Chủ nhật, 19/07/2020,15:59 (GMT+7)
Phát triển đô thị bền vững thích ứng biến đổi khí hậu
Đô thị hóa nhanh và các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang làm cho các đô thị ở vùng ĐBSCL rất dễ bị “tổn thương”. Để phát triển bền vững các đô thị, đòi hỏi các địa phương phải quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, phát triển đô thị gắn với chủ động thích ứng BĐKH.
Thời gian qua, TP Cần Thơ luôn quan tâm công tác quy hoạch phát triển đô thị, xứng tầm đô thị trung tâm, động lực vùng ĐBSCL. Ảnh: ANH KHOA
 
Các đô thị đã và đang trở thành động lực phát triển và trụ cột kinh tế, xã hội và văn hóa của các vùng ở Việt Nam. Ðối với vùng ÐBSCL, cùng với đô thị trung tâm động lực phát triển của vùng là TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, hiện các tỉnh trong vùng đều có các thành phố trực thuộc tỉnh. Thời gian qua, các đô thị tại vùng ÐBSCL cũng phát triển khá nhanh và có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.
 
Theo Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ, ÐBSCL là khu vực quan trọng đối với an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam, nơi có 20% người dân Việt Nam sinh sống. Tuy nhiên, ÐBSCL cũng là nơi đang chịu ảnh hưởng lớn của BÐKH. Ðô thị hóa nhanh và các tác động của ngập úng, sạt lở, sụt lún và nhiễm mặn đã và đang gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương của các đô thị vùng ÐBSCL.
 
Theo Tổ chức Hợp tác phát triển Ðức (GIZ), GIZ đã tiến hành khảo sát, điều tra tại 13 tỉnh, thành ÐBSCL về nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời đánh giá hiện trạng về phát triển đô thị thích ứng bền vững. Qua đó, GIZ nhận thấy còn những khoảng trống giữa quy hoạch và thực hiện tại các đô thị; hạn chế hiệu quả đầu tư trong các lĩnh vực như sạt lở bờ sông, thoát nước và chống ngập đô thị.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện hạ tầng đô thị trong vùng ÐBSCL đã được cải thiện đáng kể so với trước đây. Song, đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu tại nhiều nơi vẫn còn chậm, tính kết nối, tính liên hoàn, tính đồng bộ và hợp lý còn hạn chế. Do đó, hiệu quả của việc đầu tư kết cấu hạ tầng chưa cao và chưa thích ứng tốt với các tác động của thiên tai và BÐKH. Ðiều này đòi hỏi cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch phát triển đô thị tích hợp và bền vững, đặc biệt quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị cần được nhấn mạnh và tích hợp trong quy hoạch quốc gia, vùng và tại từng địa phương.
 
Hiện nay, quy hoạch địa phương (tỉnh, thành) được triển khai thực hiện theo phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch là những nội dung khá mới. Các địa phương chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, đây là những nội dung đổi mới, bắt buộc phải thực hiện theo Luật Quy hoạch năm 2017 (được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019). Theo đó, đã thay đổi cơ bản tư duy, phương pháp và nội dung lập quy hoạch, trong đó tích hợp quy hoạch là yêu cầu cốt lõi. Quy hoạch trở thành công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, cũng như quản lý đầu tư phát triển ở từng địa phương, từng vùng, cả nước. Quy hoạch tích hợp và đa ngành, giúp đảm bảo sự nhất quán, tính hiệu quả thiết thực; đồng thời giúp quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ…
 
Theo ông Ðinh Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, nhằm hỗ trợ các địa phương vùng ÐBSCL trong công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, GIZ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư huy động một nhóm chuyên gia tiến hành rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập quy hoạch. Từ đó, nghiên cứu, xây dựng tài liệu hướng dẫn lập quy hoạch của vùng ÐBSCL, có lồng ghép các yếu tố về ứng phó BÐKH, bình đẳng giới, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng quy hoạch. Ðề xuất các giải pháp phát triển ngành logistics và mô hình điều phối liên kết vùng để triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với BÐKH.
 
Ðược sự tài trợ từ Chính phủ Ðức và Chính phủ Thụy Sĩ, thời gian qua GIZ cũng đã phối hợp với Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sĩ, Bộ Xây dựng và các địa phương vùng ÐBSCL thực hiện Chương trình thoát nước và chống ngập Ðô thị ÐBSCL ứng phó BÐKH. Chương trình đã hỗ trợ các đối tác Trung ương và địa phương từ năm 2013 đến năm 2019 trong lĩnh vực phát triển đô thị thích ứng, bền vững và thoát nước, chống ngập đô thị.
 
Tiến sĩ Tim McGrath, Giám đốc Chương trình, cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực nhân rộng những kết quả chính của Chương trình tại tất cả các địa phương vùng ÐBSCL, bao gồm áp dụng mô hình thoát nước mưa theo hướng bền vững và xây dựng lộ trình giá dịch vụ thoát nước. Các tổ chức hợp tác cũng đang chuẩn bị cho giai đoạn mới của Chương trình, gồm các hợp phần hỗ trợ cấp Trung ương về chính sách nhà nước, cấp vùng về Hội đồng Ðiều phối vùng ÐBSCL và thực hiện quy hoạch vùng ÐBSCL; hỗ trợ ở cấp tỉnh về khung chính sách, quy định về quy hoạch tỉnh, dự án thí điểm về thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững…”. Theo Tiến sĩ Tim McGrath, chương trình mới sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ các bộ liên quan, Hội đồng điều phối vùng và các tỉnh, thành vùng ÐBSCL trong thực hiện hiệu quả quy hoạch vùng ÐBSCL, đặc biệt là phát triển đô thị bền vững.
 
 KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu