Thứ tư, 31/07/2019,08:29 (GMT+7)
Nhớ nấm mối
Nấm mối một thời chỉ là món ăn dân dã của người nông dân. Qua thời gian, nấm mối nay bỗng trở thành món ăn đặc sản mà nhiều người khen ngợi, còn gọi là đặc sản quý hiếm. Trong ký ức của tôi, cây nấm mối thật quen thuộc.

Còn nhớ ngày ấy, cha mẹ làm công nhân cạo mủ cao su. Mỗi khi bước vào đầu mùa mưa (khoảng cuối tháng tư âm lịch), mùa nấm mối mọc cũng bắt đầu,  rộ nhất phải kể đến từ sau ngày tết Đoan Ngọ. Thời điểm này, hầu như nhà ai có người làm công nhân nông trường thì trong bữa ăn cũng có món chế biến từ nấm mối. Nào là nấm mối xào mướp, cháo nấm mối, nấm mối nướng lá lốp hay bánh xèo nấm mối…

Thật tuyệt vời, nấm mối là món quà, là lộc thiên nhiên ban cho người công nhân! Vào mùa mưa ở những cánh rừng cao su bao la ngút ngàn, dưới những luống cao su, đâu đó có những ổ nấm mối mọc lên dâng cho đời một nguyên liệu ngon tuyệt, bổ dưỡng.

Ba tôi là người rất hiểu về nấm mối. Ba kể, nấm mối thường mọc nhiều trên đất gò lâu năm dưới tán cây lớn, có bóng râm mát và nơi từng có những ụ gò mối với điều kiện vùng đất dưới tán cây đó không bị đào bới hoặc cày xới gì trong nhiều năm. Nấm mối có liên quan đến con mối. Cứ hễ nơi nào nấm mối mọc thì nhất định ở đó có mối sinh sống. Nấm mối thường mọc nhiều vào ban đêm, sau ngày mưa và trời có nắng.

Ngày trước, nấm mối mọc rất nhiều. Người nhổ được để ăn hoặc là cho bạn bè hàng xóm chứ không bán buôn gì, mà bán thì cũng chẳng có ai mua. Còn bây giờ, nấm mối ngày càng ít đi, hiếm dần và giờ đã trở thành đặc sản hiếm có theo mùa. Nấm mối có giá bốn, năm trăm ngàn đồng một ký là chuyện thường. Vì nấm có giá trị kinh tế như vậy, nên nhiều người chịu khó đi tìm nấm vào ban đêm hay còn gọi là đi “soi nấm mối”.

Soi nấm mối đêm có nhiều lợi thế lắm, thứ nhất thời tiết mát mẻ, thứ hai ít người soi, thứ ba đêm xuống qua ánh đèn soi rất dễ phát hiện nấm vì chúng phản xạ lại ánh sáng đèn và nhổ ban đêm là lúc nấm vừa mọc, tai mới búp chưa nở nhiều. Nói là vậy, chứ soi được nấm mối cũng không phải dễ dàng gì, có người nhiều đêm soi không được nấm nào là chuyện bình thường.

Nhiều người có kinh nghiệm soi nấm mối chia sẻ, để soi trúng nhiều nấm, người đi soi phải nhận biết về địa thế vùng đất và thời tiết, xem ngày đó nấm có mọc không! Cũng có người nhận biết nấm mối qua mùi nấm toả hương bay phảng phất trong gió…

Bây giờ, những cánh rừng cao su già cỗi đã được thay thế bằng những vườn cây su mới (quê tôi có đến hơn hai ngàn ha cao su). Và tất nhiên, việc cày xới, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân xuống đất phục vụ cho trồng mới cao su đã vô tình phá vỡ môi trường đất, làm mất đi những vùng đất có “meo” nấm mối. Vì vậy, nấm mối không còn mọc trên vùng đất này, thỉnh thoảng mới thấy có người nhổ được vài tai nấm.Theo người am hiểm nấm mối, vùng đất quê tôi phải đợi ít nhất hơn năm năm nữa nấm mới mọc trở lại.

Lướt facebook thấy bạn bè gần xa chia sẻ hình ảnh những ổ nấm mối, lòng tôi dâng trào cảm giác nhớ nhung. Đã rất lâu rồi tôi chưa được thưởng thức hương vị của nấm mối. Nhớ làm sao mùi thơm của món cháo, món bánh xèo nấm mối mà mẹ từng chế biến trước đây.

Nguyễn Hữu Dư - (baotayninh.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu