Thứ bảy, 19/08/2023,06:06 (GMT+7)
Những vùng da nào không được tiêm filler?
Hiện tiêm filler là phương pháp làm đẹp được nhiều chị em ưa chuộng. Tuy nhiên, nếu phương pháp này không được thực hiện bởi các bác sĩ có uy tín, kinh nghiệm, được đào tạo bài bản... thì bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy hiểm
 
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam - cho biết tiêm chất làm đầy (filler) làm căng da mặt là kỹ thuật thường được sử dụng trong thẩm mỹ để xóa các nếp nhăn. Tuy nhiên, gần đây khá nhiều các biến chứng nguy hiểm (đột quỵ, mù mắt) liên quan đến kỹ thuật này được báo cáo.
 
Hậu quả do mê tiêm filler làm đẹp
 
Chỉ trong thời gian ngắn, tại TP HCM liên tiếp xảy ra các vụ việc tai biến do tiêm filler làm đẹp. Điển hình, mới đây, nam thanh niên (21 tuổi, ngụ Đồng Nai) đến địa chỉ 361 Bà Hạt, phường 4, quận 10, TP HCM theo lịch hẹn của người phụ nữ tên A.L để tiêm "filler phong thủy" mũi. Dù phía trước địa chỉ này là biển hiệu kinh doanh bánh mì, xôi mặn nhưng nam thanh niên vẫn đồng ý thực hiện tiêm.
 
Sau tiêm 5 phút, nam thanh niên bị đau đầu, nôn ói, đau mắt phải - nhìn mờ, chóng mặt nên được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đáng lưu ý, filler được người tiêm mua trên mạng với giá 300.000 đồng/cc và cơ sở này sau khi được kiểm tra không có hồ sơ pháp lý liên quan hoạt động khám chữa bệnh.
 
Những vùng da nào không được tiêm filler? - Ảnh 1.
Tổ chức Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo chỉ chấp thuận cho chỉ định tiêm các chất làm đầy đối với các trường hợp xóa nhăn phần vùng quanh môi. Ảnh: FDA
 
Sự việc tương tự xảy ra sau đó chưa đầy 2 tuần với người phụ nữ 39 tuổi. Theo đó, người này được bà B.H.C - chủ cơ sở Hồng Cúc tại địa chỉ 50/19, Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM - tiêm filler vùng trán phải. Tuy nhiên, sau tiêm khoảng 1 phút, bệnh nhân bị mờ mắt phải, bà C. liền tiêm thuốc giải cho bệnh nhân rồi đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán mắt phải bệnh nhân bị viêm màng bồ đào toàn bộ, tắc động mạch trung tâm võng mạc, thiếu máu da vùng trán phải, mắt phải và mũi sau tiêm filler.
 
TS-BS Đặng Thị Ngọc Bích, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM), cho biết thêm tiêm filler là một quy trình thẩm mỹ nội khoa. Chất làm đầy được tiêm vào dưới da để làm che lấp các nếp nhăn, phục hồi nhan sắc khuôn mặt; thậm chí cải thiện các khuyết điểm trên khuôn mặt, khắc phục các dấu hiệu lão hóa để vẻ ngoài trẻ trung hơn, làm thon gọn gương mặt.
 
Giải thích về việc nhiều người lựa chọn làm đẹp bằng phương pháp này, theo bác sĩ Bích, quy trình tiêm filler nhanh chóng, mất chưa đến 1 giờ; thời gian hồi phục sau khi tiêm filler là tối thiểu so với các phương thức làm đẹp khác; làm đẹp da ít tốn kém hơn so với các hình thức phẫu thuật và có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm tùy theo từng loại chất làm đầy.
 
Tiêm filler có tác dụng tăng thể tích cho vùng da được tiêm và khắc phục tình trạng chảy xệ; làm đầy các khuyết điểm và giúp khuôn mặt cân đối hơn; khắc phục các nếp nhăn trên khuôn mặt, trả lại vẻ ngoài trẻ trung; căng bóng da và thon gọn gương mặt.
 
Tránh và hạn chế rủi ro
Tuy nhiên, TS-BS Đỗ Thành Trí, Trưởng Khoa Phẫu thuật hàm mặt - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), cho biết vùng mặt có nhiều mạch máu, vùng nguy hiểm nếu người thực hiện không có kinh nghiệm, tiêm vào không đúng mạch máu sẽ gây ra các biến chứng.
 
"Bác sĩ sẽ biết rõ vùng giải phẫu nguy hiểm, hiểu kỹ thuật tiêm sẽ tránh và hạn chế rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, hiện nhiều cơ sở thực hiện tiêm khi kỹ thuật viên không rành về giải phẫu thì sẽ gây biến chứng. Đơn giản nhất là bầm tím, nặng nhất là tiêm vào mạch máu, ảnh hưởng võng mạc, gây mù mắt hoặc vào động mạch não gây thuyên tắc, đột quỵ" - bác sĩ Trí chia sẻ.
 
Bác sĩ Ngọc Bích cho biết Tổ chức Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo không tiêm filler vào ngực, mông hoặc khoảng trống giữa các cơ để tạo đường nét hoặc cải thiện cơ thể trên quy mô lớn. Bởi điều này dễ dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, bao gồm tình trạng đau kéo dài, để lại sẹo, nhiễm trùng, biến dạng vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
 
Bên cạnh đó, không sử dụng các thiết bị bơm tiêm không có kim tiêm để đưa filler vào da. Các thiết bị này thường sử dụng áp suất cao, khó kiểm soát vị trí của chất làm đầy khi được đưa vào da và gây ra các vết thương nghiêm trọng. Thậm chí, trong một số trường hợp còn gây ra các tổn thương vĩnh viễn cho da, môi và mắt...
 
TS-BS Đặng Thị Ngọc Bích cho rằng vẫn có một số rủi ro khi lựa chọn hình thức làm đẹp này như: Ngoại hình không cân xứng; sưng, đau, đỏ, bầm tím, chảy máu; tổn thương da, có thể gây ra sẹo; nhiễm trùng, có thể dẫn đến hoại tử trong trường hợp nặng; xuất hiện cục u hoặc vết sưng dưới da; tê liệt; nổi mụn giống như mụn trứng cá; phát ban và ngứa… 
 
Có bệnh lý nội khoa không nên tiêm
TS-BS Đỗ Thành Trí lưu ý, những bệnh nhân có bệnh lý nội khoa không nên tiêm filler. Bên cạnh đó, trước khi tiêm cần phải tìm hiểu tiền sử bệnh, dị ứng và các loại thuốc đang sử dụng. Đặc biệt, người thực hiện phải là các kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, tránh các nguy cơ tai biến.
 
Hải Yến (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu