Thứ hai, 19/08/2019,14:41 (GMT+7)
Nhãn Hà Nội từ 'hoang dã' vươn ra thế giới
Trước đây các nhà vườn Hà Nội gần như để nhãn mọc hoang dã, chỉ biết thu chứ không biết chăm sóc nên năm được năm mất, chất lượng không đều. Nhưng ba, bốn năm gần đây, họ đã biết bảo ban nhau học cách vượt qua những “hàng rào kỹ thuật” khắt khe nhất thế giới…

Nhiều “nhiêu khê”

Anh Nguyễn Huy Hạnh - xã Đại Thành chìa cho tôi chùm nhãn lúc lỉu, căng mọng, mời mọc: “Ăn đi. Ăn để mừng cho người dân trồng nhãn chúng tôi đã thoát khỏi tư duy “hoang dã”, chỉ biết thu hoạch chứ không biết chăm sóc, bón phân qua loa, không cắt hoa, tỉa quả, sâu bệnh cũng không phòng trừ hoặc phòng trừ không đúng loại, đúng liều”…

 

Anh Nguyễn Huy Hạnh: “Người trồng nhãn đã bớt hoang dã”.

 

5 - 6 năm về trước, lúc áp dụng những biện pháp kỹ thuật mới do Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội hướng dẫn, bà con vừa bỡ ngỡ vừa hoài nghi.

Ví dụ như trước đây họ thấy quả càng sai càng mừng nhưng nay thì sau giai đoạn rụng sinh lý, khi quả lớn bằng hạt đậu phải cắt tỉa bớt. Lưỡi kéo chạm vào chùm quả đau và xót như chạm vào chính da thịt người. Đã thế công cắt tỉa đối với những cây nhãn cao to, lắm cành, nhiều nhánh giá còn lên tới hơn 1 triệu đồng.

Giai đoạn quả non bà con phải thường xuyên tưới dưỡng ẩm cho cây. Ngoài phân vô cơ họ còn phải bón đậu tương, bột ngô, phân chuồng ủ thêm lân để nâng cao chất lượng quả, khắc phục tình trạng năm được năm mất mùa do huy động đến cạn kiệt dinh dưỡng. Khi quả đã thành hình, thành dạng rồi vẫn phải sử dụng chế phẩm sinh học để phun, để tưới giúp chùm được đồng đều, màu được sáng đẹp…

Sau biết bao “nhiêu khê” ấy, cuối cùng, mùa thu hoạch cũng đến. Người dân Đại Thành khi ăn thử quả nhãn của quê mình vừa thấy quen mà vừa thấy lạ bởi nó quá ngon, quá ngọt, quá thơm so với kiểu nhãn “hoang dã” trước đây, kể cả quả hái từ cây nhãn tổ có tuổi thọ hơn trăm năm xuống.

Hơn 170ha nhãn muộn cho xã doanh thu 40 - 50 tỷ đồng mỗi vụ, cho hàng trăm nhà vườn sung túc, ấm no với mức lãi trên 100 triệu/năm… Tiêu biểu nhất có thể kể đến vườn nhãn của anh Hạnh rộng 1ha với trên 80 gốc chủ yếu là giống HTM1 (Đại Thành chín muộn), năm được mùa thu ngót 30 tấn, trị giá trên 1 tỷ đồng và năm ngoái đã xuất thành công hơn 2 tấn sang Mỹ.

Chỉ cách một dòng sông Đáy, bên này là nhãn muộn Đại Thành dáng méo nổi danh bên kia là nhãn muộn Hoài Đức dáng tròn nức tiếng.

Ông Trần Văn Bảy ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, chủ nhân của vườn nhãn muộn rộng hơn 1ha bảo HTM1 là giống nhãn của nhà nghèo, chăm sóc dễ, bán trước thời vụ nửa tháng hay sau nửa tháng vẫn ngon ngọt nhưng mẫu mã xấu hơn, năng suất kém hơn còn HTM2 là giống nhãn của nhà giàu, đẹp, ngon nhưng chăm sóc lại khó. Để hài hòa, ông trồng cả hai loại.

Chưa năm nào thời tiết biến đổi như năm nay khiến cho vườn của ông chỉ có ½ cây là sai quả, chủ yếu thuộc về giống HTM2: “Chúng tôi muốn làm hàng sạch để vừa đảm bảo sức khỏe cho gia đình vừa đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng nên ngay cả nước tưới cũng phải dẫn từ sông Hồng về. Còn định hướng xuất khẩu là để chia ra mà bán, đỡ rơi vào cảnh được mùa, tư thương ép giá”.  

Cửa ra nước ngoài đã hé

3ha nhãn muộn nằm trong vùng xuất khẩu của Hà Nội có độ đồng đều quả đạt trên 80%, độ ngọt (Brix) từ 22 - 23% với giống HTM1 và 20 - 21% với giống HTM2, năng suất cao hơn 2-3 tấn/ha, hiệu quả tăng thêm 100 - 150 triệu/ha so với đại trà.

Năm 2016, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch Thực vật I cấp 2 mã vùng trồng nhãn chín muộn cho 2 xã Song Phương, An Thượng của huyện Hoài Đức và đến năm 2019 thì bổ sung thêm mã vùng trồng cho xã Đại Thành của huyện Quốc Oai.

Những mẫu quả phân tích mới đây về dư lượng thuốc BVTV đều 100% đạt chuẩn. Nhờ đó, năm 2016, 5 tấn nhãn muộn đầu tiên của Hà Nội đã xuất khẩu thành công sang Malaysia còn năm 2018 xuất được 18 tấn sang Mỹ, 1 tấn sang Ba Lan.

Chị Phùng Thị Thu Hương - Tổng giám đốc Cty CP Thương mại và xuất khẩu Green Path Việt Nam cho biết nhiều đơn vị trong Nam đã làm khá tốt việc xuất khẩu nhãn nhưng ở miền Bắc thì đây vẫn là điều mới.

Hiện tại, theo quy định hàng đi Mỹ phải chiếu xạ tại một cơ sở được Mỹ công nhận ở phía Nam. Chi phí để chiếu xạ khoảng 12.000 đồng/kg, cộng thêm phí máy bay chuyển từ Bắc vào Nam khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg, nếu đạt vận chuyển sang Mỹ lại mất thêm chừng 80.000 đồng/kg nên lời lãi không được bao nhiêu.

Bởi thế, năm nay doanh nghiệp chị đang gấp rút mở thị trường mới là Úc, chỉ chờ nghị định thư giữa hai nước được ký. Phía Úc chấp nhận chiếu xạ cho nông sản ở ngay Hà Nội nên sẽ giảm được nhiều chi phí vận chuyển, mở ra một cánh cửa rộng cho nông sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả nhận định tuy sản lượng xuất vào thị trường Mỹ có thể rất bé, chi phí lại nhiều bởi đường sá quá xa xôi, bởi phải cạnh tranh với chính quả nhãn của Mỹ xuất xứ từ bang Hawaii nhưng vẫn có ý nghĩa lớn. Nó khẳng định được đẳng cấp của quả nhãn Việt để dễ bề tiếp cận với những thị trường khác gần hơn như Nhật, Hàn Quốc, Malaysia…

Ngoài ra, việc hình thành những vùng nhãn xuất khẩu còn giúp thay đổi nhận thức cho các nhà vườn, khuyến khích họ áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAPchứ không sản xuất chơi chơi, phó mặc như trước. Người tiêu dùng trong nước nhờ đó cũng được hưởng lợi từ những nông sản an toàn hơn, chất lượng hơn...

Theo quy hoạch vùng phát triển nhãn chín muộn đến năm 2020, Hà Nội sẽ tập trung ở huyện Quốc Oai (xã Đại Thành) 200ha, huyện Hoài Đức (xã An Thượng, Đông La, Song Phương) hơn 250ha, huyện Chương Mỹ (các xã Lam Điền, Thụy Hương) 100ha. 100 cây đầu dòng và các vườn cây đầu dòng đã được chứng nhận, quản lý để sẵn sàng cho chuyện này.

Kiểm tra nhãn trước khi xuất khẩu.

Nhãn chín muộn Hà Nội chủ yếu gồm 2 giống HTM1 và HTM2, có thời gian thu hoạch từ khoảng 20/8 đến 30/9 nên tránh được tất cả khung thời vụ của các loại nhãn khác.Theo thống kê hiện toàn thành phố có trên 600ha nhãn muộn cho sản lượng từ 8.000 - 10.000 tấn, thu bình quân 300 - 400 triệu/ha, nhiều nhà vườn đạt tới 700 - 800 triệu/ha.

Dương Đình Tường-(nongnghiep.vn)
T/h: Quốc Dương-(dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu