Thứ sáu, 25/12/2020,10:20 (GMT+7)
Nhà vườn chuẩn bị hoa, kiểng vụ Tết
Gần 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Thời điểm này, nhiều nhà vườn đang dồn sức đầu tư cho vụ hoa lớn nhất trong năm. Ngoài việc phát triển thêm nhiều giống hoa, cây kiểng mới, các nhà vườn còn chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết bất lợi để bảo vệ vụ mùa, để cho ra mắt những sản phẩm chất lượng nhất phục vụ thị trường Tết…
Nông dân chăm sóc hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Ảnh: THANH HÙNG
 
Đến xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) những ngày này, không khó để bắt gặp các nông dân đang tất bật chăm sóc hoa, cây kiểng phục vụ Tết. Khá nhiều nơi đã chuyển diện tích trồng rau sang trồng hoa để đón năm mới. Diện tích trồng rau giờ đã được phủ lên bởi màu xanh cúc pha lê, vạn thọ, cát tường…
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng Trần Anh Châu cho biết, năm nay thời tiết không thuận lợi và ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên số lượng người trồng hoa và quy mô các vườn giảm đáng kể... Vụ Tết năm nay, toàn xã có khoảng 30 hộ trồng hoa, chủ yếu: cúc pha lê, vạn thọ, cúc Tiger… với gần 2ha. Ngoài ra, 2 câu lạc bộ hoa kiểng ấp Mỹ An 2 và ấp Mỹ Thuận dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường Tết khoảng 2.000 chậu mai vàng và bon-sai các loại.
 
Là nông dân có kinh nghiệm lâu năm trồng hoa Tết, bà Nguyễn Kim Đẹp (ấp Mỹ Khánh 1) cho biết, tùy vào thời gian sinh trưởng và phát triển của từng loại hoa, người trồng sẽ chọn thời gian xuống giống phù hợp để đảm bảo cho cây ra hoa đúng vào dịp Tết. “Hiện tại, thời tiết diễn biến bất thường làm ảnh hưởng đến việc sản xuất hoa, cây kiểng. Do đó, để chăm sóc hoa nở đúng dịp Tết, tôi phải thường xuyên theo dõi thời tiết cũng như sức khỏe của chúng để kịp thời có hướng xử lý nâng cao sức đề kháng, nhằm đảm bảo việc nở hoa đúng dịp Tết”.
 
Dự kiến, Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, gia đình bà Đẹp cho ra thị trường 1.000 chậu hoa cúc pha lê, với giá 300.000 đồng - 4 triệu đồng/cặp; 2.000 chậu hoa vạn thọ, với giá từ 30.000-50.000 đồng/cặp và hơn 100 gốc mai vàng, giá bán dao động từ 1-1,5 triệu đồng/gốc...
 
Theo bà Đẹp, ngoài việc bỏ mối cho các thương lái, gia đình bà còn bán tại chợ hoa xuân ở TP. Long Xuyên. “Năm nay chi phí đầu tư cao hơn năm trước, kinh tế của người dân bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh COVID-19 nên không biết sức mua như thế nào. Nếu bán được với giá như dự tính, gia đình tôi sẽ lãi khoảng 50 triệu đồng” - bà Đẹp bộc bạch.
 
Để mai vàng ra bông đúng dịp Tết, ông Hồ An Ghem (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa kiểng ấp Mỹ An 2) đang tất bật tạo dáng và sửa nhánh cho vườn mai vàng của mình. Đồng thời, dày công chăm sóc những chậu kiểng bon-sai, như: mai chiếu thủy, cần thăng, kim quít, xương rồng, bông trang… góp phần đem đến nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Dự kiến, Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, gia đình ông Ghem cho ra thị trường hơn 100 gốc mai vàng, giá bán dao động từ 2-15 triệu đồng (tùy theo gốc); 300 chậu kiểng bon-sai, giá bán dao động từ 300.000 - 5 triệu đồng...
 
Ông Ghem cho biết: “Những ngày gần đây thời tiết trở lạnh khiến những người trồng mai vàng như chúng tôi lo lắng. Nếu thời tiết lạnh như thế này kéo dài hơn 10 ngày nữa mai sẽ trổ bông sớm… Khi đó, mỗi nhà vườn sẽ có những kỹ thuật xử lý để mai ra bông đúng dịp Tết”.
 
Ông Ghem cho biết thêm: “Để mai vàng nở rộ nhiều bông và đúng dịp Tết phải trải qua nhiều công đoạn. Nhà vườn phải dưỡng cho cây thật khỏe mạnh ngay từ đầu năm để cây có sức sống, cho nhiều nụ và ra hoa đúng thời điểm. Ngoài ra, thời tiết đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nụ, nên người trồng mai vàng phải canh đúng thời điểm lặt lá và thời gian để ngừng sử dụng các chất kích thích sinh trưởng”.
 
Ông Huỳnh Văn Thân (ngụ ấp Mỹ An 2) chia sẻ, thời tiết đầu tháng 8 (âm lịch) đến giờ khá thuận lợi, 200 chậu cúc pha lê của ông phát triển rất tốt và ít sâu bệnh. Tuy nhiên, thời tiết lạnh kèm theo xuất hiện các cơn mưa những ngày gần đây khiến ông đặc biệt chú ý sức khỏe các chậu cúc. “Trồng hoa kiểng đòi hỏi kỹ thuật và tốn nhiều công chăm sóc, cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của cây từ khi xuống giống cho đến xuất bán. Đặc biệt, phải theo sát diễn biến thời tiết, nhằm kịp thời có biện pháp chăm sóc thích hợp để chậu cúc có dáng đẹp, lá xanh mướt xum xê, hoa nở to và đúng dịp Tết thì mới bán được giá cao” - ông Thân cho biết.
 
Để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, ông Phan Minh Mẫn (ngụ ấp Hòa Phú 3, thị trấn An Châu, Châu Thành) đang tất bật gieo trồng, chăm sóc hơn 2ha hoa kiểng, với hơn 20 chủng loại hoa, dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường từ 15.000-20.000 chậu hoa các loại.
 
Theo ông Mẫn, để có những chậu hoa chất lượng, đẹp mắt, người trồng hoa cần rất nhiều công chăm sóc như: tỉa cành, bấm ngọn, tạo dáng, tưới nước, bón phân. Thời điểm đầu vụ, tôi chỉ dùng những loại thuốc kích thích cây phát triển để sau này ra hoa đẹp và chuẩn.
 
“Năm nay, tôi trồng các loại hoa, như: cánh bướm, hướng dương, cúc Nhật, cát tường, lúa mạch... Ngoài ra, tôi còn xây dựng khu trưng bày, cổng vào vườn hoa, khu vực trồng hoa riêng, nhà mát… phục vụ nhu cầu tham quan và chụp ảnh lưu niệm cho khách tham quan dịp Tết. Đây là cầu nối để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của vườn hoa tới khách hàng gần xa, từ đó mở rộng thêm thị trường tiêu thụ” - ông Mẫn chia sẻ.
 
Theo nhiều nhà vườn, giá hoa, cây kiểng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ không có nhiều thay đổi so các năm trước, nhưng hoa, cây kiểng sản xuất tại địa phương sẽ có lợi thế hơn so với hoa nhập khẩu hay những nơi khác đem lại, bởi sẽ tươi và bền hơn…
Bài, ảnh: TRUNG HIẾU - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu