Thứ ba, 26/05/2020,11:19 (GMT+7)
Phấn đấu sản lượng lúa cả năm trên 2,7 triệu tấn
Trước nhiều yếu tố bất lợi ở vụ Đông Xuân (ĐX) 2019-2020 và vụ Hè Thu (HT) 2020, ngành nông nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ giúp nông dân ứng phó hiệu quả và phấn đấu sản lượng lúa cả năm trên 2,7 triệu tấn.
 
Lúa Đông Xuân vượt qua hạn, mặn khốc liệt
 
Lúa Đông Xuân vượt qua hạn, mặn khốc liệt 
 
Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) khẳng định vụ lúa ĐX 2019-2020 đã vượt qua nắng hạn, xâm nhập mặn rất khốc liệt để giành thắng lợi khá toàn diện. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Lê Thanh Tùng đánh giá: “Với sự chủ động của các địa phương, phần lớn diện tích lúa ĐX 2019-2020 tại các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua hạn, mặn. Nếu tổng diện tích xuống giống toàn Nam bộ đạt gần 1,62 triệu ha, năng suất ước đạt 6,85 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 11 triệu tấn thì riêng khu vực 

Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo sạ hơn 1,54 triệu ha, đóng góp tới 10,6 triệu tấn lúa”.
 
Tại Long An, dù chịu ảnh hưởng của hạn, mặn nhưng vụ lúa ĐX vừa qua, nông dân trúng mùa, năng suất khô ước đạt 64,6 tạ/ha, sản lượng trên 1,46 triệu tấn. Ông Lê Văn Kiệt (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) phấn khởi: “Đầu vụ, ngành nông nghiệp dự báo sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn, do hạn, mặn mùa khô năm nay diễn ra phức tạp, nông dân chủ động ứng phó để sản xuất an toàn, đạt hiệu quả, do đó chúng tôi sản xuất theo khuyến cáo, gieo sạ đúng lịch thời vụ, chọn giống lúa chất lượng cao gieo trồng, áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, ngăn mặn, giữ ngọt”.
 
Vụ ĐX, gia đình ông sản xuất 3ha, thu hoạch gần 29 tấn lúa, thương lái mua tại ruộng với giá 5.800-6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 20 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Minh Nhựt, ngụ cùng địa phương, chia sẻ: “Vụ ĐX 2019-2020, nông dân được mùa, được giá. Mừng là mặc dù biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất nhưng nông dân từng bước biết cách ứng phó chủ động hơn trong sản xuất”.
 
Đó là kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành nông nghiệp với phương châm “Chỉ đạo chặt chẽ, linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế” và sự tuân thủ khuyến cáo cơ cấu mùa vụ của nông dân. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Ngành rà soát thời vụ, mùa vụ kịp thời, dự đoán những vùng có nguy cơ hạn, mặn và biện pháp khắc phục, nhất là biện pháp công trình. Điều chỉnh kế hoạch, lịch thời vụ gieo trồng lúa cho từng khu vực trong từng địa phương để có thể né hạn cuối vụ.
 
Đồng thời, khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa phù hợp thực tế sản xuất, nhu cầu thị trường, có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, thích ứng với hạn, mặn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tâm lý chủ quan, xuống giống ngoài vùng quy hoạch, không theo khuyến cáo của nông dân ở một số địa phương, dẫn đến trên 2.000ha bị hạn, mặn, thiếu nước tưới, gây thiệt hại đến năng suất”.
 
Long An phấn đấu sản lượng lúa cả năm trên 2,7 triệu tấn
Long An phấn đấu sản lượng lúa cả năm trên 2,7 triệu tấn
 
Bảo vệ tốt lúa Hè Thu, Thu Đông
 
Theo ông Lê Thanh Tùng, để bảo đảm sản lượng lúa cả năm, các địa phương phải tập trung chỉ đạo sản xuất vụ HT, Thu Đông (TĐ).Vụ HT phải tiếp tục thực hiện các giải pháp đối phó, né hạn, mặn. Vụ TĐ, các địa phương cần sử dụng những giống lúa có tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã. Đối với Long An, muốn bảo đảm sản lượng lúa cả năm trên 2,7 triệu tấn.
 
Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp sản xuất vụ HT, TĐ nhằm bảo đảm đạt và vượt chỉ tiêu. Vụ lúa HT năm nay, ngoài những giải pháp thủy lợi ứng phó với hạn, mặn, tỉnh tăng cường vận động, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết hợp tác với các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, bao tiêu nông sản để tạo ra sản lượng lúa hàng hóa lớn, chất lượng cao, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và chế biến xuất khẩu”.
 
Cùng với đó, ngành nông nghiệp kết hợp các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tế đồng ruộng để tăng năng suất, chất lượng lúa, giảm chi phí như quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, cơ giới hóa sản xuất,… Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất lúa, thực hiện tốt việc liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức kinh tế tập thể, doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ gieo trồng đến chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu gạo, tăng thu nhập cho nông dân.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chỉ đạo: “Nhằm bảo đảm sản xuất hiệu quả, các địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng - thủy văn, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó; tập trung mọi điều kiện khắc phục những bất lợi của thời tiết để ứng dụng thâm canh, phòng trừ dịch bệnh; chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất; thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tăng lợi nhuận, nâng cao hiệu quả và chất lượng nông sản hàng hóa. Các địa phương có diện tích lúa HT đã gieo sạ cần tập trung chỉ đạo quản lý, theo dõi sát tình hình sâu, bệnh”./.
 
Lê Huỳnh - (baolongan.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu