Sầu riêng đã có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên phải mất từ 1- 2 năm chăm sóc thì cây mới có thể cho trái trở lại.
Trở lại vườn sầu riêng của nhà vườn Nguyễn Văn Chung (ấp Lăng, xã Thanh Bình- Vũng Liêm), nơi mà cách đây hơn một tháng, 10 công sầu riêng của ông bị nước mặn xâm nhập gây héo lá, chết cây.
Đang loay hoay chăm sóc lại vườn sầu riêng, ông Nguyễn Văn Chung cho biết, nhờ được ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật giải độc mặn, sử dụng phân thuốc chăm sóc lại vườn sầu riêng nên đến nay vườn sầu riêng héo lá của ông đã “tỉnh” lại, cây bắt đầu ra đọt non và có dấu hiệu phục hồi.
Do sầu riêng còn yếu nên hiện một số cây có nhánh, đọt bị héo ông Chung vẫn chưa thể tỉa cành, tạo tán vì sợ cây mất sức. Dự kiến đến tháng 5, khi sầu riêng đã phục hồi bộ rễ ông mới cưa bớt nhánh đã chết.
Gần đó, 10 công sầu riêng của ông Nguyễn Văn Liêm (ấp Lăng, xã Thanh Bình) cũng có dấu hiệu hồi phục sau thời gian bị nước mặn tấn công.
Ông Liêm cho biết đã sử dụng các loại phân thuốc giải độc mặn và bổ sung phân hữu cơ để cứu vườn cây. Tuy nhiên vườn sầu riêng của ông có một số cây bị suy kiệt, khó có khả năng phục hồi nên ông đành phải đốn bỏ.
3 công sầu riêng của anh Nguyễn Văn Niêm (ấp Lăng, xã Thanh Bình) thì phục hồi khá tốt, chỉ có 1 cây bị héo lá, khô nhánh tưởng đã chết nhưng sau thời gian chăm sóc, cây vẫn cho ra lá non nên vẫn còn cứu được. Điều mà anh Niêm lo nhất hiện nay là nguồn nước ngọt để tưới đang rất khó khăn.
Vì từ khi mặn xâm nhập đến nay, độ mặn ngoài sông luôn ở ngưỡng gây hại cho sầu riêng nên nhà vườn nơi đây không thể lấy nước, hiện nguồn nước trong mương vườn đã gần khô kiệt.
Đã vậy, độ mặn của nước trong mương vườn vẫn đang ở mức 0,8‰. Với độ mặn này mà tưới cho cây thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng vì nắng nóng, nước bốc hơi, độ mặn tồn lưu trong đất sẽ còn cao hơn mức này. Anh Niêm cho biết chỉ còn cách chờ mưa xuống chứ không thể lấy nước sông tưới cho cây.
Ghi nhận tại một số nhà vườn có sầu riêng bị nhiễm mặn, mặc dù cây đang “chết khát” nhưng nhiều hộ chưa có giải pháp hữu hiệu để trữ nước ngọt giúp cây chống chịu qua thời gian hạn, mặn này.
Ông Nguyễn Văn Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình- cho biết: Trước nay, nhà vườn nơi đây chủ yếu trữ nước trong mương, vườn và hầu như ít lót bạt.
Việc làm này hiệu quả không cao, tưới vài lần là bị xì mặn vì ở cù lao này nước mặn còn xâm nhập theo đường mọi đáy.
Hiện địa phương đang tích cực khuyến cáo nhà vườn mua túi trữ nước ngọt hoặc lót bạt trữ nước trong mương vườn để ứng phó với mặn hiệu quả hơn.
Hạn, mặn vào tháng 1 và tháng 2/2020, khiến cho 100ha sầu riêng của xã Thanh Bình bị cháy lá, ước giảm năng suất từ 10- 30%.
Do chưa có giải pháp trữ nước ngọt phù hợp nên nhiều nhà vườn gặp khó khi độ mặn ngoài sông còn cao. Trong ảnh: Nhà vườn ở cù lao Dài đào ao lót bạt trữ nước ứng phó với hạn, mặn.
Theo ông Nguyễn Văn Sáu- Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vũng Liêm, để phục hồi vườn sầu riêng bị nhiễm mặn tùy tình trạng nặng hay nhẹ, nhà vườn cần cắt tỉa những cành héo, chết, tỉa bỏ toàn bộ hoặc một phần hoa hoặc trái.
Bên cạnh đó là sử dụng nước ngọt tưới cây thường xuyên để rửa trôi lượng muối đã tích tụ trong đất giúp rễ cây sớm phục hồi.
Để tăng tính chống chịu của cây, nhà vườn nên sử dụng các chế phẩm hoạt chất Brassinolide (gồm: Ethephone etthephon, Plasti Mula, Brightstar 25 EC, Rice Holder) và các chất có chứa các acid amin như Proline, Alanine, Leucine.
Ngoài ra, phân hữu cơ hoai mục cũng giúp cung cấp thêm dinh dưỡng rất tốt cho sầu riêng. Khi hoàn thiện bộ rễ non, sầu riêng cần cung cấp đầy đủ các chất trung, vi lượng từ phân bón NPK để giúp cây sớm phục hồi.
Nhà vườn cần lưu ý không sử dụng phân bón có thành phần Natri và Clo để bón cho cây vì sẽ làm tình trạng nhiễm mặn nặng hơn, đồng thời không xử lý ra hoa đối với những cây mới phục hồi, chỉ để hoa và trái với số lượng phù hợp ở những cây khỏe mạnh.
Bài, ảnh: THÀNH LONG- TẤN ANH - (baovinhlong.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)