Thứ hai, 02/07/2018,09:51 (GMT+7)
Phân khúc cửa hàng tiện lợi: Cuộc chiến không khoan nhượng
Nhà bán lẻ nội địa linh hoạt, dễ thích ứng nhờ thấu hiểu văn hóa, thói quen tiêu dùng và có những bước đi phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ nên được người tiêu dùng ủng hộ

Với tốc độ tăng trưởng gần 12%/năm, quy mô có thể lên tới gần 180 tỉ USD vào năm 2020, ngành bán lẻ Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết. Đặc biệt, mô hình cửa hàng tiện lợi cạnh tranh khốc liệt khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đua nhau mở chuỗi, đầu tư công nghệ, tăng cường dịch vụ để tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Tranh nhau miếng bánh thị phần

Mới đây, Tạp chí Nikkei (Nhật) đã có bài viết về thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo tạp chí này, các nhà bán lẻ khắp châu Á đang đổ xô vào giành thị phần bán lẻ Việt Nam. Phân tích của Nikkei cho thấy các nhà bán lẻ ngoại vẫn còn nhiều cơ hội ở Việt Nam bởi so với Nhật, tỉ lệ siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam còn rất thấp, chỉ khoảng 1.000 siêu thị và khoảng 2.000 cửa hàng tiện lợi, bằng 1/30 - 1/20 Nhật. Nghiên cứu của hãng tư vấn A.T. Kearney cho thấy năm 2017, Việt Nam xếp vị trí thứ 6 trong Chỉ số Phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), trở thành 1 trong 6 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Sức hút của thị trường bán lẻ Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng gia tăng. Các thương hiệu bán lẻ lớn nước ngoài như Aeon, Takashimaya, 7-Eleven (Nhật Bản), Lotte Mart, Emart, Retail, FamilyMart (Hàn Quốc), Central Group, TCC Holdings (Thái Lan) liên tục đổ bộ và mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Gần đây nhất, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 của Hàn Quốc đã chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên ở TP HCM vào tháng 1-2018 và đặt kế hoạch sẽ mở khoảng 50 cửa hàng trong năm nay và 2.500 cửa hàng trong vòng 10 năm. Tập đoàn Seven & i Holdings có kế hoạch mở khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Việt Nam trước năm 2027, còn chuỗi B’s mart của Thái Lan đang đặt mục tiêu mở khoảng 3.000 cửa hàng. Chuỗi FamilyMart của Nhật Bản đã có tới 130 cửa hàng tại Việt Nam và dự định mở thêm 700 cửa hàng vào năm 2020.

Phân khúc cửa hàng tiện lợi: Cuộc chiến không khoan nhượng - Ảnh 1.

Khách hàng Thủ đô hứng thú với mô hình Co.op Food Ảnh: mai trang

Sự bùng nổ của loại hình cửa hàng tiện lợi bắt đầu từ năm 2016, khi Chính phủ Việt Nam giảm bớt những rào cản đối với cửa hàng có diện tích dưới 500 m2. Một trong những lợi thế tại Việt Nam là mật độ các cửa hàng tiện lợi trên dân số hiện hữu hiện vẫn còn rất ít và chưa được phân bố đồng đều ở các địa phương. Riêng tại TP HCM, tính đến cuối năm 2017 chỉ có hơn 1.100 cửa hàng tiện lợi, tỉ lệ rất thấp so với quy mô TP 13 triệu dân. Bên cạnh đó, dân số của Việt Nam đang có độ tuổi trung bình là 30, 25% dân số trong độ tuổi 10 - 24 cũng là lợi thế lớn cho xu hướng tiêu dùng hiện đại lẫn thương mại điện tử.

Phân khúc cửa hàng tiện lợi: Cuộc chiến không khoan nhượng - Ảnh 2.

Cửa hàng Cheers Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP HCM) vừa đi vào hoạt động ngày 28-6 Ảnh: anh uyên

So với mô hình siêu thị, trung tâm thương mại thì cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini có nhiều tiềm năng là lợi thế phát triển hơn hẳn bởi thủ tục đăng ký kinh doanh đơn giản, vốn đầu tư không cao, khả năng thu hồi vốn nhanh… Quan trọng hơn, mô hình này gần với cửa hàng tạp hóa truyền thống vốn gắn chặt với văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt. Chính vì vậy, nắm được kênh phân phối cửa hàng, doanh nghiệp (DN) sẽ làm chủ thị trường. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang chiếm hơn 70% thị phần cũng như doanh thu. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong vài năm tiếp theo. Mô hình cửa hàng tiện lợi cạnh tranh khốc liệt khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đua nhau mở chuỗi, đầu tư công nghệ, tăng cường dịch vụ để tìm chỗ đứng vững chắc tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành bán lẻ, đặc biệt là phân khúc cửa hàng tiện lợi đã được dự báo từ sớm. Nhiều chuyên gia kinh tế lẫn DN bán lẻ nội địa đã bày tỏ lo ngại nếu DN nước ngoài làm chủ thị trường sẽ gây nhiều khó khăn cho DN nội địa và người tiêu dùng Việt.

Tận dụng lợi thế am hiểu thị trường

Áp lực cạnh tranh đè nặng khiến một số nhà bán lẻ nội rời khỏi thị trường, một số khác vượt lên mạnh mẽ để giữ thế chủ động. Saigon Co.op, nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, đang sở hữu các mô hình cửa hàng tiện lợi phong phú gồm Co.op Food, Co.op Smile, cửa hàng Cheers, cửa hàng Co.op cũng có những bước đầu tư lớn nhằm gia tăng nhanh chóng số lượng cửa hàng đồng thời kết nối đa phương tiện với các hình thức mua sắm khác. Với 3 cửa hàng Co.op Food vừa mới mở trong tuần cuối cùng của tháng 6, Saigon Co.op đã nâng tổng số cửa hàng Co.op Food lên con số 239, gần 76 cửa hàng Co.op Smile. Chỉ cách đó ít hôm, 5 cửa hàng Co.op Food đã khai trương đi vào hoạt động ở thủ đô Hà Nội nhằm gia tăng sự hiện diện của chuỗi cửa hàng này tại thị trường phía Bắc.

Thừa nhận phân khúc cửa hàng tiện lợi đang phát triển nhanh, mạnh và chứng kiến sự cạnh tranh không khoan nhượng giữa các DN bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op, cho biết trong năm nay người tiêu dùng cả nước sẽ được chứng kiến tốc độ phát triển mạnh mẽ của các mô hình bán lẻ hiện đại quy mô vừa và nhỏ của Saigon Co.op. Riêng với mô hình Co.op Food, Saigon Co.op đang có chiến lược đẩy mạnh phát triển ra các tỉnh, thành thông qua hình thức nhượng quyền.

Cũng theo ông Đức, sự phát triển mạnh mẽ của mô hình cửa hàng tiện lợi là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu mua nhanh, sử dụng nhanh và thời gian mở cửa nhiều hơn cửa hàng truyền thống. Đó cũng là phân khúc Saigon Co.op đang tập trung nguồn lực để hướng đến nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu này của người tiêu dùng và cũng là cách để Saigon Co.op đa dạng hóa phân khúc bán lẻ. "Các đại gia bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam mang theo kinh nghiệm, sự bài bản, cẩn trọng và chiến lược, tầm nhìn dài hạn. Các nhà bán lẻ nội còn non trẻ về kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, tầm nhìn chiến lược… nhưng bù lại rất linh hoạt, dễ thích ứng nhờ thấu hiểu thói quen, văn hóa người tiêu dùng. Để phát triển bền vững, DN Việt cần xây dựng những chiến lược dài hơi và xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp sẵn sàng cho cuộc đua dài" - ông Đức cho biết thêm. 

Khai trương 3 cửa hàng Co.op Food, 1 cửa hàng Cheers

Chỉ trong 3 ngày cuối cùng của tháng 6, Saigon Co.op đã gấp rút đưa vào hoạt động 4 điểm bán mới, bao gồm 3 cửa hàng Co.op Food và 1 cửa hàng tiện lợi 24h Cheers.

- Co.op Food Trương Phước Phan 169 (tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân).

- Co.op Food Lý Văn Sâm (tại phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

- Co.op Food Hà Huy Giáp (tại phường Thạnh Xuân, quận 12).

- Cửa hàng Cheers Nguyễn Cư Trinh (tại phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1).

Nhân dịp khai trương, các cửa hàng này đều tổ chức những chương trình khuyến mãi đặc biệt: giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, quà tặng theo trị giá hóa đơn…

Khuyến khích nâng cấp tiệm tạp hóa thành cửa hàng tiện lợi

Theo quy hoạch phát triển ngành thương mại TP HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP HCM khuyến khích nâng cấp, sáp nhập cửa hàng tạp hóa vào các chuỗi cửa hàng tiện lợi theo phương thức nhượng quyền thương mại để vừa hiện đại hóa cơ sở hạ tầng vừa cải tiến phương thức kinh doanh; khuyến khích phát triển cửa hàng chuyên doanh tập trung thành các tuyến đường chuyên doanh từng nhóm sản phẩm; khuyến khích phát triển cửa hàng tiện lợi tại các chung cư, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kết nối các tuyến giao thông, khu vực nhà ga các tuyến đường sắt đô thị (metro)… Song song đó, khuyến khích chuyển đổi công năng chợ cũ, không hiệu quả thành siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

TP HCM cũng ưu tiên phát triển thêm siêu thị ở các khu dân cư, khu vực giao thông thuận lợi và các trung tâm ngoại thành; mục tiêu tới năm 2025-2030 hình thành được tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.

Nguồn: Minh Nhi - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu