Chủ nhật, 29/10/2023,14:04 (GMT+7)
Nhà máy ngừng sản xuất vì giá đường tăng?
Việc tạm dừng nhà máy Phụng Hiệp không ảnh hưởng lớn đến sản lượng chung
 
Giá đường thế giới thời gian qua tăng khá mạnh, chạm mức cao nhất trong thập kỷ sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu đường để ổn thị trường trong nước. Giá đường thế giới tăng đã đẩy giá đường trong nước tăng theo. Tuy nhiên, gần đây thị trường xuất hiện thông tin một nhà máy đường lớn ở ĐBSCL dừng sản xuất làm dấy lên lo ngại về nguồn cung đường trong nước, khiến giá đường leo thang dịp cuối năm.
 
Dừng sản xuất vì hết nguyên liệu
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2022-2023 cả nước có 25 nhà máy đường hoạt động, sản lượng tập trung tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Khu vực Tây Nam Bộ có 3 nhà máy là Phụng Hiệp (Hậu Giang), Sóc Trăng và Trà Vinh với tổng sản lượng 31.330 tấn. Trong đó, sản lượng của nhà máy Phụng Hiệp thấp nhất cả nước, chỉ 1.070 tấn đường.
 
Niên vụ 2023-2024, ban đầu VSSA dự báo 25 nhà máy này tiếp tục hoạt động với tổng sản lượng 1.026.719 tấn, trong đó, nhà máy Phụng Hiệp có kế hoạch sản xuất 4.762 tấn đường, chiếm 0,46% sản lượng toàn ngành. Tuy nhiên, mới đây, đại hội đồng cổ đông của Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã ra nghị quyết tạm dừng sản xuất nhà máy đường Phụng Hiệp trong niên vụ 2023-2024.
 
Nhà máy ngừng sản xuất vì giá đường tăng? - Ảnh 1.
Thu hoạch mía tại Hậu Giang Ảnh: NGỌC TRINH
 
Theo báo cáo của Casuco, trong niên vụ 2022-2023, công ty ký kết với 992 hộ nông dân và đầu tư vùng nguyên liệu tại Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng với diện tích gần 895 ha, kế hoạch sản lượng ép mía nguyên liệu là 80.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng ép mía của công ty chỉ đạt hơn 14.500 tấn (tương đương 130 ha). Sản lượng mía còn lại nông dân đã bán mía ép lấy nước (với giá 2.200-2.300 đồng/kg), bán cho lò thủ công (1.600-1.700 đồng/kg)… cao hơn bán cho nhà máy đường (dao động từ 1.380-1.420 đồng/kg).
 
Theo ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Giám đốc Casuco, niên vụ vừa qua nhà máy đường Phụng Hiệp thiếu nguyên liệu rất nghiêm trọng. Công ty hỗ trợ tiền giống, phân bón… từ 35-40 triệu đồng/ha cho nông dân. Mía khi thu hoạch được bao tiêu 1.000 đồng/kg (10 chữ đường), tăng 1 chữ đường thì tăng thêm 100 đồng/kg nhưng nông dân lại "bẻ kèo" đem mía bán cho thương lái dù có hợp đồng với công ty.
 
Trước tình hình này, Casuco đã đưa ra 2 phương án trong niên vụ 2023-2024. Phương án 1 tiếp tục chạy nhà máy đường Phụng Hiệp và thu mua mía ở mức 2.200 đồng/kg. Tuy nhiên, công ty đưa ra kịch bản giá bán đường cao nhất là 22.000 đồng/kg thì càng ép càng lỗ, như ép 15.000 tấn lỗ 37,5 tỉ đồng, ép 175.000 tấn lỗ 52,5 tỉ đồng... 
 
Còn phương án 2, nếu tạm dừng sản xuất nhà máy đường Phụng Hiệp thì mức lỗ sẽ thấp nhất trong các kịch bản, hơn 26,5 tỉ đồng. Cuối cùng, công ty đã quyết định tạm dừng chạy nhà máy đường Phụng Hiệp trong niên vụ 2023-2024.
 
Thị trường ít bị ảnh hưởng
Lý giải vì sao nông dân "bẻ kèo" bán mía cho thương lái, ông Trần Văn Tuấn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - thông tin địa phương có hơn 3.100 ha trồng mía, giá mía được nhà máy đường thu mua theo hợp đồng cho nông dân trong niên vụ 2022-2023 chỉ 1.000 đồng/kg, không lời được bao nhiêu vì họ phải chịu chi phí tiền vận chuyển, thuê ghe, nhân công... 
 
Trong khi nông dân bán mía cho thương lái để làm nước ép trên 2.000 đồng/kg thì lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/ha. Vì vậy, trong niên vụ mía vừa qua, có gần 2.500 ha mía tại Phụng Hiệp được bán cho thương lái, dẫn tới nhà máy đường phải chịu cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc nhà máy đường Phụng Hiệp ngừng hoạt động ảnh hưởng ra sao đến nguồn cung đường của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch VSSA, cho biết theo Casuco, trong vụ 2023-2024 sắp đến nhà máy chỉ có thể hoạt động đủ công suất nếu giá thu mua mía tối thiểu bằng giá mía chục, tức tối thiểu 2.200 đồng/kg. Điều đó có nghĩa người nông dân đã có đầu ra tiêu thụ với giá tốt hơn. 
 
Còn với nhà máy, với giá mua mía như vậy sẽ đẩy giá thành đường lên cao hơn giá thị trường, dẫn tới không hiệu quả. "Như vậy việc tạm dừng nhà máy Phụng Hiệp không ảnh hưởng gì đến nông dân nhưng là quyết định rất khó khăn đối với Casuco trong hoàn cảnh hiện nay. Đối với ngành đường việc tạm dừng nhà máy Phụng Hiệp không ảnh hưởng lớn đến sản lượng chung, vì năm ngoái nhà máy cũng chỉ ép được 14.000 tấn mía (chiếm 0,14% sản lượng ngành)" - ông Lộc nói. 
 
Giá đường vẫn giữ mức cao
Ghi nhận thị trường ngày 27-10, giá đường bán lẻ cho người tiêu dùng xoay quanh mức 26.000-30.000 đồng/kg (tùy loại) trong khi đường phục vụ sản xuất ở mức từ 22.000-23.000 đồng/kg, cao hơn đầu năm khoảng 2.000 đồng/kg nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục hồi tháng 8. Ngoài nguồn đường hợp pháp, thị trường Việt Nam còn phổ biến đường nhập lậu với giá bán rẻ hơn từ 1.000-1.500 đồng/kg.
VSSA ước tính lượng đường nhập lậu năm 2023 là hơn 718.500 tấn, giảm 12% so với năm ngoái do cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát đường lậu và giá đường quốc tế tăng, lợi nhuận buôn đường lậu giảm hơn trước.
Giám đốc một nhà máy thực phẩm tại TP HCM cho biết vừa nhập lô đường với giá 22.700 đồng/kg trong khi 2 tháng trước là 19.000 đồng/kg. "Giá đường thiếu ổn định và có xu hướng tăng vào cuối năm gây nhiều khó khăn cho việc sản xuất hàng Tết. DN muốn ký hợp đồng dài hạn, giá cố định nhưng các nhà cung cấp không đồng ý" - giám đốc DN này cho hay.
 
Lê Khánh - Vương Ngọc (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu