Thứ sáu, 19/03/2021,07:25 (GMT+7)
Ô Môn tiếp tục lộ trình Chương trình Giáo dục phổ thông mới
Theo lộ trình, năm học 2021-2022 Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới tiếp tục được triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ô Môn đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ để phục vụ công tác này.
Giờ học môn Địa lý của học sinh Trường THCS Thới Long.
Giờ học môn Địa lý của học sinh Trường THCS Thới Long.
 
Trong giờ Địa lý của học sinh lớp 6A1, Trường THCS Thới Long, cô Trần Thị Thùy Dung (Tổ trưởng Tổ Sử Địa) không chỉ truyền thụ kiến thức một chiều, mà học sinh được hướng dẫn tự nghiên cứu sâu từng chủ đề. Cô Thùy Dung chia sẻ: “Tôi và các đồng nghiệp giảng dạy theo chủ đề, giúp học sinh hiểu sâu, nhớ lâu bài học hơn”. Trường THCS Thới Long vừa tổ chức hội nghị về lựa chọn sách giáo khoa (SGK) mới. Cô Thùy Dung đánh giá SGK mới có ưu điểm đảm bảo tính khoa học, nhiều hình ảnh phong phú, ngôn ngữ gần gũi với học sinh. Ví dụ như ở môn Lịch sử, hình ảnh các cổ vật được lồng ghép đưa vào sách khá hiệu quả.
 
Cô Thùy Dung được chọn cùng các thầy cô sẽ phụ trách dạy lớp 6 Chương trình GDPT mới vào năm học tới. Bên cạnh được trường tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn liên quan đến chương trình mới, cô nỗ lực nghiên cứu và cùng các đồng nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy. Hiện nay, tất cả cán bộ, giáo viên nhà trường đã quán triệt về đổi mới Chương trình GDPT. Cô Nguyễn Đặng Huyền Trân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thới Long, cho biết: “Trường tuyên truyền sâu rộng Chương trình GDPT mới trong cán bộ, giáo viên, phụ huynh có con vào lớp 6 năm học 2021-2022; để tất cả cùng hiểu những điểm mới của chương trình, có tâm thế chủ động bước vào năm học mới”. Nhà trường cũng rà soát, lựa chọn giáo viên cốt cán khối lớp 6 đảm bảo về số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu, phù hợp với môn học và các hoạt động giáo dục trong Chương trình GDPT mới để tham dự các khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên. Từ đó đủ điều kiện triển khai hỗ trợ, tư vấn tại trường.  
 
Trường THCS Thới Long thành lập năm 2012 (tách ra từ Trường THPT Thới Long); được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2015 và đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mức 1 năm 2018. Thầy Nguyễn Văn Bướm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhờ sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo địa phương và ngành Giáo dục, nên cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học của trường đảm bảo phục vụ Chương trình GDPT mới. Tập thể cán bộ, giáo viên của trường luôn đoàn kết và nỗ lực trong công tác chuyên môn”. Trường đã chuẩn bị 2 phòng tin học (50 máy) phục vụ Tin học - môn học bắt buộc trong chương trình mới; đề nghị bổ sung, mua sắm thêm một số trang thiết bị đảm bảo giảng dạy lớp 6 năm học 2021-2022.
 
Quận Ô Môn hiện có 43 trường, gồm: 14 mầm non, mẫu giáo, 19 tiểu học, 6 THCS và 4 THPT. Trong đó có 39 trường đạt chuẩn quốc gia (11 mầm non, mẫu giáo, 19 tiểu học, 5 THCS, 4 THPT) và trong số này có 8 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Năm học 2021-2022, quận Ô Môn dự kiến có 2.120 học sinh/52 lớp 6 và 1.974 học sinh/67 lớp 2. Để phục vụ cho Chương trình GDPT mới đối với lớp 6, ngành đã chuẩn bị 52 phòng học kiên cố, 316 máy vi tính/10 phòng (bình quân 31 máy/phòng), 8 giáo viên dạy Tin học. Đồng thời, ngành đã đăng ký với UBND quận đầu tư trang thiết bị cho học sinh khối 6, kinh phí dự trù trên 5 tỉ đồng. Dự kiến, có 135 thầy cô đạt chuẩn quy định tham gia giảng dạy lớp 6, cơ bản đủ bộ môn chính khóa. Hiện tất cả 6 trường THCS ở quận đã chủ động rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên, đảm bảo các điều kiện phục vụ Chương trình GDPT mới đối với lớp 6. Đối với 19 trường tiểu học vốn có kinh nghiệm thực hiện chương trình GDPT mới ở lớp 1, cũng đã sẵn sàng tâm thế để triển khai thực hiện chương trình GDPT mới ở lớp 2 của năm học tới.
 
Thầy Võ Công Tuấn, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ô Môn, cho biết: “Ngành Giáo dục quận đã chuẩn bị cơ bản các điều kiện để phục vụ cho Chương trình GDPT mới đối với lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022. Hiện toàn ngành đã tổng hợp việc chọn SGK mới ở các nhà trường để báo cáo về Sở GD&ĐT thành phố”. Khó khăn của quận là vẫn còn thiếu giáo viên bộ môn Tin học, giáo viên dạy môn học tự chọn (Tiếng dân tộc và Ngoại ngữ 2). Việc thiếu giáo viên bộ môn cũng xuất hiện do trong 2 năm qua không tuyển dụng được giáo viên mới, trong khi giáo viên nghỉ hưu nhiều, nhất là môn Tin học, Toán, Vật Lý, Âm nhạc... Ngành sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với cơ quan hữu quan giải quyết các khó khăn này để việc triển khai Chương trình GDPT mới đạt hiệu quả. Đồng thời ngành chỉ đạo các trường tập trung nâng cao chất lượng dạy và học; bồi dưỡng các phong trào mũi nhọn; tham mưu UBND quận đẩy nhanh tiến độ các công trình, thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn theo chỉ tiêu, thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng...
 
 Bài, ảnh: NG.NGÂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu