Thứ sáu, 17/01/2020,10:34 (GMT+7)
Những sáng kiến mang hiệu quả bất ngờ
Làm sao tốt nhất cho bệnh nhân? Là câu hỏi luôn được các bác sĩ trăn trở và là động lực khơi nguồn cho những sáng kiến, sáng tạo trong công việc, nhằm khắc phục những hạn chế trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh cho người dân. Để rồi, mỗi bệnh nhân “hài lòng” chính là những đóa hoa mùa xuân trong lòng thầy thuốc.
Bác sĩ Sự khám bệnh cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy.
 
Cải tiến đèn chiếu điều trị bệnh vàng da sơ sinh
 
Phương pháp chiếu đèn vàng da đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện trong cả nước, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng áp dụng phương pháp này. Tuy nhiên, thay vì sử dụng hệ thống đèn huỳnh quang, nhóm bác sĩ Lê Minh Tấn, Tạ Hồng Xuân, Lê Văn Vững cải tiến thay thế bằng đèn led, không chỉ đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn mà còn giúp tiết kiệm chi phí. Bác sĩ Xuân chia sẻ: “Qua so sánh, thấy đèn led có cường độ chiếu sáng liên tục, tuổi thọ cao, gọn nhẹ, dễ bảo quản, giá thành thấp, còn đèn huỳnh quang cường độ ánh sáng nhấp nháy, dễ vỡ và tiêu thụ điện năng nhiều nhưng giá thành cao”.
 
Cải tiến trên khắc phục được tồn tại một số vấn đề điều trị ở Khoa nhi do số lượng đèn chiếu vàng da ít, trong khi, vàng da tăng bilirubin gián tiếp chiếm gần 1/2 lượng bệnh sơ sinh điều trị tại khoa. Các đèn chiếu huỳnh quang trước đó có những khuyết điểm: Các bóng đèn phát ra không đúng bước sóng, cường độ ánh sáng không theo yêu cầu, tuổi thọ ngắn, chi phí bóng đèn cao, giảm hiệu quả, kéo dài thời gian điều trị. Với thực tế nêu trên, nhóm nghiên cứu đề xuất sáng kiến thay thế bằng bóng đèn led.
 
Chiếu đèn vàng da là một phương pháp quang trị liệu, dùng ánh sáng trong quang phổ màu xanh có bước sóng từ 430-470nm, cực điểm 460nm tương ứng với đỉnh hấp thụ của bilirubine tự do, dưới tác dụng của ánh sáng này, hình dạng và cấu trúc phân từ bilirubin thay đổi thành dạng mà chúng có thể bài tiết trong nước tiểu và phân.
 
Theo bác sĩ Trần Tôn Thái, Trưởng khoa Nhi: “Từ đầu năm 2018, hệ thống đèn led đã được áp dụng thực tế đáp ứng nhu cầu điều trị vàng da tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh ở khoa. Nâng cao chất lượng điều trị của đơn nguyên sơ sinh hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Chi phí đầu tư trang thiết bị giảm gần 4 lần. Chiếu đèn vàng da là phương pháp điều trị không xâm lấn hiệu quả. Việc thay đổi bóng led sẽ tăng hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện cho trẻ sơ sinh”.
 
Phần mềm khảo sát sự hài lòng của người bệnh
 
Những năm gần đây, trong toàn ngành y tế phát động khẩu hiệu đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới hài lòng của người bệnh. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, qua 3 năm thực hiện khảo sát thăm dò người bệnh và người nuôi bệnh bằng phương pháp phỏng vấn trả lời bảng câu hỏi khảo sát mẫu do Bộ Y tế ban hành đã bộc lộ những hạn chế: Thông tin dễ bị chi phối; thông tin cứng nhắc do được thiết kế trước, kém linh hoạt khi phỏng vấn; người phỏng vấn bị khống chế theo cấu trúc và có thể bị ức chế khi câu hỏi cứ lặp đi lặp lại từ ứng viên này sang ứng viên khác; tốn thời gian thực hiện phỏng vấn,… Hệ thống phần mềm khảo sát người bệnh được xây dựng và áp dụng khắc phục cơ bản những hạn chế này. Theo Chủ nhiệm sáng kiến Lê Minh Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Bước đầu, hệ thống màn hình khảo sát được lắp ở hai nơi là tại khoa khám bệnh. Và Khoa nội tim mạch lão học. Nhằm phát huy hiệu quả dự kiến sẽ thực hiện ở các khoa phòng khác của bệnh viện”.
 
Phần mềm đánh giá sự hài lòng người bệnh ngoại trú được lắp đặt với 10 tiêu chí, từ khâu đón tiếp, thời gian khám bệnh, thủ tục thanh toán, đến nhà vệ sinh, môi trường bệnh viện, chỗ gửi xe, thái độ phục vụ người bệnh, chất lượng khám, chữa bệnh… Tại mỗi tiêu chí sẽ có hai nút ấn là “Hài lòng” và “Không hài lòng” để người bệnh lựa chọn. Hệ thống khảo sát này được đặt ngay tại khoa khám bệnh, khu vực thanh toán viện phí… của bệnh viện để người dân dễ nhận biết, thể hiện sự hài lòng và không hài lòng của mình với dịch vụ khám bệnh. Tại các khoa lâm sàng tiêu chí khảo sát cao hơn với 16 tiêu chí được đưa ra từ khâu làm thủ tục đăng ký khám; cách hỏi bệnh và thăm khám của bác sĩ; chăm sóc người bệnh của điều dưỡng; thời gian chờ làm xét nghiệm, siêu âm, chụp phim; thái độ ứng xử, giao tiếp của nhân viên bệnh viện;…
 
Máy khảo sát mức độ không hài lòng của người bệnh được kết nối mạng, khi người bệnh bấm vào, thông tin sẽ được chuyển ngay đến lãnh đạo bệnh viện, biết được những công đoạn nào trong quy trình khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện mà người bệnh còn chưa hài lòng. Dữ liệu từ hệ thống máy được liên thông về bộ phận trung tâm, theo kế hoạch hàng tuần bên cạnh phản ánh kết quả trực đường dây nóng của bệnh viện, bệnh viện tổng hợp kết quả khảo sát không hài lòng của người bệnh, phản hồi về lãnh đạo các khoa có tỷ lệ không hài lòng cao để lãnh đạo khoa có kế hoạch cải tiến quy trình phục vụ người bệnh tại khoa khám bệnh.
 
“Không có người phỏng vấn, người trả lời có thể sẽ sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân vì họ không tiết lộ nó trực tiếp cho người khác. Hiệu quả, giúp giảm thời gian vì không phải đi khảo sát tại từng khoa, từng buồng bệnh; giảm thời gian phân tích số liệu. Từ ngày 25-8 đến nay hoạt động tốt, giúp bệnh viện thêm một kênh thông tin để khởi đầu cho một chu trình cải tiến chất lượng bệnh viện”, theo phân tích của bác sĩ Hoàng.
 
Giải pháp giảm kháng thuốc cho bệnh nhân
 
Tình trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng và là mối nguy đe dọa sức khỏe toàn cầu. Tại Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy tình trạng kháng thuốc ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng đã xảy ra. Với mong muốn giảm tình trạng kháng thuốc kháng sinh, bác sĩ Võ Hoàng Sự đã nghiên cứu đề tài “Đánh giá tỷ lệ kháng kháng sinh ban đầu và kết quả điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Khoa nội tim mạch lão học Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy năm 2018”. Nhằm đánh giá tỷ lệ kháng kháng sinh ban đầu trên bệnh đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Khoa nội tim mạch lão học Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy. Đánh giá kết quả điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Khoa nội tim mạch lão học. Đề ra khuyến nghị về vấn đề sử dụng kháng sinh ở bệnh nhân đợt cấp bệnh phổi mạn tính.
 
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ trước đến nay vẫn là thách thức đối với y học do tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong ngày càng tăng, kèm theo chi phí điều trị cũng như hậu quả của nó. Việc kháng kháng sinh làm bệnh kéo dài, tăng chi phí điều trị đặc biệt đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân nhiễm trùng. Bác sĩ Sự giãi bày: “Đối với bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phải thường xuyên đối diện với tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp khi bệnh nhân rơi vào đợt cấp thì tình trạng kháng kháng sinh tăng cao làm kéo dài thời gian điều trị. Việc sử dụng kháng sinh trong đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có vai trò quyết định trong quá trình điều trị bệnh. Việc đánh giá ban đầu để dùng kháng sinh phù hợp ảnh hưởng đến thời gian điều trị, chi phí điều trị và tỷ lệ tử vong của bệnh. Kết quả rút ra sau đánh giá giúp chỉnh sửa phác đồ điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính năm 2019, kháng sinh ban đầu được lựa chọn là kháng sinh có độ nhạy cao nhất là Cefoperazol + Sulbactam và Cefepim”.
 
Từ đầu năm  2019, Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy đã xây dựng lại phác đồ điều trị dựa vào việc ứng dụng đề tài này vào thực tế lâm sàng. Bệnh nhân đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vào viện chỉ sử dụng 2 loại kháng sinh có độ nhạy cao nhất là Cefepim và Cefoprazol + Sulbactam, giúp bệnh tình chuyển biến nhanh. Ông Phạm Văn Thanh, ở phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Tôi bị mệt, suy hô hấp khi vào viện nhưng qua mấy ngày điều trị đã đỡ rất nhiều”. Ông Thanh là một trong những bệnh nhân được áp dụng điều trị bệnh ứng dụng thành quả đánh giá việc dùng kháng sinh của bác sĩ Sự.
 
Theo báo cáo đánh giá của Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, hiệu quả phác đồ điều trị mới trong những tháng đầu năm 2019 đã đạt được hiệu quả cao hơn phác đồ cũ về thời gian điều trị, chi phí điều trị và tỷ lệ diễn biến nặng của bệnh. Dự kiến đầu năm 2020, sau khi có báo cáo đánh giá cụ thể hiệu quả ứng dụng phác đồ điều trị mới sẽ gửi kiến nghị về Sở Y tế để triển khai phác đồ điều trị mới đến các đơn vị trực thuộc.
 
Sự nỗ lực sáng tạo của các bác sĩ tất cả đều không nằm ngoài mục đích đem lại sự hài lòng cho người bệnh với hiệu quả điều trị tốt hơn, thái độ phục vụ được chú trọng đổi mới qua khảo sát ý kiến phản ánh của bệnh nhân được cho là cấu phần quan trọng và tiêu chí đánh giá chất lượng chăm sóc y tế của ngành y tế.
 
Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang lần thứ XI năm 2018 đã xuất hiện nhiều giải pháp của ngành y tế được đánh giá cao và được trao giải thưởng, như: Sáng kiến xây dựng phần mềm khảo sát sự hài lòng của bệnh nhân và người thân bệnh nhân của bác sĩ Lê Minh Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh (giải nhì); sáng kiến cải tiến hệ thống đèn chiếu vàng da bằng bóng đèn led của nhóm tác giả Lê Minh Tấn, Tạ Hồng Xuân, Lê Văn Vững, Bệnh viện Đa khoa tỉnh (giải ba); đánh giá tỷ lệ kháng kháng sinh ban đầu và kết quả điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Khoa nội tim mạch lão học Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy năm 2018 của bác sĩ Võ Hoàng Sự, Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy (giải ba).
 
Bài, ảnh: HỒNG DIỄM - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu