Thứ năm, 26/11/2020,07:23 (GMT+7)
Nỗ lực xây dựng hình ảnh xe buýt chất lượng cao
TP Cần Thơ đang đẩy mạnh hiện đại hóa hoạt động xe buýt nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chủ lực này. Sự có mặt của xe buýt chất lượng cao trong thành phố không chỉ đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, mà còn hướng tới xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại.
Từ tháng 9-2020, TP Cần Thơ đưa vào hoạt động xe buýt chất lượng cao.
 
TP Cần Thơ là nơi tập trung nhiều trường đại học, bệnh viện và là đầu mối kinh tế của vùng ÐBSCL với hệ thống bến cảng, sân bay... Do vậy, nơi đây tập trung nhiều phương tiện giao thông, vào giờ cao điểm và giờ học sinh tan học thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Ðể hạn chế phương tiện cá nhân, ô nhiễm môi trường và phát triển đô thị văn minh, hiện đại, từ năm 1999, TP Cần Thơ đã đưa xe buýt vào hoạt động do Công ty Công trình đô thị Cần Thơ tổ chức quản lý. Năm 2014, chuyển giao lại cho Ban Quản lý và Ðiều hành VTHKCC thuộc Sở Giao thông vận tải thành phố quản lý và khai thác.
 
Sau thời gian dài đưa vào sử dụng, nhiều xe buýt đã xuống cấp, không đáp ứng chất lượng phục vụ và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải thành phố, chất lượng phương tiện kém, chi phí vận hành cao, nên xe buýt không hấp dẫn được người sử dụng dịch vụ. Cơ sở hạ tầng, bến bãi đón, trả hay trung chuyển hành khách cũng xuống cấp… dẫn đến ngày càng ít người đi xe buýt, doanh thu giảm. Tỷ lệ đảm nhận của xe buýt trên địa bàn thành phố đạt rất thấp, chỉ khoảng 1% nhu cầu đi lại của người dân. Từ thực trạng trên, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt Kế hoạch phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2021. Thành phố đề ra mục tiêu tăng cường tỷ lệ đảm nhận của VTHKCC bằng xe buýt tại TP Cần Thơ đến năm 2020 đạt từ 5-10%. Trong đó, mở mới 5 tuyến xe buýt không trợ giá và tháng 9-2020 đã đưa vào hoạt động tuyến Ba Láng - Ô Môn.
 
Trước đây, trong mắt nhiều người, xe buýt bị coi là "nỗi ám ảnh" khi phương tiện hầu hết cũ kỹ. Hơn 2 tháng qua, bằng việc đầu tư thay mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, những ấn tượng, hình ảnh về xe buýt đã được cải thiện rất nhiều. Thực tế trải nghiệm trên các xe buýt, nhiều hành khách đánh giá cao chất lượng xe buýt mới.
 
Từ khi tuyến xe buýt Ba Láng - Ô Môn đi vào hoạt động, khi có công việc cần di chuyển xa, cô Nguyễn Ngọc Thu ở phường An Bình, quận Cái Răng, ưu tiên chọn xe buýt. Cô Thu, cho biết: Gần đây, thời tiết mưa nắng thất thường. Lúc nắng gay gắt, oi bức khó chịu, lúc mưa tầm tã, thường kèm theo gió mạnh. Thêm vào đó, đường sá xe cộ đông đúc, trong khi đi xe buýt vừa rẻ lại vừa an toàn. Xe rộng rãi, thoáng đãng, có máy lạnh, nhân viên phục vụ lịch sự, niềm nở, cô rất hài lòng!
 
Chú Nguyễn Văn Thành, ở đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều, chia sẻ: Ði xe buýt rất tiện lợi, nhưng mấy năm qua hệ thống xe buýt xuống cấp nên chú đã bỏ không đi nữa. Mới đây, thành phố đưa vào sử dụng xe buýt mới, hiện đại, nhiều tiện ích cho hành khách, chú quay lại đi xe buýt.
 
Theo ông Ðặng Thanh Măng, Giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Line Chi nhánh Cần Thơ, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, đổi mới chất lượng phương tiện, nâng cao phong cách phục vụ, tăng tỷ lệ hành khách tham gia giao thông bằng xe buýt, Công ty đã đầu tư hệ thống xe buýt mới 100%, chất lượng cao. Xe có sàn bán thấp, có chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, lắp đặt camera và thiết bị giám sát hành trình. Nhờ vậy, khi đi vào hoạt động, hành khách ủng hộ, ước tính mỗi ngày tuyến xe buýt Ba Láng - Ô Môn phục vụ trên 1.000 lượt khách/ngày.
 
"Dự kiến ngày 30-11 tới, Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines sẽ khai trương và đưa vào hoạt động thêm 2 tuyến xe buýt: Sân bay Cần Thơ - Bến xe khách Trung tâm TP Cần Thơ và Sân bay Cần Thơ - Thị trấn Phong Ðiền trong tháng 11-2020. Công ty nỗ lực để tháng 12-2020, đưa vào hoạt động 2 tuyến xe buýt còn lại là Lộ Tẻ (quận Thốt Nốt) - Vĩnh Thạnh và tuyến Ô Môn - Kinh B (huyện Vĩnh Thạnh) như kế hoạch. Thời gian qua, Công ty đang chỉnh sửa thiết kế để người dân dễ dàng nhận biết được xe buýt và đón nhận", ông Ðặng Thanh Măng cho biết thêm.
 
Việc Công ty CP Xe khách Phương Trang -  FUTA Bus Lines khai trương 5 tuyến xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ là sự kiện đánh dấu sự phát triển của ngành Giao thông vận tải thành phố nói chung, lĩnh vực VTHKCC nói riêng, trong việc nỗ lực xúc tiến mời gọi đầu tư khai thác xe buýt theo hình thức xã hội hóa, nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân. Tại buổi lễ khai trương, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết: Về phía thành phố sẽ đảm bảo cung cấp kết cấu hạ tầng thiết yếu như: bến bãi, nhà chờ, trạm dừng đỗ xe buýt hiện đại và hệ thống quản lý xe buýt thông minh để nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt.
 
Mới đây, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 2402/QÐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ và dự toán chuẩn bị đầu tư dự án Trạm dừng, nhà chờ xe buýt: 501 điểm dừng đón trả khách hiện đại. Dự án nghiên cứu các vị trí công cộng, thu hút người dùng sử dụng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt, như: bến xe, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, trung tâm thương mại… để bố trí, lắp đặt các trạm dừng, nhà chờ hợp lý. Qua đó, tạo điều kiện và khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông khi đô thị ngày càng phát triển. Theo đó, nhà chờ xe buýt hiện đại sẽ đặt trong khu vực đô thị các quận, huyện, tại các khu vực công cộng. Quy mô đáp ứng cho 5-10 người ngồi chờ. Các trạm dừng đặt trên các tuyến giao thông ngoài khu vực trung tâm, gồm: biển báo, vạch kẻ giao thông…
 
Với phương tiện cùng hệ thống nhà chờ, trạm dừng được đầu tư bài bản và hiện đại, trong thời gian tới, xe buýt hứa hẹn sẽ phát huy hiệu quả, lấy lại hình ảnh thân thiện. Từ đó, tăng tỷ lệ người dân tham gia xe buýt,  góp phần giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường...
 
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết: Trong kế hoạch trung hạn, năm 2021, thành phố bố trí 25 tỉ đồng để nâng cấp toàn bộ các nhà chờ, điểm dừng theo hướng hiện đại. Nhà chờ lắp đặt bảng thông tin chỉ dẫn: lộ trình, tuyến xe buýt, thời gian, quảng cáo…; có hệ thống camera quan sát hoạt động tại các nhà chờ tích hợp về Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC thuộc Sở để theo dõi, quản lý hoạt động lên xuống xe buýt...
 
Bài, ảnh: T. TRINH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu