Chủ nhật, 23/08/2020,15:48 (GMT+7)
Những vấn đề Bollywood phải đối mặt
Chung hoàn cảnh với ngành công nghiệp phim ảnh thế giới, Bollywood đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế. Ước tính, ngành công nghiệp điện ảnh của Ấn Độ đã thất thu hơn 330 triệu USD, bên cạnh nhiều vấn đề phát sinh phải giải quyết, nhất là đời sống người lao động.
“Sooryavanshi”.
“Sooryavanshi”.
 
Thông lệ, mùa hè luôn là mùa bận rộn nhất trong năm của Bollywood với các phim được ra rạp liên tục. Giai đoạn này đồng thời cũng là bước đệm cho các dự án lớn hơn sẽ ra mắt vào mùa xuân. Thế nhưng điều đó không diễn ra trong mùa hè 2020. Ðại dịch COVID-19 đã khiến ngành công nghiệp điện ảnh Bollywood hoàn toàn bị chững lại. Các rạp chiếu đóng cửa, đơn vị sản xuất ngừng hoạt động, hãng phim trì hoãn phát hành tác phẩm mới. Ngay cả “Sooryavanshi” và “83” - 2 tác phẩm đã hoàn thành các khâu sản xuất, rất được công chúng mong đợi, cũng không thể ra rạp. Các phim trên bị đẩy lùi lịch phát hành vô thời hạn bởi ưu tiên hàng đầu của Ấn Ðộ hiện nay là an toàn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước dịch bệnh. Nhà nghiên cứu, phê bình Shubhra Gupta bày tỏ: “Ðó là những phim được sản xuất với quy mô rất lớn. Ngành công nghiệp và công chúng rất kỳ vọng vào những tác phẩm này, nhưng việc hoãn chiếu là bất khả kháng. Ðiều này gây tiếc nuối vô cùng lớn trong giới điện ảnh thời kỳ này”.
 
Nhà phân tích phim ảnh Komal Nahta ước tính rằng Bollywood thiệt hại hơn 330 triệu USD doanh thu phòng vé, chưa kể các thiệt hại đến từ việc phải hủy bỏ hàng loạt các cảnh quay, sản xuất phim. Bình quân mỗi năm Bollywood sản xuất hơn 1.000 phim. Có những năm, đơn cử như 2018, Ấn Ðộ sản xuất hơn 1.800 phim, cũng là quốc gia sản xuất nhiều phim xuất trong năm trên thế giới. Ðó là chưa kể Bollywood không chỉ chiếm thị trường quan trọng ở Ấn Ðộ với các phim nói tiếng Hindi, mà ngành công nghiệp còn có ảnh hưởng đến các khu vực lân cận bằng tác phẩm nói tiếng Marathi, Bhojpuri và tiếng Bengal. Nhà phân tích Komal Nahta cho biết thêm: “Doanh thu ở nước ngoài của các phim tiếng Hindi được sản xuất, công chiếu chiếm thị phần rất lớn trong tổng doanh thu”.
 
Các chuyên gia cho biết sự ảnh hưởng từ COVID-19 không chỉ gây trì trệ trong năm nay mà còn kéo dài sang những năm tiếp theo. Bởi vì với dân số hơn 1,3 tỉ người, Ấn Ðộ đang phải vất vả chống chọi với dịch bệnh. Theo lệnh từ Chính phủ, các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, trừ các cơ sở dịch vụ thiết yếu như dịch vụ y tế và cửa hàng tạp hóa. Komal Nahta tiếp tục chỉ ra rằng: “Ngay cả khi các rạp chiếu phim mở cửa trở lại, họ sẽ tiếp tục đối mặt với khủng hoảng vì việc sắp xếp rạp hoạt động và những tác phẩm để thu hút khán giả”. Chưa kể, khi các rạp được phép hoạt động trở lại vẫn phải đảm bảo nghiêm quy định về y tế, khả năng chỉ có thể phục vụ với công suất khoảng 50%. Do đó, sẽ có nhiều phim được chiếu mà không thể thu hồi vốn sản xuất.
Khó khăn của Bollywood còn tác động đến đời sống của người lao động. Arti Nayar - lao động trong ngành công nghiệp điện ảnh Bollywood - nói: “Tôi và nhiều người khác tại Bollywood làm công ăn lương hàng ngày. Vì vậy, khi một cảnh quay bị hủy bỏ, nó sẽ khiến cuộc sống của chúng tôi chật vật nhiều mặt”. Trước khó khăn này, Hiệp hội Sản xuất Ấn Ðộ cũng đã thành lập quỹ cứu trợ cho các nhân viên trong ngành công nghiệp điện ảnh. Nhà nghiên cứu, phê bình Shubhra Gupta nói rằng: “Ngành điện ảnh Ấn Ðộ sẽ có nhiều sự thay đổi lớn sau đại dịch, nhất là sự hợp tác, đồng cảm với thực tế khó khăn của Bollywood hiện tại và có thể trong tương lai”.
 
Thực tế, Bollywood cũng đang được chính quyền nới lỏng các quy định để các công đoạn sản xuất được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, một số các quy định mới cũng đã được đưa ra. Các cảnh thân mật ôm, hôn sẽ bị cấm, thậm chí là bắt tay cũng không được phép. Bên cạnh đó, Hội đồng Sản xuất phim Ấn Ðộ còn yêu cầu khắt khe: hạn chế các cảnh quay đồng diễn, cảnh quay lễ hội, tiệc tùng, nghiêm cấm diễn viên trên 65 tuổi tham gia. Ðoàn phim cũng chỉ còn 1/3 nhân viên được làm việc tại trường quay, các diễn viên cũng được yêu cầu phải tự phục trang cho bản thân và còn khá nhiều quy định dành cho nhân viên từng bộ phận. Nhà sản xuất phim Nitin Tej Ahuja đồng tình với các quy định, nhưng cũng bày tỏ lo lắng: “Có nhiều diễn viên sẽ không trở lại. Hơn nữa, không thể cứ quay trong phim trường mãi, còn có những cảnh phải ghi hình ở ngoài trời. Thế nhưng khi quay ngoại cảnh, chúng tôi lại không thể đảm bảo tìm được nơi đủ an toàn cho đoàn làm phim”.
 
Không chỉ việc quay phim khó khăn, ngay cả phim ra rạp cũng đau đầu vì không có khán giả. Bollywood - cũng như Hollywood và các nền công nghiệp điện ảnh của toàn thế giới - đang nỗ lực chống chịu và tìm cách vượt qua đại dịch COVID-19.
 
BẢO LAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu