Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Văn bản quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đối tượng áp dụng là người sử dụng lao động (NSDLĐ), NLĐ và các cá nhân, tổ chức khác có hành vi vi phạm hành chính trong ba lĩnh vực nêu trên.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị xử phạt theo hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung, hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả.
Tổ chức bị xử phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân trong Nghị định này.
Cụ thể, theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP, NSDLĐ vi phạm quy định về đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng nếu có hành vi không cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH bắt buộc, BHTN theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan BHXH.
Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với NSDLĐ có một trong các hành vi sau: Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN; Đóng BHXH, BHTN không đúng mức quy định mà không phải trốn đóng; Đóng BHXH, BHTN không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN mà không phải trốn đóng.
Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với NSDLĐ không đóng BHXH bắt buộc, BHTN cho toàn bộ NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với NSDLĐ có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghị định cũng buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, BHTN phải đóng đối với các hành vi vi phạm nêu trên. Buộc nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng.
Nếu không thực hiện, theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của NSDLĐ để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan BHXH đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản đã quy định ở trên từ 30 ngày trở lên.
Với những vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ BHXH, BHTN, áp dụng phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với NSDLĐ có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, BHTN để trục lợi chế độ BHXH, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng BHXH, BHTN làm giả, làm sai lệch nội dung.
Ngoài ra, với vi phạm các quy định khác về BHXH, BHTN, Nghị định quy định phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng khi vi phạm với mỗi NLĐ, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng với NSDLĐ có hành vi không trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan BHXH chuyển đến.
Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền hưởng BHXH bắt buộc của NLĐ mà NSDLĐ đã chiếm dụng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng với NSDLĐ có hành vi chiếm dụng tiền hưởng BHXH bắt buộc của NLĐ.
Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng khi vi phạm với mỗi NLĐ nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với NSDLĐ có một trong các hành vi sau đây: Không lập hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc, BHTN cho NLĐ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng; Không lập hồ sơ hoặc văn bản đề nghị đúng thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 102, khoản 1 Điều 103, khoản 1 Điều 110, khoản 2 Điều 112 Luật BHXH; Không giới thiệu NLĐ thuộc đối tượng quy định tại Điều 47 của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 55 của Luật BHXH đi khám giám định suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa; Không trả sổ BHXH cho NLĐ theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với NSDLĐ khi được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ mà có hành vi tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ không theo đúng phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Các quy định trong nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2020. Kể từ thời điểm này, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành.