Chủ nhật, 14/01/2024,14:37 (GMT+7)
“Ông lớn” xăng dầu bị tước giấy phép: Nợ thuế ngàn tỉ, chủ bị cấm xuất cảnh
Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà là một trong những đầu mối kinh doanh xăng dầu có hàng loạt vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra thời gian gần đây
 
Bộ Công Thương vừa có quyết định về việc thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
 
"Ông lớn" xăng dầu bị tước giấy phép: Nợ thuế ngàn tỉ, chủ bị cấm xuất cảnh- Ảnh 1.
Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu Hải Hà nợ thuế hàng ngàn tỉ đồng. Ảnh: Nguyễn Minh
 
Theo thông báo kết luận do Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 4-1, cơ quan này chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với một số vụ việc trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
 
Trong đó, có hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá tại Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
 
Cục Thuế tỉnh Thái Bình trước đó cũng đã công khai doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà góp mặt với số nợ thuế lớn nhất tỉnh này.
 
Theo danh sách của cơ quan thuế Thái Bình, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà tiếp tục là doanh nghiệp có số nợ lớn nhất với tổng số nợ trên 1.781 tỉ đồng, chủ yếu là Thuế BVMT.
 
Hôi tháng 9-2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Tuyết Mai (62 tuổi, trú thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), vì liên quan đến vấn đề nợ thuế. Bà Trần Tuyết Mai là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
 
Theo văn bản thông báo, lý do tạm hoãn xuất cảnh là doanh nghiệp này thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà. Theo đó, cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với công ty liên tục từ ngày 26-6 đến ngày 28-8.
 
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp theo quyết định ngày 12-9 (hiệu lực từ ngày 13-9-2023 đến ngày 12-9-2024).
 
Quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn lỏng lẻo
Các vi phạm của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong chiếm dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thuế Bảo vệ môi trường, theo TTCP có nguyên nhân đến từ sự quản lý lỏng lẻo của Bộ Công Thương, sự thiếu kiểm tra, giám sát của cơ quan thuế. Cụ thể, việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng tồn tại nhiều bất cập dẫn tới bị doanh nghiệp chiếm dụng.
 
Theo kết luận thanh tra, trong hơn 5 năm, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định chi từ Quỹ bình ổn giá khi giá nhiên liệu chưa tăng, số tiền gần 1.143 tỉ đồng, và chi bình ổn cao hơn mức tăng giá, hơn 318 tỉ đồng.
Trong các kỳ điều hành từ ngày 1-1-2017 đến 23-4-2018, văn bản điều hành giá của cơ quan quản lý không rõ ràng, dẫn tới 19 doanh nghiệp đầu mối trích lập sai Quỹ bình ổn xăng dầu với xăng RON95 hơn 1.013 tỉ đồng.
 
Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng chi sai từ quỹ gần 680 tỉ đồng.
 
Theo quy định hiện hành, Quỹ bình ổn giá chỉ được sử dụng trong trường hợp cấp bách, khi giá tăng cao bất thường ảnh hưởng tới đời sống người dân, song thực tế liên Bộ Công Thương - Tài chính sử dụng quỹ này liên tục trong thời gian dài, khi không có biến động về giá. Việc này cũng dẫn tới đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quy chế phối hợp, phân công giữa Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì quỹ, và Bộ Công Thương - cơ quan phối hợp trong quản lý Quỹ bình ổn, kiểm tra, giám sát thương nhân xăng dầu đầu mối. Việc này dẫn tới tình trạng một số doanh nghiệp đầu mối chiếm dụng quỹ.
 
Đối với Thuế BVMT, Tổng cục Thuế và nhiều Cục Thuế thực hiện chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nợ Thuế BVMT hàng ngàn tỉ đồng trong nhiều kỳ, nhiều năm.
 
Minh Phong (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu