Thứ sáu, 03/08/2018,15:12 (GMT+7)
"Nhân bản" nội tạng của con người
Nội tạng nhân tạo được "nuôi trồng" trong phòng thí nghiệm với vật liệu sinh học từ chính bệnh nhân.

Trên tạp chí khoa học Science Translational Medicine, nhóm nghiên cứu của Đại học Texas Medical Branch (UTMB - Mỹ) tuyên bố "trang trại nội tạng" của họ đã cho ra những sản phẩm thành công trên thí nghiệm động vật.

Nhân bản nội tạng của con người - Ảnh 1.

Thiết bị "nuôi trồng" nội tạng - ảnh: UTMB

Khác với những nghiên cứu trước đó nhằm tìm ra nguồn tạng ghép thay thế bằng cách nuôi trong cơ thể động vật, tạo ra các loại nội tạng lai gây tranh cãi, các nhà khoa học Mỹ khẳng định rằng nội tạng họ tạo ra sẽ hoàn toàn của con người, được "nuôi trồng" trong phòng thí nghiệm cho đến khi đủ tiêu chuẩn cấy ghép.

Nhân bản nội tạng của con người - Ảnh 2.

Phổi sinh học của heo đang chuẩn bị được cấy ghép - ảnh: UTMB

Tiến sĩ Joaquin Cortiella, Giám đốc Phòng thí nghiệm Kỹ thuật mô và tái tạo cơ quan, UTMB, mô tả cách họ tạo ra một "lá phổi sinh học": một bộ khung sẽ được tạo ra bằng kỹ thuật in 3D, sau đó đưa tế bào của chính người cần cấy ghép vào để "gieo mầm". Một thời gian sau, các tế bào ban đầu bắt đầu phát triển thành các mô và mạch máu theo bộ khung đó và tạo ra một lá phổi hoàn chỉnh. Sau đó, phổi sẽ được cấy ghép vào chủ thể.

Hiện tại, thí nghiệm vừa thành công ở thử nghiệm động vật trên heo: phổi heo được phát triển theo cách tương tự trong vòng 30 ngày đã được cấy ghép vào 4 con heo. Với nội tạng được tạo thành từ tế bào của chính mình, 4 chú heo đều dễ dàng vượt qua các bài kiểm tra sau đó 10 giờ, 2 tuần, 1 tháng rồi 2 tháng.

Ngay sau 2 tuần cấy ghép, "nội tạng sinh học" đã thiết lập được mạng lưới mạch máu cần thiết kết nối với chủ thể để có thể tồn tại mà không cần bất kỳ sự giúp sức nào của y học. Không chú heo thí nghiệm nào có hiện tượng ứ dịch, phù phổi gây suy hô hấp như trong các thủ thuật ghép phổi hiến tặng thông thường thỉnh thoảng gặp phải.

Nhân bản nội tạng của con người - Ảnh 3.

Một con heo trong ca phẫu thuật cấy ghép - ảnh: UTMB

Theo tiến sĩ Cortiella, nội tạng sinh học không chỉ giúp giải quyết sự thiếu thốn nguồn tạng hiến nghiêm trọng hiện nay mà còn giúp các lá phổi được cấy ghép phù hợp hơn với người nhận. Khi nhận nội tạng từ người khác, bệnh nhân phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời và nguy cơ thải ghép luôn treo lơ lửng.

Với nội tạng sinh học được tạo ra từ tế bào chính mình, người nhận tạng sở hữu một dạng nội tạng của chính mình nên nguy cơ thải ghép được đẩy xuống rất thấp.

Tiến sĩ Joaquin Cortiella cũng cho biết trong các thí nghiệm sau cùng, nhóm của họ đã tạo ra những cơ quan hoàn chỉnh hơn với nhiều mạch máu khỏe mạnh hơn bất kỳ lần thí nghiệm nào trước đó. Họ hy vọng chỉ cần 5-10 năm nữa, nội tạng sinh học sẽ sẵn sàng trong các phòng thí nghiệm để cấy ghép cho con người.

Nguồn: A. Thư - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu