Thứ sáu, 17/07/2020,07:58 (GMT+7)
OCB lên tiếng vụ khách hàng báo mất gần 6 tỉ đồng “sổ tiết kiệm”
Một khách hàng đến OCB yêu cầu hoàn trả số tiền gần 6 tỉ đồng theo hồ sơ là “sổ tiết kiệm” và “hợp đồng gửi tiền”, ngân hàng nói gì về vụ việc này?
Chiều 15-7, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã có thông tin chính thức liên quan đến vụ việc của khách hàng Huỳnh Tuyết Hằng, yêu cầu ngân hàng hoàn trả số tiền gần 6 tỉ đồng.
 
Theo hồ sơ vụ việc, tháng 3-2019, OCB nhận được yêu cầu của bà Hằng, thông qua đại diện là Công ty Luật Hưng Yên, về việc ngân hàng phải hoàn trả số tiền tiết kiệm gần 6 tỉ đồng.
 
Khi nhận được yêu cầu, OCB đã kiểm tra và xác định sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi đứng tên bà Hằng là giả: phôi sổ tiết kiệm bị làm giả, chữ ký của đại diện OCB trên các chứng từ không đúng và mẫu dấu sử dụng không phải mẫu dấu thật của ngân hàng này.
 
"Không có căn cứ xác định OCB có nhận tiền huy động của bà Hằng với số tiền 6 tỉ đồng như khách hàng trình bày, vì toàn bộ hồ sơ liên quan do bà cung cấp là hồ sơ giả. Dù trước đó bà Hằng đã mở tài khoản thanh toán tại OCB và sử dụng liên tục tài khoản này theo quy định để thực hiện các giao dịch. Tất cả giao dịch của bà Hằng trên tài khoản đều được thể hiện cụ thể theo sao kê tài khoản và hoàn toàn không có khoản tiền gần 6 tỉ đồng như khách hàng này nêu" - đại diện OCB khẳng định.
OCB lên tiếng vụ khách hàng báo mất gần 6 tỉ đồng “sổ tiết kiệm” - Ảnh 1.
Người gửi tiền cần tuân thủ đúng quy trình giao dịch tại ngân hàng để bảo đảm tiền được gửi vào hệ thống ngân hàng và bảo đảm lợi ích của khách hàng
 
Cũng theo OCB, xét thấy vụ việc này có thể liên quan đến hành vi lừa đảo của Vũ Phương Thảo, ngân hàng đã hỗ trợ bà Hằng tới gặp cơ quan điều tra, đơn vị thụ lý vụ án Vũ Phương Thảo, để được hướng dẫn.
 
Trong một diễn biến khác, bà Vũ Phương Thảo là cựu nhân viên của OCB. Khi còn làm việc ở ngân hàng này, bà Thảo là cán bộ tại bộ phận xử lý giao dịch tín dụng, thuộc khối hỗ trợ. Bà Thảo không được giao bất kỳ nhiệm vụ, quyền hạn gì liên quan đến việc huy động vốn của khách hàng tại ngân hàng.
 
Theo thông tin của Cơ quan điều tra, Công an TP HCM (PC 02), Vũ Phương Thảo đã lợi dụng mối quan hệ quen biết với các nạn nhân, dụ dỗ các nạn nhân chuyển tiền cho Thảo để hưởng lãi suất cao. Thảo đã lập sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi giả để chuyển cho các cá nhân này. Khi phát hiện các hành vi lừa đảo của Thảo, OCB đã chủ động tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
 
Hiện Cơ quan điều tra Công an TP HCM đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Vũ Phương Thảo, tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức".
 
"Giao dịch giữa bà Thảo và bà Hằng có thể xem như các giao dịch cá nhân. Trên thực tế, bà Hằng là người thân của Thảo (dì - cháu) nên việc giao dịch giữa hai dì cháu với khoản tiền 6 tỉ đồng hoàn toàn không trong tầm kiểm tra, kiểm soát của OCB. Hiện nay toàn bộ vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Vũ Phương Thảo đối với các nạn nhân đang được cơ quan cảnh sát điều tra thụ lý theo quy định. Mọi thông tin, kết quả của vụ việc đều cần kết luận cuối cùng của cơ quan này" - đại diện OCB nói.
 
Từ vụ việc trên, các chuyên gia tài chính khuyến cáo, người gửi tiền cần tuân thủ đúng quy trình giao dịch tại ngân hàng (cả tại quầy và online) để bảo đảm tiền được gửi vào hệ thống ngân hàng và bảo đảm lợi ích của khách hàng.
 
Theo tìm hiểu, các ngân hàng đều có quy trình gửi tiết kiệm VNĐ tại quầy hoặc online tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước. Như gửi tiết kiệm tại quầy, để bảo đảm khoản tiền gửi của khách hàng vào hệ thống ngân hàng, khách hàng cần lập bảng kê thu tiền, kê khai số tiền nộp vào, ký, ghi rõ họ tên và giao tiền cho giao dịch viên; khách hàng sẽ kiểm tra kỹ thông tin và ký xác nhận lên Giấy gửi tiết kiệm/biên lai giấy nộp tiền gửi tiết kiệm…
 
"Sổ tiết kiệm khách hàng nhận được từ ngân hàng phải có đầy đủ thông tin về số sổ, mã sản phẩm, thông tin khách hàng, số tiền, kỳ hạn, lãi suất, ngày đến hạn… Sổ cũng phải có đầy đủ chữ ký của giao dịch viên, kiểm soát viên hoặc lãnh đạo chi nhánh/phòng giao dịch, con dấu, ngày phát hành của ngân hàng để tiền vào đúng hệ thống" - đại diện một ngân hàng thương mại khuyến cáo.
 
Đồng thời, trong trường hợp gửi tiết kiệm online trên Internet Banking, Mobile Banking của ngân hàng, người gửi tiền cũng cần tuân thủ đúng quy trình theo hướng dẫn, không nên tin tưởng bất kỳ ai để hưởng lãi suất cao mà đưa tiền trực tiếp cho họ, sẽ gặp rủi ro.
 
PV - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu