Thứ bảy, 04/01/2025,14:46 (GMT+7)
Phạt nặng, không bỏ sót vi phạm giao thông
Mức xử phạt mạnh tay và cơ chế tiếp nhận tin báo vi phạm được kỳ vọng giúp thiết lập lại trật tự, an toàn giao thông trên cả nước
 
Nghị định 168/2024 và Nghị định 176/2024 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính; quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ... cùng có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 có nhiều quy định mới với tính răn đe cao.
 
Mức phạt tăng rất mạnh
Theo Nghị định 168/2024, mức xử phạt đối với nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ tăng mạnh, thậm chí tăng gấp 20-30 lần trước đây. Cụ thể, tài xế ô tô vượt đèn đỏ sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng - cao gấp hơn 3 lần so với quy định cũ; vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,25-0,4 mg/lít khí thở hoặc 50-80 mg/100 ml máu sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng - tăng 2 triệu đồng so với trước đó.
 
Ngoài ra, một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ chịu mức phạt cao gấp 3-30 lần so với trước. Mức phạt đối với hành vi quay đầu xe, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc, đi xe máy vào đường cao tốc cũng được cụ thể hóa với mức tăng gấp 2-3 lần.
 
Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP HCM (PC08), các hành vi có tính cố ý vi phạm, có nguy cơ nguy hiểm cao độ và là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông có mức phạt tăng mạnh. Ngoài việc tăng tiền phạt, lực lượng chức năng còn áp dụng hình thức xử phạt mới là trừ điểm giấy phép lái xe từ 2-12 điểm.
Ít nhất sau 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, tài xế phải thi sát hạch để được phục hồi điểm số. "Sau khi bị tuýt còi và xử phạt, nhiều người bất ngờ với mức phạt tăng nhiều lần và cam kết sẽ không tái phạm" - đại diện PC08 cho hay.
 
Đại diện PC08 nhấn mạnh các trường hợp vi phạm đều bị CSGT xử lý nghiêm và không có ngoại lệ với bất kỳ trường hợp nào. Đồng thời, CSGT cũng ghi lại hình ảnh, clip để đối chứng với người vi phạm.
 
Vẫn thản nhiên vi phạm
Theo thống kê của Cục CSGT - Bộ Công an, trong 2 ngày đầu năm 2025, công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 25.079 trường hợp vi phạm; tạm giữ 169 ô tô, 8.147 mô tô và 245 phương tiện khác; tước 4.261 giấy phép lái xe các loại.
 
Riêng tại TP HCM, theo đại diện PC08, trong ngày 1 và 2-1, lực lượng CSGT đã xử phạt 3.247 trường hợp vi phạm; tạm giữ 4 ô tô, 1.232 xe máy, 29 phương tiện khác; tước 625 giấy phép lái xe. Tổng số tiền phạt ước tính 12 tỉ đồng. Trong đó, TP Thủ Đức ghi nhận 166 trường hợp vi phạm về giao thông, ước tính phạt tiền hơn 600 triệu đồng.
 
Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn thuộc PC08 sáng 1-1 đã lập chốt tại vòng xoay Hàng Xanh, quận Bình Thạnh. Lúc 7 giờ 50 phút cùng ngày, cảnh sát phát hiện anh L.N.T (22 tuổi, ngụ quận Tân Bình) chạy xe máy vượt đèn đỏ tại giao lộ Điện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh nên yêu cầu dừng xe. Anh T. sau đó bị lập biên bản hành vi "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" với số tiền phạt 4-6 triệu đồng, tăng mạnh so với mức phạt cũ là 800.000 đến 1 triệu đồng; đồng thời bị trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe.
 
Cũng trong sáng đầu năm, lúc 10 giờ, anh Đ.C.Đ (23 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) chạy xe máy trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Bá, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức nên bị lập biên bản về hành vi "điều khiển xe đi trên vỉa hè". Theo quy định mới, anh Đ. sẽ bị phạt tiền 4-6 triệu đồng - tăng gấp 10 lần so với mức cũ - và bị trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe.
 
Ngày 2-1, Đội CSGT Tân Sơn Nhất thuộc PC08 cũng lập chốt kiểm tra tại giao lộ Cộng Hòa - Út Tịch, quận Tân Bình. Khoảng 9 giờ, anh H.M.T, shipper (nhân viên giao hàng; 30 tuổi, quê tỉnh Bình Định) chạy xe máy trên vỉa hè nên bị CSGT yêu cầu dừng phương tiện, lập biên bản vi phạm hành chính. Phân trần, anh T. cho biết dù có nghe quy định mới nhưng không nghĩ tiền phạt tăng gấp 10 lần.
 
Đội CSGT Tân Sơn Nhất thuộc Phòng CSGT Công an TP HCM lập chốt kiểm tra vi phạm giao thông tại giao lộ Cộng Hòa - Út Tịch, quận Tân Bình. Ảnh: ANH VŨ
Đội CSGT Tân Sơn Nhất thuộc Phòng CSGT Công an TP HCM lập chốt kiểm tra vi phạm giao thông tại giao lộ Cộng Hòa - Út Tịch, quận Tân Bình. Ảnh: ANH VŨ
 
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, ngày 1-1, nhiều người điều khiển xe máy trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận không đội mũ bảo hiểm hoặc chạy xe ngược chiều. Tại các tuyến đường Trần Quang Diệu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) cũng có nhiều người điều khiển xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm. Còn trên đường Nguyễn Du, Lê Văn Hưu, Alexandre de Rhode, Nguyễn Văn Thủ (quận 1), còn tình trạng ô tô dừng, đậu sai quy định.
 
Xác minh kỹ tin báo vi phạm
Trong khi đó, Nghị định 176/2024 có quy định đáng chú ý về việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông.
 
Theo đó, mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm giao thông của 1 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính; tối đa 5 triệu đồng/vụ, việc. Để phản ánh vi phạm, người dân có thể gửi thông tin, hình ảnh, clip qua ứng dụng VNeTraffic, iHanoi hoặc đường dây nóng, trang Zalo của Cục CSGT, phòng CSGT các địa phương.
 
Thời hạn sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xác định tổ chức, cá nhân vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận được kết quả cho đến hết ngày cuối cùng của thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Thời hạn xác minh không quá 1 tháng kể từ ngày thụ lý, riêng với vụ việc phức tạp là 2 tháng.
 
Đội CSGT Chợ Lớn thuộc Phòng CSGT Công an TP HCM lập chốt kiểm tra vi phạm giao thông trên đường Võ Văn Kiệt, quận 5. Ảnh: ANH VŨ
Đội CSGT Chợ Lớn thuộc Phòng CSGT Công an TP HCM lập chốt kiểm tra vi phạm giao thông trên đường Võ Văn Kiệt, quận 5. Ảnh: ANH VŨ
 
Theo đại diện Bộ Công an, sau khi tiếp nhận hình ảnh của người dân, lực lượng chức năng phải xác minh được nguồn gốc hình ảnh, xác định ngày giờ vi phạm để có cơ sở làm việc với chủ xe, tài xế. "Hình ảnh, clip mà người dân cung cấp có thể coi là tài liệu để cơ quan công an xác minh và để chứng minh lỗi vi phạm. Căn cứ trên hình ảnh, clip được cung cấp, cơ quan công an phải xác minh, làm việc với người vi phạm về lỗi vi phạm, thời điểm vi phạm... Nếu có đủ căn cứ mới ra quyết định xử phạt" - đại diện Bộ Công an thông tin.
 
Theo Bộ Công an, sau khi ban hành quyết định xử phạt, cơ quan chức năng sẽ chi trả tiền hỗ trợ cho người cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông qua tài khoản. "Nếu áp dụng chính sách trên, mỗi người dân sẽ là một người giám sát, hỗ trợ lực lượng CSGT trong việc thực thi chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có hiệu quả..." - đại diện Bộ Công an khẳng định. 
 
Không được xâm phạm quyền tự do, bí mật cá nhân
Đại diện Bộ Công an lưu ý hình ảnh, clip phản ánh vi phạm giao thông phải đáp ứng được yêu cầu về dữ liệu theo quy định tại Nghị định 135/2021 của Chính phủ về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
 
Cụ thể, clip phải thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; hình ảnh trong clip không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, tổ chức; phản ánh khách quan, chính xác, trung thực, rõ ràng về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm và đáp ứng yêu cầu về thời hạn sử dụng clip theo quy định.
 
ANH VŨ - LÊ VĨNH - NGUYỄN HƯỞNG
- LÊ TỈNH (nld.com.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu