Thứ năm, 28/06/2018,10:58 (GMT+7)
Nhiệt núi lửa bí ẩn dưới sông băng Nam Cực
Các nhà khoa học vừa phát hiện một nguồn nhiệt núi lửa lớn bên dưới sông băng khổng lồ Pine Island – Nam Cực, có thể giải mã bí ẩn về sự tan chảy dữ dội của nó suốt 40 năm qua.

Sông băng Pine Island được biết đến như sông băng tan chảy nhanh nhất ở Nam Cực, chịu trách nhiệm cho 25% số băng biến mất ở lục địa này suốt 4 thập kỷ qua và là nguyên nhân lớn khiến nước biển dâng cao.

Nhiệt núi lửa bí ẩn dưới sông băng Nam Cực - Ảnh 1.

Nhóm nghiên cứu tiến vào sông băng Pine Island - ảnh: UEA

Vừa qua, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã thám hiểm Nam Cực, cố giải mã sự tan chảy bí ẩn của sông băng Pine Island. Một số thành viên đến từ Đại học Đông Anglia (UEA-Anh) đã vô tình phát hiện ra mức khí helium-3 trong khu vực này cực cao, y như những nơi xảy ra hoạt động núi lửa.

Các bước nghiên cứu cho thấy các dấu hiệu đó quả thật là từ một nguồn nhiệt núi lửa đang hoạt động, bắt nguồn từ rất sâu bên dưới lớp băng vĩnh cửu ở Nam Cực.

Phát hiện khiến giới khoa học bối rối. Cho dù nhiệt núi lửa có thể bắt nguồn từ cả những ngọn núi lửa đang trong giai đoạn ngủ yên, không phải không có lý do để lo lắng. Nguồn nhiệt này cũng chưa được phát hiện trong các chuyến thám hiểm Nam Cực khác và có thể nó chỉ mới vừa xuất hiện.

Toàn bộ vùng Tây Nam Cực nằm trên phần đỉnh rạn nứt của một hệ thống núi lửa khổng lồ đang say ngủ. Hoạt động núi lửa gần nhất được ghi nhận tại lục địa này là 2.200 năm về trước.

Giáo sư Karen Heywood - nhà khoa học chính thuộc Trường Khoa học môi trường của UEA, thành viên nhóm thám hiểm - cho biết ban đầu họ không hề có ý định tìm kiếm núi lửa. Phát hiện trên giúp các nhà khoa học biết được ngoài tác động của biến đổi khí hậu, có một nguồn nhiệt bổ sung làm tan chảy băng. Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ, biến đổi khí hậu vẫn là nguyên nhân lớn nhất cho sự tan chảy của các địa cực.

Điều này rất quan trọng trong việc xác định tính ổn định của sông băng, ước lượng mức độ tan chảy của nó trong tương lai, từ đó đánh giá sự dâng cao của mực nước biển và có biện pháp ứng phó.

Nguồn: A. Thư - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu