Ông Joe Biden đang tiến thêm một bước dài trên con đường vào Nhà Trắng sau khi toàn bộ 50 bang và quận Columbia chứng thực kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Theo đài CNN, bang Tây Virginia hôm 9-12 trở thành bang cuối cùng có bước đi nói trên.
Theo sau diễn biến đó, các đại cử tri dự kiến nhóm họp trong ngày 14-12 để chính thức bỏ phiếu nhằm xác định chủ nhân Nhà Trắng cho nhiệm kỳ tới. Đến ngày 6-1-2021, các lá phiếu sẽ được kiểm đếm tại phiên họp chung của lưỡng viện quốc hội Mỹ.
Một số bang có luật buộc đại cử tri phải bỏ phiếu cho ứng viên chiến thắng tại bang mình. Trong một số trường hợp, những đại cử tri không tuân thủ điều này có thể đối mặt hình phạt hoặc bị thay thế. Tòa án Tối cao Mỹ vào tháng 7 vừa qua phán quyết rằng luật trừng phạt đại cử tri vi phạm cam kết bỏ phiếu cho người thắng phiếu phổ thông của bang là hợp hiến.
Tướng về hưu Lloyd Austin phát biểu sau khi được ông Joe Biden đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng hôm 9-12.Ảnh: REUTERS
Ông Biden được dự báo giành 306 phiếu đại cử tri, cao hơn nhiều so với con số 270 phiếu cần thiết để thắng cử. Trong khi đó, con số này của ông Trump là 232 và nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa từ bỏ nỗ lực lật ngược tình thế dù thời gian không còn nhiều.
Trong dấu hiệu cho thấy quyết tâm theo đuổi đến cùng cuộc chiến pháp lý, ông Trump hôm 9-12 tuyên bố sẽ tham gia vụ kiện của bang Texas nhằm thách thức kết quả bầu cử tại 4 bang chiến trường Georgia, Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. Vấn đề là nỗ lực khiếu nại kết quả bầu cử của phe ông Trump chưa mang lại kết quả gì đáng kể với ít nhất 35 vụ kiện hứng chịu thất bại cho đến giờ.
Hãng tin AP nhận định bất chấp những ồn ào quanh cáo buộc gian lận bỏ phiếu và kiểm phiếu của phe ủng hộ ông Trump, ông Biden vẫn đang trên đường trở thành tổng thống vào ngày 20-1-2021. "Con tàu này đã ra khơi" - thẩm phán liên bang Linda Parker nhận định khi bác bỏ vụ kiện thách thức chiến thắng của ông Biden ở bang Michigan trong tuần này. Trong một dấu hiệu cho thấy kết quả bầu cử là khó đảo ngược, chính quyền ông Trump đang làm việc với đội ngũ tổng thống đắc cử về tiến trình chuyển giao.
Trong lúc chờ Nhà Trắng có ông chủ mới, điều dư luận quan tâm là những lựa chọn nhân sự trong chính quyền sắp tới của ông Biden. Theo một số nguồn tin hôm 9-12, ông Biden đã chọn bà Katherine Tai, luật sư thương mại hàng đầu của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện, làm tân đại diện Thương mại Mỹ (USTR). Theo Reuters, bà Tai, một người Mỹ gốc Hoa, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nghị sĩ của Đảng Dân chủ, cũng như giới lao động và doanh nghiệp. Bà từng đứng đầu bộ phận theo dõi tình hình thực thi các quy định thương mại của Trung Quốc tại Văn phòng USTR giai đoạn 2011-2014. Trên cương vị này, bà là luật sư chính chịu trách nhiệm khởi kiện những vụ vi phạm thương mại nhằm vào Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ông Biden dự kiến công bố lựa chọn trên vào cuối tuần này.
Tổng thống đắc cử Mỹ hôm 9-12 thông báo đề cử tướng về hưu Lloyd Austin làm Bộ trưởng Quốc phòng. Nếu được Thượng viện thông qua, ông Austin sẽ trở thành người gốc Phi đầu tiên đảm nhận vị trí này. Dù vậy, theo báo The Straits Times (Singapore), việc lựa chọn ông Austin đe dọa gây ra tranh cãi trong nội bộ Đảng Dân chủ về nguyên tắc bảo đảm sự kiểm soát dân sự đối với quân đội.
Ông Austin chỉ mới nghỉ hưu vào năm 2016 trong lúc quy định hiện hành chỉ cho phép cựu tướng lĩnh, sĩ quan quân đội được nắm quyền lãnh đạo Lầu Năm Góc nếu người này giải ngũ được ít nhất 7 năm. Những trường hợp khác phải có sự chấp thuận của quốc hội. Hồi năm 2017, nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ đã phản đối việc phê chuẩn tướng về hưu James Mattis làm bộ trưởng quốc phòng bởi ông này khi đó chỉ mới rời quân ngũ được 4 năm.
Vụ kiện "phi lý"
Ngoài Tổng thống Donald Trump, vụ kiện lên Tòa án Tối cao của bang Texas nhằm thách thức kết quả bầu cử tại 4 bang chiến trường Georgia, Wisconsin, Michigan, Pennsylvania còn nhận được sự ủng hộ của 17 bang khác hôm 9-12.
Tuy nhiên, theo Reuters, nhiều chuyên gia luật ở Mỹ cho rằng vụ kiện trên là "phi lý" và khó tránh kết cục thất bại. Bà Rebecca Green, chuyên gia của Trường Luật William & Mary, giải thích rằng trong hệ thống liên bang của Mỹ, Texas không có tư cách pháp lý để chất vấn cách các bang khác xử lý quy trình bầu cử của họ. Theo bà Green, hành động kỳ quặc này đi ngược quy định của hiến pháp về cách thức tiến hành bầu cử.
Trong khi đó, ông Jonathan Adler, Trường Luật Đại học Case Western Reserve, nhận định một số thẩm phán bảo thủ của Tòa án Tối cao có thể bỏ phiếu đồng ý xem xét những lập luận trong đơn kiện của bang Texas nhưng họ khó có thể ra phán quyết có lợi cho bên nguyên. Chuyên gia này thậm chí cho rằng Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton, một đồng minh của ông Trump, đã thúc đẩy vụ kiện với hy vọng nhận được ân xá từ ông chủ Nhà Trắng. Theo Reuters, ông Paxton đang đối mặt các cáo buộc tham nhũng và lạm dụng chức vụ để trục lợi cho một nhà tài trợ chính trị của mình. Còn ông Josh Blackman, chuyên gia tại Trường ĐH Luật Nam Texas, cho rằng ngay cả khi những lập luận của ông Paxton là có cơ sở, yêu cầu ông đưa ra đối với các thẩm phán (hủy kết quả bầu cử tại 4 bang nói trên) là không thực tế.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)