Thứ ba, 22/10/2019,07:50 (GMT+7)
Nỗ lực đưa hàng Việt về thị trường nông thôn
Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn do Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức với mục tiêu là đưa hàng Việt chất lượng có thể “bám rễ” ở vùng sâu, vùng xa.

Khách hàng quan tâm nhiều nhất đến các sản phẩm tại gian hàng may mặc, đồ gia dụng của phiên chợ.

Đến hẹn lại lên, cứ vào những tháng cuối năm, hoạt động sản xuất, trao đổi hàng hóa lại “nóng” dần lên, chuẩn bị cho mùa mua sắm lớn nhất trong năm. Năm nay, không khí tại xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, còn rộn ràng hơn bởi tại đây đang diễn ra phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Diễn ra từ ngày 15 đến ngày 21-10, phiên chợ nằm trong Chương trình quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2019, nhằm đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt về tận vùng sâu, vùng xa.

Dù mở cửa vào ngày giữa tuần, khi người dân còn bận rộn với công việc ruộng, vườn, đi làm ở xa nhưng không khí tối khai mạc rất nhộn nhịp. Ghé tham quan từ trước giờ khai mạc, bà Tạ Kim Tuyết, ở ấp Mỹ Thuận 2, xã Phụng Hiệp, cho hay: “Đây là lần đầu tiên có phiên chợ đưa hàng Việt về với xã. Ban đầu, tôi định đi tham quan là chính, xem các loại hàng hóa thế nào mới tính, ai ngờ mới đi một vòng đã mua đầy một túi. Mấy ngày nữa, tới cuối tuần con gái tôi được nghỉ về sẽ rủ nó quay lại đây. Ngày thường đã đông vầy thì ngày nghỉ chắc còn hơn mấy lần”. Nhiều khuyến mãi là điều làm bà Tuyết và nhiều khách tham quan bất ngờ. Bởi, nếu mua sản phẩm tương tự ở chợ chưa chắc được giảm giá hoặc tặng kèm sản phẩm khác.

Các đơn vị có kinh nghiệm tham gia nhiều phiên chợ trên địa bàn tỉnh phần nào đã nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng khu vực nông thôn ở Hậu Giang. Do đó, doanh nghiệp thường chủ động chuẩn bị các loại hàng hóa có giá cả phù hợp với túi tiền của đa số người tiêu dùng nông thôn, các loại thực phẩm, đồ dùng nhà bếp và may mặc thời trang. Một trong những đơn vị thường xuyên có mặt tại các phiên chợ ở Hậu Giang, ông Nguyễn Thanh Hải, phụ trách quầy hàng Công ty TNHH MTV TM-DV Nhã Thy, cho rằng nhiều địa phương trong tỉnh dù thuộc khu vực nông thôn nhưng sức mua khá tốt, chứng tỏ người dân không chỉ tìm kiếm sản phẩm có giá cả phải chăng mà còn đảm bảo về chất lượng. “Dù chỉ mua một gói cà phê hay ngũ cốc mà khách hàng quan sát kỹ bao bì, các thông tin sản phẩm, hỏi thăm thông tin về doanh nghiệp sản xuất. Lúc cao điểm khách hàng đông mà bà con hỏi rất nhiều, mình mệt thì có mệt nhưng cũng ráng giải thích rõ ràng. Người mua tin tưởng và chọn sản phẩm thì mình cũng vui theo”, ông Hải cho biết thêm.

Qua phiên chợ, hàng hóa thương hiệu Việt có cơ hội đến tay người tiêu dùng trên địa bàn huyện, doanh nghiệp cũng có dịp để quảng bá sản phẩm của mình và tìm kiếm cơ hội để mở rộng thị trường. Trong số 20 gian hàng Việt tại phiên chợ lần này, có một gian hàng đến từ tỉnh An Giang bày bán nước ép dâu tằm, mứt dâu tằm, siro atiso, được làm từ chính dâu tằm trồng trong vườn sinh thái ở xã Phú Tân. Chủ vườn là bà Lê Thị Thảo cho hay, đây mới là lần thứ 2 bà mang sản phẩm đến Hậu Giang. Lần đầu là tại một hội chợ ở huyện Vị Thủy, sức mua khá tốt và khách hàng tỏ ra quan tâm đến sản phẩm dù thời tiết khi đó không mấy thuận lợi. Do đó, lần này khi có thông tin là bà quay trở lại dù chi phí chuyên chở về đây cũng khá cao. “Là nhà sản xuất, cái tôi mong muốn nhất là mang sản phẩm đi càng xa càng tốt, tìm kiếm được đại lý phân phối tốt và tiếp cận được nhiều khách hàng ở khắp vùng miền chứ không chỉ nghĩ về số lượng hàng hóa bán ra trong vài ngày ”, bà Thảo tâm sự.

Theo ông Trần Hoàng Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, phiên chợ góp phần nâng cao ý thức và niềm tin của người tiêu dùng, lan tỏa lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước. Bên cạnh đó, còn thúc đẩy doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng và trong nước nói chung phát triển sản xuất kinh doanh, đủ sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn, hệ thống các cửa hàng, siêu thị chưa phát triển mà chủ yếu tập trung vào chợ truyền thống, các đại lý nhỏ lẻ. Nhiều doanh nghiệp nhìn nhận do khó khăn khi đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối nên chưa thể tiếp cận đến tận vùng sâu, vùng xa. Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, tăng hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, ngoài các phiên chợ mang tính định kỳ, cần nhiều giải pháp thiết thực của các sở, ngành trong việc phát triển hạ tầng thương mại, tăng cường liên kết doanh nghiệp sản xuất và phân phối, phát triển thêm các điểm bán cố định. Ngoài ra, không thể thiếu hoạt động liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, giữa Hậu Giang với các tỉnh khác để khai thác được nguồn hàng tốt, chất lượng, giá cả hợp lý, tạo sự mới mẻ cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: THIÊN TRANG - (baohaugiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu