Thứ tư, 18/12/2019,10:45 (GMT+7)
Nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững
Tôm thẻ chân trắng là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Trên thế giới, tôm thẻ chân trắng được nuôi nhiều ở các nước Nam Mỹ.
 
Tại Việt Nam, đối tượng này đang dần phát triển mạnh ở nhiều địa phương...
 
10-02-12_nh_1
Các đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.
 
Nhằm giúp bà con nông dân 5 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong nuôi tôm thẻ chân trắng gắn với tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT TP Hải Phòng tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả cao và bền vững”.
 
Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), năm 2018, tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của cả nước đạt 116.426 ha (100% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh và có áp dụng công nghệ cao).
 
Sản lượng tôm đạt 464.924 tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 2,48 tỉ USD. Dự kiến, hết năm 2019 tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 530.000 tấn.
 
Đối với các tỉnh nuôi tôm nước lợ phía Bắc gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình có diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 22.589 ha. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao khoảng 3.191 ha. Năng suất trung bình ước đạt 40 tấn/ha, nuôi 3 - 4 vụ/năm.
 
Tại Hải Phòng, gần 10 năm nay, nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn thành phố có nhiều khởi sắc. Từ chỗ chỉ nuôi tôm sú, địa phương đã phát triển và đẩy mạnh nuôi tôm thẻ chân trắng. Thậm chí, hiện nay tôm thẻ chân trắng đang là đối tượng nuôi chủ lực của vùng nước lợ tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
 
Nhiều địa phương nuôi tôm thẻ chân trắng trong cả hai vụ xuân hè và vụ đông, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi (nuôi trong nhà bạt, áp dụng quy trình VietGAP, ứng dụng chế phẩm sinh học…) đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế.
 
Theo thống kê, tính đến hết tháng 11/2019, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đạt 3.545,1 ha nuôi tôm nước lợ. Trong đó, nuôi tôm thẻ chân trắng là 471 ha, ước đạt 3.692 tấn.
 
Phát biểu tại diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, nuôi tôm thẻ chân trắng đã mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản, giúp nhiều nông dân ở các địa phương nhanh chóng thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
 
Theo ông Tiêu, để nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả cao và bền vững, bà con nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang chuỗi liên kết, có đầu ra. Thay đổi phương pháp nuôi “chữa bệnh sang phòng bệnh”.
 
Áp dụng tốt 5 “không” trong nuôi tôm: Không để nước quá lâu, không để nước quá sâu, không để nước đứng yên, không lấy nước trực tiếp và không xả thải nước ô nhiễm ra môi trường.
 
Ông Tiêu khuyến cáo: Trước khi vào vụ nuôi, bà con nông dân cần chuẩn bị tốt ao nuôi, ao lắng, mương dẫn nước đầu ra, đầu vào. Xử lý sạch nguồn nước. Mua tôm giống đảm bảo chất lượng tại cơ sở có uy tín, đã được kiểm dịch. Không mua giống trôi nổi trên thị trường.
 
Trong quá trình nuôi cần tạo được thức ăn tự nhiên, trước khi thả và trong suốt quá trình nuôi tôm. Đặc biệt, sử dụng chế phẩm sinh học một cách hợp lý, hiệu quả.
10-02-12_nh_2
Ban chủ tọa, ban cố vấn tại diễn đàn.
 
Duy trì vi sinh vật có lợi. Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung vitamin C, tỏ tươi, thảo dược… Quản lý thức ăn, môi trường nước. Cho tôm ăn đúng liều lượng.
 
Chia sẻ về những lợi ích từ chế phẩm sinh học trong nuôi tôm, ông Kim Văn Vạn, Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói, dùng chế phẩm sinh học trong phòng, trị bệnh cho tôm nói riêng đang là một biện pháp tối ưu để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản hiệu quả một cách lâu dài, bền vững và an toàn với môi trường.
 
Ông Vạn cho hay, sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm sẽ cải thiện môi trường nước một cách đáng kể. Sạch và có pH phù hợp diễn biến một cách từ từ, không gây sốc cho tôm.
 
Thúc đẩy quá trình phân giải nhanh chóng các chất cặn bã như thức ăn dư thừa, xác tôm lột, chất thải…, giúp giảm mùi hôi thối, giảm ngộ độc cho tôm. Và, sẽ ức chế sự phát triển của tảo độc; ức chế các vi sinh vật gây bệnh (vibrio spp, Aeromonas sp,…), đây là các tác nhân gây bệnh nguy hại nhất đối với tôm nuôi.
 
Cũng theo ông Vạn, chế phẩm sinh học còn làm tăng khả năng chuyển hoá thức ăn, kích thích tốc độ phát triển, tăng sản lượng tôm do trong chế phẩm sinh học có vi khuẩn Lactobacillus tạo ra axit lactic có tác dụng làm sạch ruột, khiến tôm tiêu hóa thức ăn rất nhanh và triệt để.
 
Hơn nữa, nấm men có trong chế phẩm sinh học là chất có khả năng tạo mùi thơm, tăng chất lượng thức ăn, cải thiện mùi cho môi trường nuôi và tiêu hóa thức ăn của tôm được tốt hơn. “Sử dụng chế phẩm sinh học còn làm tăng tỷ lệ sống, giảm thời gian nuôi, giảm giá thành sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm”, ông Vạn bộc bạch.
 
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về kinh nghiệm chăm sóc; cách phòng, trị bệnh cho tôm; cách chọn giống; liều lượng ăn; mật độ nuôi… Qua đó, giúp bà con nông dân có thêm kiến thức, nhằm khắc phục hạn chế rủi ro và hướng tới phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng mô hình công nghệ cao.
MAI CHIẾN - (nongnghiep.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu