Chủ nhật, 20/10/2019,16:23 (GMT+7)
Nhóm nhạc Việt và câu chuyện bản sắc
Những năm 1990-2000 được xem là thời hoàng kim của các nhóm nhạc Việt với hàng chục nhóm được khán giả mến mộ. Sau đó là khoảng thời gian "thoái trào" và gần đây các nhóm nhạc Việt được thành lập mới khá nhiều. Bên cạnh nhiều nhóm thành công thì cũng có không ít thất bại.

Nhóm nhạc OPlus với album "Như mưa ngày nào" vừa ra mắt. Ảnh: thegioidienanh.vn

Da LAB là nhóm nhạc thành công hiện nay với nhiều sản phẩm như "Một nhà", "Hà Nội giờ tan tầm" hay "Thanh xuân" đang được khán giả rất yêu thích. Da LAB gồm 3 thành viên: Võ Việt Phương (nghệ danh Quách Văn Thơm), Nguyễn Trọng Đức (nghệ danh Thỏ) và Trần Minh Phương (nghệ danh Kào Kào) tạo được cá tính riêng từ phong cách biểu diễn, giọng hát đến cách tiếp cận khán giả. Cả 3 đều có thể sáng tác ca khúc và trình diễn, với những đề tài rất thời sự, được người hâm mộ quan tâm. Sự pha trộn giữa nhạc điện tử EDM, hiphop, rock… giúp Da LAB có những ca khúc bắt tai, dẫn đầu nhiều bảng xếp hạng âm nhạc.

Hay mới đây, việc nhóm nhạc OPlus ra mắt album "Như mưa ngày nào" thật sự tạo làn gió mới cho nhạc Việt. Nhạc bolero được hát bởi một nhóm nhạc đã "độc", lại càng "lạ" hơn khi OPlus thành danh với phong cách nhạc EDM. 4 chàng trai của OPlus: Quang Minh, Đức Tùng, Tùng Lâm, Tùng Linh đã mang đến làn gió mới cho bolero bằng một sản phẩm chỉn chu, cuốn hút. Lộn Xộn Band - quán quân chương trình "Sing my song" mùa 2 cũng là hình mẫu về một nhóm nhạc thành công hiện nay với sự trẻ trung, hợp thời và chất lượng trong sản phẩm nghệ thuật. Lộn Xộn gồm 3 thành viên, đảm nhiệm những vai trò khác nhau: Trần Quỳnh (sáng tác), Phan Thanh Nhàn (hát chính), Nguyễn Việt Hưng (rapper). Những sản phẩm của Lộn Xộn như "Tự dưng", "Trên những chuyến xe qua"... thu hút lượng xem khổng lồ trên các trang mạng.

Đó chỉ là một vài điển hình về sự thành công của các nhóm nhạc Việt, cho thấy mô hình nhóm nhạc không hề "hết thời". Dĩ nhiên, con đường đến với thành công của bất kỳ nhóm nhạc, kể cả cá nhân nghệ sĩ, không hề dễ dàng. Điều cốt yếu là làm sao phải tạo được bản sắc, điểm nhấn để khán giả nhớ tới. Kinh nghiệm từ Lộn Xộn Band hay OPlus cho thấy, họ tiếp cận khán giả bằng những sản phẩm mang hơi thở cuộc sống, từ chuyện kẹt xe, hạn chế dùng rượu bia đến bạo lực học đường… Họ trẻ, mới lạ nhưng vẫn giữ nét thuần Việt trong tác phẩm và việc gầy dựng hình ảnh.

Ngược lại, mới đây việc nhóm nhạc SG048 ra mắt album khiến người hâm mộ "chóng mặt". Nhóm nhạc có đến 16 thành viên, đều là những cô gái trẻ mà nếu không giới thiệu thì chắc sẽ khó đoán họ đến từ quốc gia nào. Họ có một chút Việt Nam, một chút Hàn Quốc, chút ít của Nhật Bản… Theo quản lý của SG048, nhóm nhạc này được xây dựng theo mô hình nhóm nhạc Nhật Bản, khai thác ngoại hình xinh xắn cùng vũ đạo, bên cạnh sự tiếp sức của truyền thông. Vậy nhưng, có lẽ họ đã và đang khá chật vật trong việc thu hút người hâm mộ.

Hay nhóm P336 cũng vào tốp có thành viên đông nhất với 10 người. Sau một vài sản phẩm ấn tượng cách đây vài năm, P336 cũng đang dần hụt hơi bởi sự na ná những hình mẫu ban nhạc hay nghệ sĩ nổi tiếng từ trong nước đến nước ngoài. Để khán giả nhớ đến, hiện nay nhiều thành viên của nhóm chọn cách tham gia game show, đóng phim hay tách riêng làm ca sĩ solo. Họ cũng dần chuyển từ phong cách "teen", ngây thơ sang quyến rũ, gợi cảm nhưng chưa hiệu quả.

Cách các nhóm nhạc tiếp cận công chúng thời nay cần đổi khác, hiện đại và năng động hơn nhưng không thể là sự pha trộn, càng không thể là sự bắt chước, lai căng. Chìa khóa thành công luôn đòi hỏi nhiều yếu tố: sự đặc biệt trong giọng hát, phong cách âm nhạc, phong cách biểu diễn… nhưng suy cho cùng vẫn là sự khác biệt.

Đăng Huỳnh - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu