Thứ sáu, 10/04/2020,10:14 (GMT+7)
Nông dân cần thận trọng khi tái đàn sau công bố hết dịch tả heo Châu Phi
Thời gian qua, cùng với việc thiếu nguồn cung và giá heo hơi trong nước liên tục tăng vọt, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gấp rút chuẩn bị chuồng trại để tái đàn. Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi an toàn - hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo người chăn nuôi cần thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn sinh học trong chăn nuôi khi tái đàn.
Người chăn nuôi cần đảm bảo an toàn sinh học khi tái đàn sau dịch tả heo Châu Phi
 
Ngày 4/3/2020, UBND tỉnh Đồng Tháp công bố hết bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để người chăn nuôi heo an tâm khôi phục phát triển đàn vật nuôi. Song, dù dịch bệnh đã hết nhưng mầm bệnh dịch tả heo Châu Phi vẫn còn lưu tồn ngoài môi trường, đặc biệt đây là bệnh dịch nguy hiểm với nhiều chủng virus có độc lực cao, có nhiều nguồn phát tán và chưa có thuốc chữa cũng như vắc-xin phòng bệnh. Do đó, khi có kế hoạch tái đàn, người chăn nuôi phải xác định tâm lý cảnh giác và chuẩn bị tốt nhất những điều kiện về an toàn sinh học để ứng phó tốt nhất với dịch bệnh nguy hiểm này.
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp khuyến cáo, người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số điều kiện như vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường khi tái đàn. Theo đó, khi chăn nuôi trở lại, các cơ sở chăn nuôi phải có rào bao quanh; có biện pháp ngăn chặn côn trùng, gặm nhấm tránh mang mầm bệnh vào chuồng trại chăn nuôi; có hố tiêu độc, khử trùng ở lối ra, vào; có khu vực cách ly để kiểm soát, vệ sinh, tiêu độc khử trùng con người và phương tiện trước khi ra, vào khu vực chăn nuôi. Bên cạnh đó, phải tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi thông qua việc cung cấp đủ lượng thức ăn và nước uống sạch theo nhu cầu của vật nuôi, thường xuyên theo dõi, giám sát sức khỏe đàn vật nuôi; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ khu vực chăn nuôi ít nhất 2 lần/tuần là những thao tác cần thiết nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho đàn vật nuôi.
 
Ngoài ra, người chăn nuôi cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm cho đàn vật nuôi như dịch tả heo cổ điển, tai xanh, lở mồm long móng...; tuân thủ việc lấy mẫu giám sát dịch bệnh của cơ quan chuyên môn, các điều kiện về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Sử dụng nước máy hoặc nước sông đã được xử lý bằng hóa chất khử trùng nước (chlorine, benkocid,...) cho gia súc ăn, uống, tắm rửa và vệ sinh chuồng trại.
 
Khi tái đàn, ngoài việc tuân thủ các biện pháp về an toàn sinh học thì việc lựa chọn nguồn con giống chất lượng, của những nhà cung cấp uy tín là điều cần thiết. Hướng dẫn về các nguyên tắc chọn nguồn con giống khi tái đàn hiện nay, ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT lưu ý, trong thời điểm hiện nay, giá heo thịt đang ở mức cao, người chăn nuôi không nên ồ ạt mua con giống trôi nổi không đảm bảo chất lượng và tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch bệnh. Nên chọn mua con giống rõ nguồn gốc ở các cơ sở uy tín, có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả heo Châu Phi; có giấy chứng nhận kiểm dịch đối với các trường hợp mua con giống ngoài tỉnh và thực hiện nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn (đối với cơ sở hiện còn heo trong trại).
 
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện tái đàn khôi phục sản xuất, Sở NN&PTNT đã kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, giới thiệu các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp giống heo đảm bảo chất lượng. Sở NN&PTNT đã chủ động liên hệ, trao đổi với các đơn vị, doanh nghiệp để cung cấp thông tin, địa chỉ các đại lý tham gia cung cấp giống heo trên địa bàn tỉnh và phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố thông tin đến các tổ chức, cá nhân có nhu cầu biết để liên hệ.
 
Sở NN&PTNT cũng đã giao Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tiếp tục liên hệ với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất và cung ứng giống heo chất lượng cao để kịp thời thông tin đến người chăn nuôi biết, liên hệ trong thời gian sớm nhất.
 
Mỹ Lý - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu