Thứ hai, 15/01/2024,17:34 (GMT+7)
Nơi lạnh cóng, nơi cháy rừng ngùn ngụt
Cư dân ở Billings, bang Montana - Mỹ tỉnh dậy hôm 13-1 (giờ địa phương) trong lạnh cóng, với nhiệt độ từ -40 độ C đến -46 độ C.
 
Còn tại Des Moines, bang Iowa, nhiều người phải đối mặt với gió giật 64 km/giờ và mức nhiệt lạnh cóng -42 độ C.
 
Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia, hơn 40 triệu người dân Mỹ đang sống trong các khu vực có cảnh báo thời tiết mùa đông khắc nghiệt như các bang Bắc Dakota, Nam Dakota, Nebraska, Michigan, Indiana, Minnesota… 
 
Tại Đông Bắc Mỹ còn chịu thêm cảnh lũ lụt do bão mùa đông gây mưa lớn, như tại nhiều khu vực ven biển của bang Maine, một số vùng của bang New York, New Jersey, Connecticut…
 
Cũng trong ngày 13-1 (giờ địa phương), nhiệt độ tại nhiều vùng ở phía Nam nước Mỹ bắt đầu giảm sâu và kéo dài sang tuần này, chẳng hạn Oklahoma có lúc xuống tới -32 độ C. Tại miền Tây, nhiều nơi tại các bang Wyoming, Oregon, California, Colorado, Nevada, Utah và Alaska cũng hứng chịu tuyết rơi dày và nhiệt độ đóng băng. 
 
Thời tiết khắc nghiệt khiến hơn 1.200 chuyến bay bị hủy và hơn 4.300 chuyến bị hoãn (tính tới trưa 13-1, giờ địa phương), theo trang web theo dõi chuyến bay FlightAware. Đặc biệt, các cuộc bầu cử sơ bộ nhằm tìm ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa tại Iowa vào ngày 15-1 (giờ địa phương) có thể bị ảnh hưởng.
 
Nhiều khu vực của Mỹ đang hứng chịu thời tiết mùa đông khắc nghiệt Ảnh: BLOOMBERG
Nhiều khu vực của Mỹ đang hứng chịu thời tiết mùa đông khắc nghiệt Ảnh: BLOOMBERG
 
Tại Úc, ngày 14-1, khoảng 240 lính cứu hỏa đang cố dập tắt đám cháy rừng bùng phát gần thủ phủ Perth của bang Tây Úc trước đó một ngày. Ngọn lửa lan nhanh từ 25 đám cháy đã đạt mức khẩn cấp, khiến giới chức địa phương kêu gọi cư dân ở các vùng nông thôn Gingin và Chittering, cách Perth khoảng 60 km, nhanh chóng sơ tán.
Mùa cháy rừng năm nay tại Úc tiềm ẩn nguy cơ cao do tác động của El Nino. Tại Perth lúc này, nhiệt độ có thể lên mức tối đa 35 độ C, cao hơn 3 độ C so với nhiệt độ trung bình của tháng 1. 
 
Trong khi đó, lực lượng cứu hộ đang đào bới xuống lớp bùn dày để tìm nạn nhân sống sót trong trận lở đất hôm 12-1 ở một cộng đồng thổ dân tại Choco, Tây Bắc Colombia. Đến nay đã có ít nhất 33 người, hầu hết là trẻ em, thiệt mạng. Lở đất xảy ra sau hơn 24 giờ mưa lớn liên tục.
 
Tại Indonesia, núi lửa Marapi ở tỉnh Tây Sumatra lại phun trào hôm 14-1, phun tro bụi lên cao 1.300 m. Cơ quan Địa chất Indonesia kêu gọi người dân trong bán kính 4,5 km từ núi lửa sơ tán, đề phòng nham thạch chảy xuống sông và các thung lũng. Tháng 12 năm ngoái, núi lửa Marapi cũng phun trào, khiến hơn 20 người thiệt mạng.
 
 Hải Ngọc (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu