Chủ nhật, 30/05/2021,08:49 (GMT+7)
Nhọc nhằn “đội quân” ép cọc bê-tông
“Đội quân” ép cọc bê-tông chủ yếu là những nông dân “chân đất”. Do cuộc sống khó khăn, họ “ly hương” lên phố thị để mưu sinh bằng nghề nặng nhọc này.
Đội nắng, dầm mưa
 
Mờ sáng, những người ép cọc bê-tông đã bật dậy để khởi động cho một ngày mới đầy vất vả. Anh Nguyễn Văn Sĩ (40 tuổi, quê ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) nhanh tay điều khiển chiếc máy thủy lực có công suất lớn chạy xịt khói. Còn những thành viên trong đội tay ôm, tay điều chỉnh những chiếc cọc bê-tông dài thườn thượt ép xuống nền đất cứng. Phần việc đã được phân công trước nên sự phối hợp của họ rất “ăn rơ” với nhau.
 
Ngày nay, những công trình lớn hay nhà phố đều có nhu cầu sử dụng cọc bê-tông nên nghề này rất thịnh hành theo nhịp sống hiện đại. Nhờ vậy, những người ép cọc bê-tông có việc làm quanh năm và thu nhập ổn định. Anh Sĩ cho biết, nghề ép cọc bê-tông “ăn nên làm ra” khoảng 3 năm trở lại đây, do người dân không còn “mặn mà” với việc đóng cừ tràm. Cọc bê-tông có ưu điểm nổi trội hơn so với cọc tràm là chắc chắn và bền bỉ.
Khởi động máy chuẩn bị ép cọc
 
Ngày hè, trời chợt nắng, chợt mưa lớt phớt, rồi bỗng chốc đổ ầm ào như trút nước. Họ mặc vội chiếc áo khoác mỏng tanh dầm mình trong mưa, tiếp tục hoàn thành phần việc của mình sao cho kịp tiến độ thi công. Đang điều chỉnh những chiếc cọc ngay ngắn, Sáu Bạc (42 tuổi, hàng xóm của anh Sĩ) kể rằng, trước đây anh là một ngư dân chuyên nuôi cá ở xã Hòa Lạc (huyện Phú Tân). Do thị trường bấp bênh dẫn đến thua lỗ, Bạc tạm gác cái nghề “muốn giàu nuôi cá”, rời quê để lên phố thị mưu sinh bằng nghề ép cọc bê-tông.
 
“Nghề này tuy cực mà vui. Cực nhất là di chuyển giàn máy ép cọc nặng trịch. Mỗi lần di dời, chúng tôi phải dùng thế để dịch chuyển máy nặng khoảng 2 tấn từ điểm này đến điểm khác” - Sáu Bạc cho biết. Tính đến nay, Sáu Bạc cùng anh em trong xóm vào cái nghiệp nặng nhọc này khoảng 5 năm nên rất “cứng nghề”.
 
Ngủ ngoài trời
 
Ánh nắng cuối cùng vừa trôi qua khỏi những căn nhà phố, “đội quân” ép cọc tạm khép lại 1 ngày gian truân. Đêm, họ quây quần bên mâm cơm thật rôm rả. Nói là mâm cơm, chứ họ chủ yếu ăn cơm phần, cơm hộp, cơm ký ở phố thị. Luân (35 tuổi, ngụ huyện Phú Tân) ăn vội hộp cơm tâm sự: “Hoàn cảnh tui giống anh Bạc. Mấy năm trước, thị trường ổn định, bà con nuôi cá thu nhập khấm khá. Thấy vậy, tui đầu tư lớn để nuôi cá với sản lượng nhiều, không ngờ giá cả bấp bênh dẫn đến thua lỗ. Sau đó, tui theo anh em trong xóm mưu sinh bằng nghề ép cọc bê-tông để lo cho sấp nhỏ ăn học”.
Ép từng cây cọc bê-tông xuống nền đất
 
Đêm khuya, những thành viên trong “đội quân” ép cọc bê-tông ngả lưng trên chiếc võng dù. Nếu trời đổ mưa thì họ giăng tạm tấm bạt, rồi say giấc ngoài trời. Cuộc đời họ cứ “rài đây, mai đó”, rong ruổi khắp xứ người. Nơi nào có nhu cầu ép cọc bê-tông, họ có mặt.
 
“Đi khắp xứ. Khi thì qua tỉnh Đồng Tháp, rồi xuống TP. Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An. Không ngại xa hay gần” - Luân bày tỏ. Trong chuyến đi xa, hành trang họ mang theo chỉ là chiếc ba-lô, bên trong đựng đủ thứ vật dụng. Chiếc võng dù đối với họ vô cùng quan trọng. Bởi, nó như căn nhà “di động”, dùng để ngủ nghỉ bất cứ nơi đâu.
 
Anh Tùng (chủ máy ép cọc bê-tông) cho hay, “đội quân” ép cọc bê-tông có khoảng 20 thành viên, đến từ khắp các nơi trong tỉnh. Mỗi một mét cọc được đóng xuống họ nhận thù lao 14.000 đồng. Trung bình mỗi cây cọc ứng lực có chiều dài từ 6-8m, bình quân một nền nhà đóng từ 130-150 cây cọc ứng lực trong vòng 1-2 ngày. Như vậy, mỗi ngày họ nhận thù lao khoảng 600.000 đồng/người. Nếu tháng nào họ đóng được nhiều cọc thì thù lao nhận từ 15-16 triệu đồng. “Nghề này rất cực nhọc nên lúc nào tui cũng tạo điều kiện cho anh em làm an toàn tuyệt đối” - anh Tùng chia sẻ.
 
Sáu Bạc, người có kinh nghiệm trong nghề ép cọc nói rằng, nghề này tuy cực nhưng có thu nhập khá. Nếu tháng nào lãnh nhiều công trình nhà phố thì mỗi người thu nhập từ 10-15 triệu đồng đủ nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, nghề ép cọc bê-tông cũng lắm vất vả. “Phải chịu cực đội nắng, đội mưa và đòi hỏi đủ sức khỏe. Sợ nhất là lúc ép cọc bị gãy, nguy hiểm lắm! Với kinh nghiệm trong nghề, chúng tôi điều chỉnh máy hợp lý để tạo sự an toàn lao động trong quá trình thi công” - Bạc nói.
 
Càng khuya. Tiếng võng kẽo kẹt càng chậm lại. “Đội quân” ép cọc bê-tông chìm dần vào giấc ngủ. Họ - những chàng trai “quê mùa” nhưng chịu khó lao động và đầy trách nhiệm với gia đình...
 
 THÀNH CHINH - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu