Thứ tư, 10/07/2019,11:05 (GMT+7)
NSƯT Thành Lộc: "Hát giống người đi trước, nên buồn chứ đừng vui"
NSƯT Thành Lộc đã nói lên suy nghĩ của mình sau khi dự khán chương trình "Trăm năm nguồn cội" tại Nhà hát Bến Thành

NSƯT Thành Lộc:  Hát giống người đi trước, nên buồn chứ đừng vui - Ảnh 1.

NSƯT Thành Lộc

NSƯT Thành Lộc sau khi dự khán chương trình "Trăm năm nguồn cội" tại Nhà hát Bến Thành đã có những chia sẻ về suy nghĩ của anh đối với thế hệ diễn viên kế thừa là con cháu của gia tộc Bầu Thắng – Minh Tơ, mà anh chính là một thành viên trong đại gia đình có truyền thống 6 đời "ăn cơm Tổ".

Chương trình "Trăm năm nguồn cội" diễn ra vào tối 7-7, quy tụ các thành viên của gia tộc Minh Tơ, gồm: NSƯT Quế Trân, Tú Sương, Trinh Trinh, Điền Trung (cháu rễ).

Với riêng NSƯT Thành Lộc, phía sau một chương trình đầu tư nghiêm túc, được khán giả yêu mến cải lương đón nhận, để lại nhiều tiếng vang thì vẫn có đó những ưu tư. 

 "Nhân đi xem chương trình cải lương "Trăm năm nguồn cội", tôi muốn nói với các con cháu của mình: Khi các con được ai đó khen ngợi: "Con diễn giống ba con lắm", "Con diễn hay y như má con", "Con hát y như cô, chú, cậu, dì, mợ, thím...", các con nên buồn chứ đừng nên vui. Nghệ thuật truyền thống của gia đình mình sẽ dừng lại và không thể nào phát triển được nữa cũng là từ ý thức làm sao cho giống y như người đi trước" - Thành Lộc chia sẻ.

Anh bày tỏ tiếp: "Đường mòn đi hoài lại càng mòn, nghệ thuật chính vì thế mà cạn, nhàm chán đến hấp hối. Ta hãy tạo đường mới để song hành, để kế thừa".

NSƯT Thành Lộc:  Hát giống người đi trước, nên buồn chứ đừng vui - Ảnh 2.

NSƯT Thành Lộc trong vai Lý Đạo Thành (vở "Câu thơ yên ngựa")

Theo NSƯT Thành Lộc, mọi giá trị xưa cũ vẫn còn nguyên đó giá trị chứ không mất đi đâu. Người nghệ sĩ ý thức tôn trọng, giữ gìn nhưng cần hiểu rằng có những thứ chỉ đúng và hay ở thời đại đó. Bản thân hai chữ cải lương vốn đã hàm đủ ý nghĩa cần phải cải thiện liên tục để hoàn hảo hơn. 

"Giữ gìn giá trị đẹp của quá khứ là chuyện nên làm nhưng cũng đừng ôm khư khư nó như một thứ vật thờ bất khả xâm phạm. Làm vậy là có lỗi với sự phát triển của nghệ thuật và đời sống xã hội. Ta trân trọng quá khứ nhưng đừng quên ta còn có trách nhiệm phải tạo ra những quá khứ mới. Đừng để tương lai khi nhắc về quá khứ lại không hề có tên của các con, vì các con đã trùng màu" - Thành Lộc căn dặn với thế hệ trẻ trong gia tộc.

NSƯT Thành Lộc:  Hát giống người đi trước, nên buồn chứ đừng vui - Ảnh 3.

NSƯT Thành Lộc trong vở "Via thánh triều Lê"

NSƯT Thành Lộc còn dặn dò con cháu của gia tộc hãy biết hoài nghi, đừng cúi đầu vâng lệnh rập khuôn theo cách diễn xuất của người đi trước. Anh khẳng định nghệ thuật truyền thống hấp hối một phần cũng tại vì sự vâng lệnh , phục tùng này. 

Hơn ai hết, NSƯT Thành Lộc là người chống đối đến cùng phương pháp đào tạo rập khuôn. Đã là diễn viên thì phải có phong cách, thần thái riêng, không là chiếc bóng của người đi trước. Thông qua một vai diễn, một trích đoạn hoặc một vở tuồng được dàn dựng mới, dù là phiên bản mới toanh nhưng cách thể hiện phải có sáng tạo. Từ đó mới góp phần đem lại diện mạo mới cho sân khấu cải lương hôm nay.

NSƯT Thành Lộc:  Hát giống người đi trước, nên buồn chứ đừng vui - Ảnh 4.

NSƯT Thành Lộc và cố NSND Phùng Há

Bài và ảnh: Thanh Hiệp - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu