Thứ ba, 17/12/2019,14:20 (GMT+7)
Nhân rộng mô hình rau màu an toàn
Để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, đang tập trung nhân rộng mô hình trồng rau màu theo hướng an toàn.
 
Gia đình ông Năm Cải đang thu hoạch rau. 
  
Là xã thuần nông, trong năm 2019, UBND xã Vĩnh Tường đã chỉ đạo sản xuất thắng lợi 3 vụ lúa, với diện tích xuống giống 7.139ha, đạt 100% kế hoạch và năng suất bình quân đạt 6,16 tấn/ha, sản lượng 44.270 tấn, đạt 100,62% kế hoạch đề ra. Bên cạnh thắng lợi về cây lúa, người dân trồng rau màu trên địa bàn cũng có thu nhập ổn định, đời sống khá lên và đây là loại cây trồng hiện nay được Đảng ủy, UBND xã nhân rộng trên địa bàn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững.
 
Ông Đoàn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tường, cho biết: Kinh tế của người dân trên địa bàn xã chủ yếu thu nhập từ lúa và rau màu. Đặc biệt, những năm qua, trên địa bàn có nhiều mô hình trồng màu cho thu nhập cao, ổn định là trồng dưa hấu và trồng rau an toàn trong nhà lưới. Đây là hai mô hình mà xã đang tập trung vận động người dân nhân rộng.
 
Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của gia đình ông Trần Văn Sáu (Năm Cải), ở ấp Vĩnh Thạnh, đem lại thu nhập cao so với các loại cây trồng khác, lợi nhuận bình quân mỗi năm từ 150 triệu đồng trở lên, đang được xã chọn là mô hình điểm để cho nông dân học hỏi kinh nghiệm nhân rộng.
 
Ông Năm Cải chia sẻ: “Gia đình tôi trồng rau an toàn các loại đến nay cũng được 17 năm. Trước đây, chủ yếu là làm ruộng và nuôi cá rô, nhưng thấy không hiệu quả nên chuyển sang trồng rau an toàn. Thời gian đầu trồng, gia đình tôi chỉ dùng cây tre, tràm để làm nhà lưới. Từ khi làm ăn có hiệu quả, năm vừa qua tôi mạnh dạn đầu tư làm nhà lưới bằng sắt và lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, camera để truy xuất nguồn gốc. Với cách trồng an toàn trong nhà lưới đã giúp cho tôi tiết kiệm được chi phí, rau ít bị sâu bệnh, trồng được quanh năm, bảo đảm cho người tiêu dùng. Hiện nay, trên diện tích 2.000m2, bình một ngày gia đình tôi thu hoạch rau các loại từ 50kg trở lên, sau khi trừ chi phí thì thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng”.
 
Ông Đinh Công Tứ, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Tường, cho biết: Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới đang đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Theo chỉ đạo của UBND xã, sắp tới đây sẽ nhân rộng mô hình này thêm 2.000m2 nữa, nâng tổng diện tích trồng rau an toàn trong nhà lưới lên 4.000m2. Ngoài ra, trong tháng 12 này, khuyến nông huyện sẽ tổ chức hội thảo với khoảng 50 nông dân tham dự để chuẩn bị phát triển mô hình rau an toàn trong nhà lưới.
 
Để giúp cho người dân sản xuất nông nghiệp đạt năng suất, chất lượng, thời gian qua xã Vĩnh Tường luôn quan tâm đến việc hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho người trồng. Trong năm 2019, xã đã tập huấn trên rau màu được 3 cuộc với 60 nông dân tham dự, trong đó chủ yếu hướng dẫn cách phòng trừ sâu hại. Bên cạnh đó, tổ chức hội thảo đầu bờ, chuyển giao khoa học kỹ thuật được 15 cuộc về cây lúa, rau màu và cây ăn trái. Xã đang thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây lúa ở trên địa bàn ấp Xuân Thọ, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hòa, Bình Phong, Vĩnh Quới nhằm giúp nông dân có sự so sánh giữa trồng lúa theo cách sạ hàng và sạ lan, từ đó có định hướng trong những vụ lúa tới làm hiệu quả hơn. 
 
Mặc dù năm 2019 các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của xã Vĩnh Tường đều đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, để kinh tế nông nghiệp trên địa bàn xã phát triển hơn nữa, xã rất cần thêm sự hỗ trợ giúp người dân trong sản xuất. Bà Đặng Thị Phương Thúy, cán bộ bảo vệ thực vật xã Vĩnh Tường, cho biết: Toàn xã có tổng diện tích trồng cây ăn trái là 185ha, tuy nhiên trong số này hiện có một số diện tích không còn hiệu quả. Vì vậy, rất cần được sự quan tâm hỗ trợ để người dân tiếp tục chuyển đổi cây trồng khác hiệu quả hơn.
 
Ông Đoàn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tường, cho biết thêm: Trên địa bàn xã có 21 cống ngăn mặn, trong đó một số cống được làm bằng gỗ, nay không còn đảm bảo. Đến nay có 16 cống đã xuống cấp, rất cần được huyện hỗ trợ đầu tư nâng cấp, sửa chữa để giúp cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã được tốt hơn. Theo đó, dù mô hình trồng màu trên địa bàn xã đang hiệu quả, nhưng đầu ra hàng hóa thì người dân đều tự tìm đầu mối và chưa có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm để thực hiện được liên kết với các công ty. Do đó, xã cần huyện hỗ trợ cho xã trong việc giúp người dân trong kỹ thuật trồng để đảm bảo sản phẩm đạt yêu cầu, cũng như tìm đầu ra cho nông sản của nông dân ổn định lâu dài, giúp người dân an tâm sản xuất…
 
     Bài, ảnh: T.XOÀN - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu