Thứ sáu, 03/04/2020,07:44 (GMT+7)
Nuôi tôm siêu thâm canh ở đồng bằng sông Cửu Long
Với diện tích nuôi tôm hơn 600 nghìn ha, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa tôm lớn nhất nước cả về nuôi, chế biến và xuất khẩu. Trong những năm gần đây, trước nhu cầu về tôm nguyên liệu cho chế biến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu ngày một tăng, bên cạnh những mô hình nuôi tôm truyền thống, tại ĐBSCL đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng khoa học - công nghệ, bước đầu đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, để mở rộng những mô hình này, nhằm góp phần tạo ra chuyển biến mạnh mẽ cho nghề nuôi tôm, đang còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Nuôi tôm siêu thâm canh ở đồng bằng sông Cửu Long
Nuôi trồng và thu hoạch tôm siêu thâm canh tại huyện Cái Nước (Cà Mau).
 
Bài 1: Hiệu quả từ những mô hình mới

Thời gian qua nhiều tỉnh ở khu vực ĐBSCL như Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre... đã và đang xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao, đem lại hiệu quả rõ nét, qua đó tạo ra những hướng đi mới cho nghề nuôi tôm.

Siêu thâm canh, siêu lợi nhuận

Nông dân Huỳnh Anh Triều, ở ấp Giải Phóng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (Cà Mau) là một trong những hộ đi đầu trong nuôi tôm siêu thâm canh tại địa phương. Trước khi chuyển sang thực hiện mô hình này, khoảng hai năm nay, ông và nhiều hộ dân ở xã Tân Hưng Đông đã nếm đủ cay đắng, ngọt bùi với việc nuôi tôm thâm canh. Dù đã nuôi tôm lâu năm, nhưng giai đoạn 2014 - 2016, gia đình ông liên tiếp thất bại, mất hàng tỷ đồng theo nghiệp nuôi tôm thâm canh. Từ đó, ông quyết định chuyển sang nuôi tôm siêu thâm canh (người dân quen gọi nuôi trải bạt) vào năm 2017. Ban đầu, ông thực hiện mô hình trên diện tích vài héc-ta và vụ nuôi đầu tiên đã thắng lợi lớn. Sau đó, ông nhân rộng ra và mời các hộ khác cùng tham gia. Hiện gia đình ông và khoảng 35 hộ trong ấp đã nhân rộng được khoảng 20 ha với hàng chục ao nuôi, mỗi năm thu hoạch hai vụ, tổng sản lượng khoảng 400 đến 600 tấn. Với giá tôm tươi từ 92 đến 97 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thức ăn, nhân công, lợi nhuận ròng khoảng 15 đến 20%, tính ra mỗi héc-ta nuôi tôm lãi gần 500 triệu đồng/năm. Vì thế, nuôi tôm siêu thâm canh đang là mô hình đem lại siêu lợi nhuận đối với nhiều nông dân ở Cà Mau.

Hiện Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm và sản lượng tôm chế biến lớn nhất cả nước cũng như khu vực ĐBSCL với diện tích nuôi trồng khoảng 280 nghìn ha, sản lượng tôm năm 2019 đạt 190 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,115 tỷ USD. Trong đó mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển mạnh tại các huyện Cái Nước, Tân Phú. Năm 2019, tại Cái Nước có gần 300 hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích khoảng 400 ha, đạt sản lượng hơn 1.300 tấn. Số ao tôm siêu thâm canh chỉ chiếm khoảng 1% diện tích nhưng chiếm đến 5% sản lượng tôm của huyện. Mô hình đã góp phần quan trọng giúp tăng sản lượng tôm của địa phương. Đây là loại hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, tỷ lệ nuôi thành công đạt 70 đến 80%, năng suất có thể đạt từ 40 đến 50 tấn/ha/vụ, mỗi năm có thể nuôi hai đến ba vụ. Trong khi các mô hình nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh được triển khai khá sớm nhưng hiện nay gặp nhiều khó khăn, năng suất trung bình chỉ đạt 5,5 đến sáu tấn/ha/năm, thì mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với hiệu quả cao đang là một hướng đi mới của ngành tôm Cà Mau và các tỉnh ĐBSCL nói chung

