nằm lòng: "Phủ thờ họ Trần đầu tiên do ông Trần Văn Biêng (cha của ông nội tôi) khởi công và xây dựng năm Giáp Tuất 1934. Phủ thờ được xây dựng tại làng Phước Hiệp (nay là Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam).
 
Năm đó, ông cố tôi mua gỗ và mướn nghệ nhân xứ Huế vào làm phủ thờ. Phủ thờ lúc đó có 3 gian, 2 chái, theo mẫu nhà truyền thống cột cây Nam Bộ, trên diện tích khoảng 500m2".
 
Ngoài làm ruộng, ông Biêng còn dạy chữ Nho, lễ nghĩa và làm hương chức đình thần. Trước sức ảnh hưởng của ông Biêng đối với dân làng, quân Pháp khi vào Bến Tre đã ra sức vận động, mua chuộc ông.
 
Thế nhưng, ông Biêng cương quyết không theo giặc. Lúc này, quân Pháp buộc ông phải tháo dỡ phủ thờ như một cách trừng phạt.
 
Phủ thờ họ Trần khi đang hoàn thiện.
 
Hiện tại, phủ thờ được bài trí theo đúng lối nhà cổ Nam Bộ.
 
Đất nước hòa bình, ông Sáu mới khôi phục lại phủ thờ của gia tộc và dời về nơi khác, ngày nay thuộc khu phố 3, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam. Tuy nhiên, phủ thờ này không đúng với nguyên bản năm 1934.
 
Ngày 16/2/2018, Hữu Phú bắt tay vào xây dựng phủ thờ họ Trần đúng với nguyên mẫu xây dựng năm 1934. Công trình được xây trên nền móng phủ thờ cũ do ông Sáu khôi phục. Sau 1 năm, phủ thờ dần thành hình với 3 gian, 2 chái, họa tiết trang trí độc đáo.
 
Nhiều chuyên gia văn hóa, sinh viên... tìm đến phủ thờ họ Trần để tham quan.
 
Bên ngoài phủ thờ được xây dựng theo kiến trúc phương Tây, bên trong được bài trí gần giống như phủ thờ xưa. Đặc biệt, vật dụng bên trong phủ thờ đều là đồ cổ, được mua bằng tiền tích góp của Phú.
 
Trong quá trình xây dựng phủ thờ, họa sĩ xứ dừa gặp không ít khó khăn. Mỗi buổi sáng, Phú đều thắp nhang cầu nguyện tổ tiên phù hộ.
 
“Ước mơ của mình lớn quá nên chắc ông bà cũng phù hộ. Lần đầu tiên xây dựng phủ thờ cổ nhưng làm đâu đúng đó. Dù tiền ít nhưng cứ góp dần cũng xong. Nhiều người nghĩ làm phủ thờ chắc nhiều tiền lắm nhưng thực ra chỉ dưới 3 tỷ đồng”, Hữu Phú chia sẻ.
 
Ngoài giá trị vật chất, Phủ thờ họ Trần còn mang nhiều tâm tư, trăn trở của một người trẻ muốn bảo tồn văn hóa dân tộc. Phủ thờ xây xong trở thành điểm du lịch văn hóa, đón nhiều lượt khách đến tham quan. 
 
Bên trong phủ thờ vào tết Nguyên đán 2023.
 
Dưới mái nhà cổ, chàng họa sĩ xứ dừa học theo ông nội tập tành kể chuyện xưa tích cũ. Khách đến chơi có thể dùng trà và nghe chuyện người xưa khai hoang mở cõi.
 
Địa điểm này cũng thu hút nhiều chuyên gia văn hóa, sinh viên các ngành mỹ thuật, kiến trúc… đến tìm hiểu kiến trúc, phong tục, lễ nghi cổ truyền.
 
“Ban đầu, tôi chỉ muốn về sống gần ba mẹ, thay ông nội nhang khói tổ tiên, giữ gìn văn hóa xưa. Lâu dần, việc giữ gìn văn hóa truyền thống như máu chảy trong người, không đơn thuần là đam mê nữa. Tôi xem đó như nhiệm vụ mình sinh ra phải làm, không thoái thác, than vãn”, chàng họa sĩ bày tỏ.
 
Ảnh: Nhân vật cung cấp (vietnamnet.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu