Thứ tư, 20/11/2019,07:33 (GMT+7)
Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới
