Thứ ba, 16/02/2021,07:32 (GMT+7)
Những người chăm “búp non” ở vùng cao
“Trẻ em như búp trên cành”, chính bởi vậy nên giáo dục mầm non, cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục rất quan trọng. Để tạo chuyển biến căn bản, toàn diện chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, đặc biệt là ở vùng cao còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi các nhà trường, mỗi giáo viên đang công tác tại các trường vùng cao phải có tinh thần vượt khó, sự tâm huyết với nghề thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những ngày đầu Xuân Tân Sửu, xin giới thiệu tấm gương hai cô giáo tiêu biểu trong sự nghiệp chăm lo cho những “búp non” ở vùng cao.
Trẻ em tại Trường mầm non Tênh Phông (Tuần Giáo, Điện Biên)
 
Cô giáo Thoa: Chăm trẻ như người mẹ
 
Cô giáo Cà Thị Thoa, người có 10 năm công tác tại Trường mầm non Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, đến giờ vẫn nhớ như in kỷ niệm đáng nhớ, khi cô phải đi bộ 20 km để vận động hai trẻ độ tuổi mầm non ra lớp.
 
Khi đó, gia đình các em chuyển đến một địa điểm sống tách biệt và cách xa bản làng. Đường đến gia đình trẻ toàn đèo, dốc, vực sâu, xe máy không đi được. Cô Thoa và các đồng nghiệp phải đi bộ tới đó. “Trong quá trình vận động, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, vì gia đình trẻ sống cách xa trường, không có điều kiện và phương tiện đưa các con đi học. Nhưng với lòng quyết tâm và mong muốn đưa được các con đến trường, tôi và đồng nghiệp đã thuyết phục được gia đình các cháu và đưa các cháu ra lớp”, cô Thoa kể.
 
Cô cho biết, do hoàn cảnh gia đình các cháu không thể đưa đón con hằng ngày nên cô đã nhận chăm sóc hai cháu, cho ở lại ăn, nghỉ cùng các cô giáo tại khu tập thể cho đến hết năm học.
 
Với sự tâm huyết và lòng yêu nghề, mến trẻ, cũng như lòng tin của cha, mẹ trẻ gửi gắm, cô Thoa và đồng nghiệp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cô giáo mầm non và của một người mẹ. Đến nay hai cháu đã hoàn thành chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi và bước sang trường tiểu học.
 
Ngôi trường Tênh Phông, nơi cô Thoa công tác thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, cách trung tâm huyện 25 km đường đèo dốc. Trường nằm trên núi cao 1.500 m, cách xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn.
Những người chăm “búp non” ở vùng cao -0
Điểm trường Xá Tự, một trong những điểm trường của Trường mầm non Tênh Phông. 
 
Mùa đông ở Tênh Phông vô cùng giá rét, mùa mưa đồi núi sạt, lở đi lại khó khăn. Dân cư 100% là người dân tộc H’Mông, trẻ em độ tuổi mầm non hầu hết còn nhút nhát, chưa sẵn sàng tâm lý đến trường. Điều kiện kinh tế của nhân dân trong xã còn nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 74,2%, các điểm bản chưa có điện lưới quốc gia.
 
Do số trẻ tại một số điểm bản ít, đồng thời thiếu giáo viên mầm non nên một số điểm trường chỉ có  giáo viên/lớp, thiếu nhà công vụ, không có điện, mùa khô thiếu nước sinh hoạt, bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán của các dân tộc khác nhau, lớp ghép nhiều độ tuổi… những điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ của cô Thoa các giáo viên vùng cao.
 
“Tôi luôn xác định, mình là cô giáo mầm non - là người thay bố, mẹ chăm sóc các con trong thời gian ở trường”, cô cho biết trong dịp Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VII, diễn ra tháng 9-2020.
 
Cô Thoa tâm huyết kể, khác với các cấp học khác, trẻ mầm non còn bé bỏng, hồn nhiên, nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Đặc biệt trẻ vùng cao, khi mới đến trường còn nhút nhát, sợ hãi, chưa biết tiếng phổ thông, khi học trong môi trường nhóm, lớp lại có nhiều sự chênh lệch về sự hiểu biết, độ tuổi…
 
Nói về kinh nghiệm của bản thân để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển của trường mầm non, của người giáo viên mầm non, cô dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt, dạy trẻ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”.
 
Trong thời gian công tác tại Trường mầm non Tênh Phông, thành tích và sự nỗ lực của cô Thoa đã được cấp trên ghi nhận, biểu dương. Cô đã bốn lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; năm lần được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen; nhận Giấy khen của Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên; nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
 
Cô giáo Tông: Mong ước mang đến cho các con những tiếng cười trẻ thơ
 
Cô giáo Sung Thị Tông, sinh ra và lớn lên tại bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm xã 27 km và cách trung tâm huyện 67 km. Tuổi thơ của cô gắn liền với những con suối và ruộng nương.
Những người chăm “búp non” ở vùng cao -0
Cô giáo Sung Thị Tông nhận bằng khen của Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục năm 2020. (Ảnh: GD&TĐ)
 
“Ngày đó, tôi là một trong bảy đứa trẻ may mắn nhất trong bản khi được cắp sách tới trường. Chúng tôi đến lớp khi quần áo còn lấm lem bùn đất, có bạn còn chưa biết tự rửa mặt. Gọi là cùng lớp nhưng có bạn hơn tuổi, có bạn ít tuổi hơn tôi vì lớp tôi học là lớp ghép với ba trình độ. Phòng học của chúng tôi chật lắm nhưng thầy giáo vẫn phải kê ba bảng ở ba hướng khác nhau để dạy. Đồ dùng học tập của chúng tôi là những quyển sách, chiếc bút do chính thầy cô cho”, cô Tông nhớ lại.
 
Cô vẫn còn nhớ như in có những hôm nhiều bạn vừa học vừa phải cõng em, anh thì ê a đọc chữ, còn em thì ngủ trên lưng lúc nào không hay.
 
Trải qua những khó khăn cùng bản làng, ngày ngày Tông ấp ủ ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành cô giáo để có thể đem tri thức của mình truyền đạt lại cho bao thế hệ trẻ thơ nơi mình sinh ra.
 
Với sự quyết tâm, phấn đấu không ngừng nghỉ của bản thân, ước mơ ấy của cô đã trở thành hiện thực. Năm 2016, cô Tông chính thức trở thành cô giáo mầm non. Với lòng đam mê nghề giáo và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô không quản ngại khó khăn, vất vả xung phong nhận nhiệm vụ đứng lớp tại điểm trường Mùa Xuân, Trường mầm non Sơn Thủy.
 
Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm, là mùa mà cây cối đâm chồi nảy lộc, nhưng bản Mùa Xuân thì vẫn còn vô vàn khó khăn. Đây là bản có 100% đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống, cách điểm trường chính và trung tâm xã 22 km, giáp với nước Lào. Là một bản vùng biên nghèo nhất tỉnh Thanh Hoá: không điện - không đường - không trạm, sự nghèo đói, lạc hậu... vẫn đeo bám nơi đây.
 
Đồng bào sống tự cung tự cấp, dựa vào trồng ngô, trồng lúa trên nương. Đặc biệt, có thời điểm bão lũ, bản Mùa Xuân đã bị lũ quét tràn qua, chia cắt và cô lập. Những ngôi nhà đất mái lá vốn đã đơn sơ, tuềnh toàng, cơn bão đi qua đã cuốn trôi, làm sập hoàn toàn, đường xá sạt lở,... Hành trình đến với điểm trường Mùa Xuân của cô Tông càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
 
Để đến với điểm trường Mùa Xuân, cô phải vượt qua quãng đường bùn lầy, dốc đá lởm chởm và có nhiều đoạn chiều ngang con đường chỉ khoảng nửa mét, một bên là núi, một bên là vực, nếu đi không cẩn thận sẽ rơi xuống vực bất cứ lúc nào. Nếu mùa khô thì đi xe máy sẽ mất khoảng hơn 5 giờ đồng hồ, còn đi bộ sẽ mất một ngày. Nhưng những khó khăn đó cũng không làm cho cô chùn bước.
 
Khi tận mắt nhìn thấy những thiếu thốn của điểm trường: Phòng học xuống cấp, đồ dùng học tập, trang thiết bị, đồ chơi bị mưa bão cuốn trôi và hư hỏng… lòng cô như thắt lại. Cô trăn trở và suy nghĩ làm gì để những đứa trẻ nơi đây bớt khổ, bớt đói; làm thế nào để các em có đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị cần thiết để vui chơi, học tập, đáp ứng các yêu cầu của công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi?
 
“Tôi quyết định tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường tìm cách kết nối với các cá nhân, đoàn từ thiện, các nhà hảo tâm để huy động mọi nguồn lực hỗ trợ về đồ dùng, đồ chơi, bàn ghế cho trẻ. Và những nỗ lực của tôi đã được đền đáp, trong hơn một tháng tôi đã kêu gọi được nhiều đồ chơi, đồ dùng, bàn ghế”, cô kể.
 
Khi cơ sở vật chất đã tạm thời ổn định, cô Tông lại suy nghĩ làm thế nào để mỗi đứa trẻ nơi đây đều được đến lớp học tập và vui chơi cùng bạn bè. Vì thế sau mỗi buổi lên lớp, cô đến từng nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng cháu, động viên, tuyên truyền cho phụ huynh đưa trẻ ra lớp học… và sau một tháng khai giảng, trẻ từ độ tuổi 25-36 tháng trở lên đã ra lớp 100%.
 
“Với 100% người dân nơi đây đều là đồng bào dân tộc H’Mông, trẻ đến trường đều giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, không hiểu được tiếng Việt nên các hoạt động trên lớp chưa thu hút được sự tham gia của trẻ. Vì vậy, việc cần làm đầu tiên là tăng cường vốn tiếng Việt cho trẻ. Để làm được điều đó tôi vừa nói tiếng phổ thông, vừa phiên âm ra tiếng H’Mông để giải thích cho trẻ, tập cho trẻ nói tiếng phổ thông từ những câu đơn giản nhất; tôi dạy trẻ đến lớp được học chữ, tô màu, hát múa…”, cô chia sẻ trong dịp diễn ra Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VII.
 
Hè qua thu đến, một năm học mới nữa bắt đầu, cô Tông cùng với các cô giáo trong điểm trường lại tiếp tục tất bật chuẩn bị những điều kiện tốt nhất có thể để đón trẻ tới lớp trong niềm vui hân hoan và phấn khởi.
 
“Tôi chỉ có ước vọng làm được những điều bình dị nhất đó là mang đến cho các con những tiếng cười trẻ thơ trong ngôi trường với đầy đủ đồ chơi, trang thiết bị cần thiết, được chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ thật an toàn, con đường đưa bước chân của các con đến trường hằng ngày bằng phẳng - những điều bình thường nhất mà trẻ em ở nơi khác dễ dàng có được”, cô Tông nói.
 
LÊ HÀ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu