Hana Khider không sợ khi làm công việc hết sức nguy hiểm.
5 giờ sáng, Khider đi tới căn cứ của Nhóm Tư vấn bom mìn (MAG) - tổ chức từ thiện tìm và dọn dẹp bom mìn còn sót lại tại những vùng chiến sự, để nhận nhiệm vụ. Sau đó, người phụ nữ 28 tuổi này lái xe đến ngôi làng còn nhiều bom mìn chưa nổ và dọn dẹp đến khoảng 2 giờ chiều. Trên bãi mìn, từng bước đi của Khider đều tiềm ẩn nguy hiểm, nhưng nó cũng đưa cô tiến gần hơn tới giấc mơ thời ấu thơ là dọn sạch bom mìn ở quận Sinjar, miền Bắc Iraq, nơi cô đang sinh sống cùng chồng và 3 con sau khi trở về từ Syria.
Năm 2016, MAG là tổ chức rà phá bom mìn đầu tiên ở Iraq thu nhận phái yếu. MAG hiện có 24 phụ nữ, kể cả Khider. Giám đốc MAG tại Iraq, Jack Morgan cho biết họ dự định thuê thêm 10 phụ nữ đến từ thành phố Mosul trong những tuần tới.
Ðầu năm nay, một thành viên nam của MAG đã thiệt mạng trong vụ nổ tại kho đạn dược ở quận Telefar, vụ việc cho thấy sự hiểm nguy mà những người rà phá bom mìn phải đối mặt hằng ngày.
Iraq hiện còn khoảng 1.800km2 đất dày đặc bom mìn tích tụ qua nhiều cuộc xung đột, bao gồm chiến tranh Iran - Iraq thập niên 1980, chiến tranh Vùng Vịnh đầu thập niên 1990 và gần đây nhất là sự chiếm đóng của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Chính phủ Iraq đặt ra hạn chót nước này không còn bom mìn là vào tháng 2-2028, nhưng mục tiêu trên xem ra khó đạt được. Do đại dịch COVID-19, năm ngoái, lực lượng rà phá bom mìn chỉ dọn dẹp ở khu vực rộng hơn 15km2. Trong năm này, riêng MAG chỉ xóa sổ được 1.200 quả bom mìn, thay vì 6.750 quả như mọi năm.
Ngoài những vật liệu chưa nổ (UXO) như đạn cối, đầu đạn và lựu đạn, IS còn cố tình để lại những thiết bị nổ tự chế (IED) ở khắp nơi, trong đó có điện thoại di động và thậm chí đồ chơi trẻ con. Hồi tháng 12-2020, làng Qabasiya đã chứng kiến 2 đứa trẻ thiệt mạng do giẫm phải IED. Ðó cũng là lý do Khider cùng nhiều phụ nữ khác quyết định gia nhập lực lượng rà phá bom mìn với đa phần là nam giới.
Một quốc gia khác ở Trung Ðông là Lebanon cũng đang có những bước đi chậm nhưng chắc chắn trong việc phụ nữ thách thức vai trò của nam giới liên quan hoạt động rà phá bom mìn. Tại biên giới phía Nam Lebanon, giáp với Israel, hiện có khoảng 40% số thiết bị vẫn còn nằm phía dưới hoặc trên mặt đất cho đến khi người dân vô tình đạp lên, khiến nó phát nổ. Kể từ năm 2006, có 70 nạn nhân xấu số của bom mìn hoặc các UXO ở Lebanon và 470 người bị thương do những thiết bị này. Cho đến nay, đội rà phá bom mìn MAG ở Lebanon, bao gồm 30 phụ nữ, đã dọn gần 15.000 quả bom mìn tại nước này.
Năm 2005, Liên Hiệp Quốc đã công bố chọn ngày 4-4 hằng năm là Ngày Quốc tế Nhận thức bom mìn và Hỗ trợ hành động bom mìn. Báo cáo Giám sát bom mìn thường niên của Liên Hiệp Quốc cho biết, trong năm 2017, trên thế giới có hơn 7.000 người thương vong do bom mìn và các loại vật liệu nổ khác, trong đó 2.800 người thiệt mạng.
HẠNH NGUYÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)