Ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XK, NK) Việt Nam có hiệu từ ngày 1/12/2022 và thay thế Thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017, Thông tư 09/2019/TT-BTC ngày 15/2/2019.
Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư 31/2022/TT-BTC gồm 02 Phụ lục:
- Phụ lục I: Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam;
- Phụ lục II: 06 quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới.
Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam được sử dụng để:
- Xây dựng các Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa XK, NK;
- Xây dựng các Danh mục hàng hóa phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của Chính phủ và quy định tại khoản 4 Điều 26 Luật Hải quan;
- Thống kê Nhà nước về hàng hóa XK, NK;
- Phục vụ công tác quản lý nhà nước về XK, NK hàng hóa và các lĩnh vực khác.
Từ 1/12, Bộ Ngoại giao được bổ sung nhiều nhiệm vụ mới
Có hiệu lực từ 1/12, Nghị định 81/2022/NĐ-CP ngày 14/10/2022 của Chính phủ bổ sung nhiều nhiệm vụ mới với Bộ Ngoại giao.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, Nghị định số 81/2022/NĐ-CP bổ sung nhiệm vụ về thống nhất chủ trương bầu cử tại các diễn đàn, tổ chức đa phương để bảo đảm phù hợp với chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư.
Thể hiện rõ hơn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kĩ năng đối ngoại hội nhập quốc tế để bảo đảm phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng, nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao và yêu cầu thực tế trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ các bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Nghị định bổ sung nhiệm vụ “Tham mưu, chuẩn hóa và thống nhất quản lý về việc sử dụng các ngôn ngữ nước ngoài thông dụng trong hoạt động chính trị, ngoại giao của Đảng và Nhà nước” để phù hợp với nhiệm vụ thực tế được giao cho Bộ Ngoại giao.
Theo đó, Bộ Ngoại giao là cơ quan duy nhất chủ trì thực hiện nhiệm vụ phiên dịch, biên dịch phục vụ các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng thời là đầu mối tổ chức và thực hiện các hoạt động quy chuẩn hóa công tác biên, phiên dịch nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay.
Nghị định cũng bổ sung nhiệm vụ “Thực hiện cấp chứng minh thư cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, lãnh sự danh dự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên gia đình theo quy định của pháp luật.” để bảo đảm bao quát các nhiệm vụ Bộ Ngoại giao đang thực hiện trên thực tế nhưng chưa được quy định tại Nghị định cũ, phù hợp với quy định tại Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993.
Ngoài ra, Nghị định bổ sung nhiệm vụ về thực hiện đại đoàn kết dân tộc đối với người Việt Nam ở nước ngoài để bảo đảm phù hợp với Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Bổ sung quy định về cách xếp lương đối với công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường
Căn cứ vào khoản 4 Điều 1 Thông tư 12/2022/TT-BTNMT đã có quy định như sau:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BTNMT-BNV ngày 08 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành địa chính.
Bổ sung quy định về cách xếp lương đối với công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường sẽ được áp dụng với công chức, viên chức từ tháng 12/2022.
4. Bổ sung khoản 5 Điều 9 như sau:
“Điều 9. Cách xếp lương
5. Công chức, viên chức đang giữ ngạch, chức danh nghề nghiệp khác chuyển sang chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành địa chính thì việc xếp lương thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch này và theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành”.
Theo như quy định trên thì trong thời gian tới sẽ bổ sung quy định về cách xếp lương đối với công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường. Đây là một trong những chính sách mới sẽ được áp dụng với công chức, viên chức từ tháng 12/2022.
Thông tư 12/2022/TT-BTNMT sẽ có hiệu lực từ ngày 9/12/2022.
Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với viên chức địa chính, thể dục thể thao
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 12/2022 sửa đổi tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 9/12/2022.
Theo đó, Thông tư 12 đã bãi bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức địa chính các hạng.
Chức danh địa chính viên hạng II chỉ yêu cầu có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc sử dụng phần mềm chuyên ngành địa chính, sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Chức danh địa chính viên hạng III yêu cầu viên chức có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Đối với địa chính viên hạng IV, không còn yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học.
Tương tự, từ ngày 10/12/2022, Thông tư số 07/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao cũng không còn yêu cầu viên chức phải có trình độ ngoại ngữ theo bậc tương ứng.
Thay vào đó, viên chức ngành thể dục thể thao phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.
Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ điện thoại thông minh
Từ ngày 12/12/2022, Thông tư 14/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 sẽ có hiệu lực.
Tại Mục 2 (Hỗ trợ điện thoại thông minh) Chương IV của Thông tư có quy định đối tượng được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh là hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Theo đó, những hộ được hỗ trợ điện thoại thông minh gồm: Hộ gia đình chưa được hỗ trợ máy tính bảng từ Chương trình hoặc thiết bị học tập trực tuyến thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em” (tính đến thời điểm Bộ Thông tin và Truyền thông phân bổ số lượng điện thoại thông minh cho các địa phương); Hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhận hỗ trợ.
Từ ngày 12/12/2022, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ điện thoại thông minh theo quy định.
Có 2 hình thức hỗ trợ gồm:
- Hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh kết hợp với hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất cho hộ gia đình (sau đây gọi tắt là gói dịch vụ hỗ trợ kết hợp).
- Hỗ trợ bằng tiền (nếu hộ gia đình thuộc danh sách được hỗ trợ đã tự mua điện thoại thông minh kể từ ngày 12/12/2022). Mức hỗ trợ là 500.000 đồng/hộ.
Nếu hộ gia đình mua điện thoại thông minh trên thị trường (trường hợp hộ gia đình nhận hỗ trợ bằng tiền) hoặc mua điện thoại thông minh thông qua gói dịch vụ kết hợp của doanh nghiệp có giá cao hơn mức hỗ trợ từ Chương trình, hộ gia đình tự bổ sung số kinh phí tăng thêm.