Thứ năm, 02/01/2020,10:50 (GMT+7)
Nhìn lại năm 2019; Những dấu ấn của giáo dục nghề nghiệp một năm qua
Trong năm 2019, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã ghi những dấu ấn đáng nhớ. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt hơn 2,3 triệu người; Việt Nam có Huy chương Bạc đầu tiên tại Kỳ thi tay nghề thế giới; phê duyệt Đề án phát triển trường cao đẳng chất lượng cao với mục tiêu có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao vào năm 2025…
Những dấu ấn của giáo dục nghề nghiệp một năm qua
Tại Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho thí sinh Trương Thế Diệu (thứ sáu từ trái sang), Huy chương Bạc thi tay nghề thế giới và nhận chiếc áo do thí sinh đạt Huy chương Vàng thi tay nghề ASEAN thiết kế (Ảnh: VGP).
 
* Tuyển sinh khoảng 2,33 triệu người
 
Công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có chuyển biến tích cực. Ước tính, năm 2019, lĩnh vực GDNN tuyển sinh khoảng 2,33 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch.
 
Trong đó, trình độ cao đẳng và trung cấp khoảng 568 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,77 triệu người.
 
Khoảng 2,2 triệu người tốt nghiệp. Trong đó, trình độ cao đẳng và trung cấp gần 500 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,7 triệu người.
 
*Lần đầu tiên, Việt Nam đoạt Huy chương Bạc Kỳ thi tay nghề thế giới
 
Thí sinh Trương Thế Diệu tại lễ trao giải Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 tại LB Nga (Ảnh: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp).
 
Tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 diễn ra tại LB Nga, đoàn Việt Nam đã đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay sau bảy lần tham dự sự kiện này. Thí sinh Trương Thế Diệu xuất sắc giành Huy chương Bạc nghề Phay CNC. Ngoài ra, tám thí sinh nước ta đạt Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc ở bảy nghề.
Với thành tích này, Trương Thế Diệu đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
 
Trước đó, các thí sinh Trần Nguyễn Bá Phước và Nguyễn Duy Thanh cũng lần lượt giành Huy chương Đồng trong nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin tại các Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 và 43.
 
* Chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp năm 2019 của Việt Nam tăng 13 bậc
 
Chất lượng đào tạo nghề được cải thiện, góp phần làm tăng chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp năm 2019 của Việt Nam lên 13 bậc.
 
Trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI 4.0) của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Báo cáo năng lực cạnh tranh 2019 đánh giá trên 12 trụ cột. Việt Nam xếp thứ 67/141 nền kinh tế về năng lực cạnh tranh nói chung, thăng 10 bậc (62/100 điểm).
 
Trụ cột kỹ năng (Pillar 6) đánh giá dựa trên đánh giá hai nhóm Lực lượng lao động hiện thời và Lực lượng lao động tương lai với hai tiêu chí học vấn (trung bình số năm đi học) và kỹ năng. Trong đó, tiêu chí Kỹ năng của lực lượng lao động hiện thời của Việt Nam gồm năm chỉ số đều tăng điểm và thăng hạng. Cụ thể, chất lượng đào tạo nghề nghiệp với 44/100 điểm (tăng ba điểm), xếp thứ 102/141 tăng 13 bậc.
 
Về xếp loại chất lượng đào tạo nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, Việt Nam tăng nhiều nhất, 13 bậc. Tiếp sau là Campuchia (sáu bậc) và Brunei (năm bậc). Với nhóm tốp 4 ASEAN, chỉ có Singapore thăng hạng (hai bậc). Ba nền kinh tế còn lại đều xuống hạng từ 3 đến 4 bậc gồm Malaysia, Philippines và Indonesia.
 
* Đến năm 2025, có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao
 
Đào tạo nghề tại trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, một trong những trường cao đẳng chất lượng cao (Ảnh: Lilama 2).
 
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1363/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025”.
 
Mục tiêu tổng quát của đề án phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Từ đó, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GDNN ở Việt Nam.
 
Đến năm 2020, thí điểm đào tạo 34 ngành, nghề theo các chương trình đào tạo được chuyển giao từ nước ngoài theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ cho những trường được lựa chọn có năng lực đào tạo tốt để đến năm 2020 có khoảng 40 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao.
 
Trong giai đoạn 2021 - 2025, từng bước mở rộng đào tạo các ngành, nghề đã thí điểm, có học sinh, sinh viên tốt nghiệp được các tổ chức giáo dục đào tạo quốc tế có uy tín đánh giá, công nhận văn bằng, chứng chỉ. Phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 70 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao. Trong đó, ba trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.
 
* Có thể tra cứu văn bằng giáo dục nghề nghiệp và kết nối doanh nghiệp qua mạng
 
Công bố ra mắt trang thông tin tra cứu văn bằng giáo dục nghề nghiệp và gắn kết doanh nghiệp.
 
Cuối tháng 12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ra mắt trang thông tin tra cứu văn bằng GDNN (http://vanbang.gdnn.gov.vn hoặc http://vanbang.gov.vn) nhằm tăng cường công tác quản lý văn bằng tốt nghiệp trong GDNN, công bố công khai, minh bạch thông tin về việc cấp bằng tốt nghiệp.
 
Trước mắt, Trang thông tin cung cấp cơ sở dữ liệu văn bằng trung cấp, cao đẳng của GDNN từ năm 2017 trở lại đây, với dữ liệu của hơn 4.800 văn bằng từ bốn trường: Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng; Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương.
 
Bên cạnh đó, trang thông tin kết nối doanh nghiệp http://kndn.gdnn.gov.vn hợp tác giữa Tổng cục GDNN và Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Hà Nội xây dựng. Trang thông tin cung cấp những thông tin cần thiết về cơ chế, chính sách, mô hình đào tạo tốt... để kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà trường, người học tìm đến với nhau dễ dàng hơn, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
 
* Các hội nghị triển khai công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
 
Tháng 9 năm 2019, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”, có sự tham dự của khoảng 200 đại biểu trong nước và quốc tế
 
Các nội dung thảo luận về khuynh hướng của GDNN trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam; GDNN Việt Nam, thực trạng và định hướng phát triển; thực trạng chất lượng và chính sách phát triển GDNN từ góc nhìn của chuyên gia và xã hội. Ngoài ra còn có ba chuyên đề lớn: Thể chế GDNN; Doanh nghiệp và GDNN; chất lượng GDNN trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
 
Tháng 11 cùng năm, Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội, thu hút gần 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”, Diễn đàn truyền tải thông điệp về vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN, chuyển mạnh theo hướng đào tạo nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, theo địa chỉ đặt hàng và thị trường lao động.
 
NGÂN ANH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu