Thứ ba, 02/02/2021,10:09 (GMT+7)
Nông dân Lai Vung vẫn luôn nặng tình với quýt hồng
Một mùa xuân mới lại về ở “vương quốc quýt hồng” Lai Vung, một mùa xuân chất chứa nhiều nỗi niềm và sự lắng đọng của người dân nơi đây sau nhiều khó khăn, trở ngại trong canh tác cây có múi...
Mặc dù đã bước vào trung tuần tháng Chạp, song không khí Tết tại Lai Vung vẫn khá yên ả so với nhiều năm trước. Trên tuyến tỉnh lộ 851 hiện không còn hình ảnh những đoàn người, đoàn xe từ các nơi đến tham quan những vườn quýt hồng nhộn nhịp như mọi năm. Thay vào đó là cảnh các nhà vườn đang dồn hết tâm sức chăm chút cho những vườn quýt hồng còn sót lại để phục vụ cho Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Anh Lưu Văn Tín đặt nhiều kỳ vọng trong vụ quýt Tết Nguyên đán
 
Gầy dựng cơ nghiệp với cây quýt hồng
 
Không phải tự dưng quýt hồng trở thành loại nông sản được huyện Lai Vung lựa chọn là nông sản đại diện cho thương hiệu của địa phương. Với người dân Lai Vung, quýt hồng không chỉ là một loại nông sản giúp nông dân phát triển kinh tế hưng thịnh mà còn là niềm tự hào của những người con Lai Vung về quê hương xứ sở của mình.
 
Không ai nhớ rõ quýt hồng bắt đầu phát triển từ khi nào, song theo nhiều lão nông tri điền ở Lai Vung, từ những năm 1980, quýt hồng đã có mặt tại vùng quê hiền hòa ven con sông Hậu hiền hòa. Với màu sắc bắt mắt, hương vị đậm đà, đặc biệt tập trung chín rộ vào dịp Tết Nguyên đán nên quýt hồng được thị trường rất ưa chuộng nhiều năm qua. Cũng chính vì được thị trường yêu thích nên quýt hồng giúp nhiều nhà vườn ở huyện Lai Vung “ăn nên làm ra” có cuộc sống sung túc hơn khi chuyển sang trồng loại cây ăn trái này.
 
Những năm 80 của thế kỷ trước, ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung không có nhiều nhà vườn trồng quýt hồng, ông Nguyễn Qui Phục (72 tuổi) ngụ ấp Hòa Bình là một trong những nhà vườn đầu tiên của xã Tân Hòa chuyển từ đất lúa sang trồng quýt hồng. Nhớ về những mùa quýt hồng những năm 80, đôi mắt ông ánh lên niềm vui khi nhắc lại những ngày mùa bội thu.
 
Ông Phục nhớ lại: “Khi đó, trong mấy năm đầu nông dân vẫn còn trầy trật với quýt hồng, quýt hồng không phải là cây trồng dễ tính, có năm thì quýt ra bông sớm nên tới Tết trái chín quá, khô đầu trái hết. Còn có năm thì tới 27, 28 Tết nhưng quýt vẫn còn “da lươn” chưa chịu lên màu vì ra bông trễ. Rồi sau nhiều năm để ý, rút tỉa kinh nghiệm để trái tới năm thứ 4 thì tôi mới thành công. Còn nhớ mùa quýt Tết đó khoảng năm 1988, chỉ có 3,5 công quýt hồng nhà tôi bán được trên 17 triệu đồng (năm đó vàng 3,5 triệu đồng/lượng). Nhờ mùa quýt đó và những mùa quýt tiếp theo trúng đậm nên gia đình mới mở rộng đầu tư máy xới và máy suốt lúa, dựng vợ gả chồng cho đám nhỏ đàng hoàng”.
 
Sau thành công của ông Phục, nhiều nhà vườn lân cận cũng mạnh dạn chuyển sang trồng quýt hồng. Nhờ quýt hồng mà nhiều hàng xóm của ông Phục cũng phát triển kinh tế khấm khá hơn. Khi đó, mỗi mùa Tết cả xóm của ông Phục vui như hội, trong mấy ngày 26 - 30 Tết, nhà nào cũng tất bật thu hoạch quýt hồng. Đàn ông khỏe mạnh thì đảm nhiệm leo trèo hái quýt, phụ nữ thì phụ trách phân loại quýt, làm giỏ rồi phân hàng bán đi các chợ lớn như: Sài Gòn, Cần Thơ, Long Xuyên (An Giang), Thốt Nốt (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang)...
 
Sau khi thành thục với nghề trồng quýt, gia đình ông Phục cũng chuyển sang nghề làm lái buôn quýt hồng. Thời điểm đó ông Phục không chỉ bán quýt cho vườn nhà mình, cho bà con hàng xóm mà còn thu mua của nhiều nhà vườn ở các xã lân cận trên địa bàn huyện Lai Vung đem bán ở các chợ lớn của TP.HCM và các chợ miền Tây.
 
“Ngày xưa không có nhiều cây trái hoa quả chưng Tết như bây giờ, khi đó dưa hấu và quýt hồng là hai thứ thiết yếu mà bất kỳ gia đình nào cũng phải mua để chưng Tết nên quýt hồng Lai Vung được tiêu thụ rất mạnh, hầu như chợ lớn nào của miền Đông, miền Tây đều có mặt sản phẩm quýt hồng Lai Vung. Nhưng hưng thịnh không lâu, khoảng năm 1996 – 1997, quýt hồng ở khu của tôi cũng chết sạch do dịch bệnh. Nhiều nhà vườn lỗ nặng với cây quýt hồng nhưng chúng tôi chưa bao giờ oán than gì mà ngược lại luôn dành tình cảm đặc biệt cho cây trồng này. Vì nó đã giúp không ít gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả”- ông Phục giải bày.

Quýt chậu - một trong những sản phẩm đặc sắc phục vụ thị trường Tết của nhà vườn Lai Vung
 
Quyết giữ quýt hồng bằng mọi giá
 
Sau trận dịch bệnh trên cây quýt vào những năm 90, năm 2020 dịch bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh cây có múi lại một lần nữa khuynh đảo “vương quốc quýt hồng” Lai Vung. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, hiện toàn huyện có khoảng 320ha canh tác quýt hồng, giảm gần 500ha so với những năm trước đó.
 
Trong không khí se lạnh của những ngày tháng Chạp, chúng tôi về thăm vườn quýt hồng của anh Lưu Văn Tín ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung - một nhà vườn có trên 20 năm gắn bó với cây quýt. Dù thời tiết những ngày này khá lạnh, song anh Tín vẫn đang miệt mài tưới nước cho vườn quýt Tết của mình. Anh Tín cười đon đả rồi giải thích: “Quýt bắt đầu mang trái sẽ cần rất nhiều nước, đặc biệt là giai đoạn gần thu hoạch. Mình phải cung cấp nước đầy đủ để quýt không mất sức và rụng trái. Mình bắt nó “đẻ sai” thì phải chịu khó cho nó ăn uống đầy đủ chứ”.
 
Theo dự đoán của anh Tín, năm nay, vườn quýt của anh có khoảng 10 tấn trái, giảm khoảng 30 tấn so với những năm trước, nguyên nhân giảm sản lượng là do quýt năm nay chết cây nhiều. Dù sản lượng quýt có giảm nhưng anh Tín vẫn cảm thấy rất ấm lòng vì ít ra anh vẫn còn may mắn hơn các nhà vườn khác ở địa phương. Do dịch hại nên nhiều vườn gần như phải đốn bỏ hết để trồng lại loại cây ăn trái khác, số nhà vườn khó khăn hơn thì còn phải treo bảng “bán đất” vì quýt hồng chết sạch không còn vốn để xoay sở hay tái đầu tư.
 
Sau trận dịch bệnh trên cây có múi, anh Tín rút được nhiều bài học kinh nghiệm cho mình về canh tác. Có lẽ thời gian qua, anh và nhiều nông dân ở đây đã có quá nhiều sai lầm trong canh tác quýt, do chỉ nghĩ đến việc phải làm cách nào để cây quýt ra thật nhiều trái cho vụ tới chứ không nghĩ tới việc cây quýt cũng có những giới hạn riêng của nó. Vì quýt hồng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao so với những cây trồng khác nên những năm qua nông dân đã đầu tư vô tội vạ cho cây quýt. “Chúng tôi không ngại chi mạnh tay đầu tư vào các loại phân thuốc ngoại nhập bón và tưới cho quýt hồng, giờ nhiều diện tích quýt mất đi, tôi mới nghiệm ra rằng, chỉ có mình bỏ quýt hồng chứ quýt hồng nào có bỏ mình. Bao nhiêu năm qua, gia đình tôi ăn nên làm ra cũng nhờ cây quýt hồng, vì vậy giờ bằng giá nào tôi cũng quyết chí giữ cho bằng được diện tích quýt hồng còn lại. Vì đây không những là việc giữ cái nghĩa với cây quýt hồng mà còn là vì danh tiếng của quê hương Lai Vung” - anh Tín nói.
 
Ngoài dịch bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh cây có múi thì thời gian gần đây do biến đổi khí hậu, người trồng quýt còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và dịch hại hơn. Trong đó dịch ruồi vàng đục trái làm quýt rụng hàng loạt là một trong những khó khăn nhất mà nhà vườn trồng quýt hồng ở Lai Vung phải đối mặt.
 
Ông Lưu Văn Ràng - một trong những nhà vườn nổi tiếng với mô hình trồng quýt chậu ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung chia sẻ, giờ ở Lai Vung ai còn gắn bó với cây quýt hồng là phải yêu nghề nhiều lắm. Bởi giá quýt hồng mấy năm nay cũng vậy, không tăng đột biến trong khi đó dịch hại, chi phí đầu tư tăng là những áp lực lớn đè lên vai nhà vườn. Nhưng dù sao đi nữa, đã gắn bó với nghề này thì dù có khó khăn gì tôi cũng chưa nghĩ tới chuyện bỏ cuộc. Ruồi đục trái thì tôi làm nhà lưới rồi làm bẫy sinh học đuổi ruồi. Giờ tôi tập trung sản xuất nhiều quýt chậu để kết hợp làm du lịch với hàng xóm. Dù có khó khăn nhưng nếu vượt qua được sẽ là một trang mới với quýt hồng.
 
Những ngày giáp Tết đang gần kề, bỏ lại những khó khăn và trở ngại của năm cũ, nông dân Lai Vung đang kỳ vọng vào một vụ mùa Tết bội thu cho quýt hồng. Dù năm 2020 là một năm đầy khó khăn, song với nhiều nông dân ở Lai Vung thì đây thật sự là một dấu mốc thử thách lòng yêu nghề của nông dân xứ này dành cho cây quýt hồng.
 
MỸ LÝ - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu