Thứ ba, 01/10/2019,08:04 (GMT+7)
Nhựa trong xây dựng – Những vấn đề đáng quan tâm
Xây dựng là lĩnh vực tiêu dùng nhựa lớn thứ hai chỉ sau bán lẻ. Bao bì sử dụng một lần được ước tính chiếm 1/3 lượng chất thải rời hỗn hợp. Phần lớn trong số này được chôn lấp hoặc đốt cháy và chỉ có 2-4% trong số này thực sự được tái chế. Sử dụng nhựa trong xây dựng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường.

Rác thải nhựa từ xây dựng gây hại cho môi trường (Nguồn: Internet).

Trong xây dựng, nhựa được sử dụng trong các sản phẩm như: Sàn, tấm cách nhiệt, sơn, cửa sổ, cửa ra vào, đường ống, ván dăm… Nhựa được sử dụng ở khắp mọi nơi trong công trình xây dựng bởi độ bền, giá thành thấp. Tuy nhiên, khi trở thành rác thải thì phải mất tới 1.000 năm để nhựa phân hủy. Bên cạnh đó, rác thải nhựa khi không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nước nếu được chôn lấp và gây ô nhiễm không khí nếu được thiêu hủy.

Giảm lượng chất thải nhựa trong xây dựng có thể đem lại những lợi ích về mặt tài chính. Một nhà thầu có thể tiết kiệm khoảng 14.300 USD cho dự án xây dựng 25 ngôi nhà bằng cách giảm, tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa.

Một tỷ lệ lớn bao bì nhựa bị vứt đi có thể được tái chế. Các nhà đầu tư xây dựng có thể làm việc với nhà cung cấp của mình về việc giảm lượng bao bì hoặc thu lại bao bì để tái chế. Đặt hàng với khối lượng sản phẩm hoặc vật liệu xây dựng lớn hơn trong mỗi túi có thể giúp cắt giảm khối lượng bao bì cho mỗi mặt hàng và giảm nhu cầu sử dụng nhiều túi polypropylene.

Sử dụng những chiếc hộp bằng nhựa có thể tái sử dụng để đặt và bảo quản vật liệu và sau khi sử dụng có thể trả lại hộp cho nhà cung cấp, đây cũng là một giải pháp giúp giảm lượng bao bì cần dùng.

Một số Cty trong ngành Xây dựng đã tạo ra sàn nhà từ nhựa tái chế giúp giảm khoảng 1.000 chai nhựa đổ ra các bãi rác cho mỗi m2 sàn. Ngoài ra, rác thải nhựa còn được tái chế thành ngói lợp, giúp giảm 110.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm.

Đối với những con đường được trải nhựa trong tương lai có thể sử dụng nhựa đã qua sử dụng để trải. Phương pháp này vừa giúp giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường vừa giúp giảm kinh phí xây dựng bởi nhựa đường tái chế ít tốn kém hơn nhựa đường truyền thống.

Để tạo ra bê tông trong xây dựng cần một lượng lớn cát, sỏi… Việc khai thác cát trái phép đã trở thành một vấn đề báo động ở nước ta. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, 10% khối lượng cát trong bê tông có thể được thay thế bằng chất thải nhựa. Bê tông sử dụng 30% cát lấy từ các bãi biển, lòng sông, chỉ cần thay thế 10% trong số đó có thể giúp tiết kiệm hơn 800 triệu tấn cát.

Hà Đào - (baoxaydung.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu