Khi dịch Covid-19 xảy ra tại Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học ngoài việc tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn, thì đã phát huy tinh thần chủ động trong công tác nghiên cứu khoa học và cử cán bộ, sinh viên trực tiếp tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.
Đánh giá về những đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học trong tham gia vào phòng, chống Covid-19 thời gian qua, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Văn Phúc cho biết: Các cơ sở giáo dục đại học tích cực phát huy tinh thần chủ động trong công tác nghiên cứu khoa học và cử cán bộ, sinh viên trực tiếp tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ có hình thức khen thưởng để động viên các nhóm nghiên cứu, các tập thể, cá nhân tại các cơ sở giáo dục này.
Ngoài triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn, các trường khối Y Dược đã tích cực sản xuất nước sát khuẩn, cung cấp kiến thức, tài liệu phòng chống dịch; huy động cán bộ giảng viên, sinh viên sẵn sàng tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng chống dịch khi cần, như Trường đại học Y Hà Nội, Trường đại học Y tế công cộng, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường đại học Y Dược Huế, Trường đại học Y Dược Cần Thơ,...
Các giảng viên, nhà khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học chủ động triển khai hoạt động nghiên cứu và đạt những kết quả đáng khích lệ như: Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Học viện Quân y, Đại học Đà Nẵng,…
“Đặc biệt, kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do Học viện Quân y phát triển đã được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, được coi là công cụ quan trọng và cần thiết để góp phần kiểm soát bệnh dịch do SARS-CoV-2 ở Việt Nam. Ngoài ra, Học viện Quân y cũng tham gia hỗ trợ các trường diễn tập ứng phó phòng dịch” – Thứ trưởng cho biết.
Thiết bị đo thân nhiệt từ xa do nhóm nghiên cứu Động cơ sử dụng năng lượng tái tạo (GATEC) Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng nghiên cứu và chế tạo
Những ngày qua, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) lần lượt ra mắt các thiết bị, giải pháp giúp hạn chế lây lan, phòng chống dịch Covid-19. Đó là buồng khử khuẩn toàn thân di động, sử dụng công nghệ phun sương với hệ thống phun siêu âm 360, không gây ướt và giúp khử khuẩn toàn thân dễ dàng (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và thiết bị đo thân nhiệt từ xa (Đại học Đà Nẵng).
Mới đây, sau khi chế tạo và chạy thử nghiệm thành công, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã kịp thời chuyển giao ứng dụng robot vận chuyển thức ăn, nhu yếu phẩm cho khu cách ly phòng chống Covid-19 tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
Công trình máy rửa tay sát khuẩn tự động của nhóm giảng viên và bốn sinh viên “BK Maker” – Trường đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng hôm 26-3 vừa qua cũng đã được chuyển giao Bệnh viện Đà Nẵng phục vụ yêu cầu cấp thiết của công tác phòng chống dịch Covid-19.
“Có thể nói, trong mọi điều kiện thuận lợi hay khó khăn, các cơ sở giáo dục đại học đã vững vàng tinh thần chủ động, tiên phong, quyết liệt và phát huy tối đa mọi nguồn lực để chung tay với nhiệm vụ lớn của quốc gia” Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá.
Ngày 27-3, Bộ GD-ĐT cho biết Bộ đánh giá rất cao những đóng góp của của toàn hệ thống giáo dục đại học và sẽ có hình thức khen thưởng phù hợp để động viên các nhóm nghiên cứu, các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19.