Nuôi tôm công nghệ cao

Bến Tre cũng là một tỉnh được ghi nhận thu được nhiều thành công trong nuôi tôm, nhất là tôm thâm canh và siêu thâm canh. Trước đây, xóm Láng của ấp 4, xã Bình Thới, huyện Bình Đại vốn rất nghèo khó, người dân sống bằng nghề trồng lúa, trồng dừa, chăn nuôi nhỏ lẻ. Xóm không có điện, còn trường, trạm thì ở khá xa. Đời sống kinh tế khó khăn, cây lúa mùa một năm chỉ làm một vụ cho nên những tháng nông nhàn bà con phải phiêu bạt lên các tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp làm thuê, cắt lúa mướn. Mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng khi người dân đem con tôm sú về nuôi trên ruộng lúa rồi chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp. Nông dân Huỳnh Văn Chiến nhớ lại: “Từ khi đem con tôm về đây nuôi, hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân đã làm giàu, cất nhà kiên cố. Nhờ kinh tế khá giả nên người dân đã tự đầu tư đường nối liền từ huyện lộ 40 đến tận các hộ trong xóm rồi đưa lưới điện về nên đời sống đã cải thiện đáng kể”. Người dân không còn phải tha phương xứ khác làm thuê, làm mướn mà bám trụ lại để nuôi tôm, phát triển kinh tế ngay trên vùng đất mặn trước đây rất khó trồng trọt hay chăn nuôi.

Thời gian qua, huyện Bình Đại đã tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi thủy sản, người dân các xã trong huyện mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi tôm thâm canh truyền thống sang nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi hai giai đoạn. Đây là hình thức nuôi mới, hạn chế dịch bệnh, môi trường ao nuôi được quản lý chặt chẽ, tôm lớn nhanh, không mất thời gian cải tạo ao nuôi, không bị ảnh hưởng mùa vụ cho nên có thể nuôi ba, bốn vụ/năm,... Một số vùng nuôi có điều kiện thuận lợi như: độ mặn cao, nước mặn quanh năm, diện tích nuôi rộng như các xã Thừa Đức, Thới Thuận, Thạnh Phước, Bình Thắng, Đại Hòa Lộc,... người nuôi đã chuyển đổi nhiều sang ao lót bạt chung quanh bờ, từ hình thức nuôi thâm canh truyền thống sang nuôi hai giai đoạn, nuôi siêu thâm canh.

Để người nuôi tôm nắm rõ lợi ích từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, nuôi hai giai đoạn cũng như kỹ thuật chăn nuôi, thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại đã phối hợp Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P tổ chức tập huấn nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn cho các xã nuôi tôm trên địa bàn huyện. Xu hướng mới của các hộ nuôi tôm là xây dựng ao nuôi diện tích rất nhỏ, chỉ từ 500 đến 1.000 m2/ao, hoặc có thể xây bể bạt tròn trên nền đất có mái che từ 300 đến 500 m3/bể, vẫn nuôi được năng suất cao và an toàn dịch bệnh. Ngoài ra trên địa bàn huyện có khoảng 40 hộ nuôi đã xây dựng ao ương hoặc bể vèo để ương tôm và sang tôm ra ao đất lót bạt bờ. Quy trình nuôi hai giai đoạn đang được mở rộng nhằm nâng cao tỷ lệ an toàn dịch bệnh, tăng năng suất và lợi nhuận cho người dân.

Đánh giá về những thành công của nghề nuôi tôm ở “xứ dừa”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết: Hiện nay, tôm là một trong tám sản phẩm chủ lực theo Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy. Nhận thấy lợi ích lớn, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư nên diện tích nước mặt dành cho nuôi trồng thủy sản gia tăng nhanh chóng. Thời gian qua, việc cải tiến kỹ thuật nuôi tôm biển thâm canh đã góp phần tăng sản lượng hàng hóa và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của tỉnh. Riêng hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn đang được phát triển với diện tích là 780 ha, sản lượng là 12 nghìn tấn, đã góp phần cung cấp hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn và là nguồn sản phẩm xuất khẩu quan trọng của tỉnh.
 
TÂM TÙNG VÀ TRUNG TUẤN - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu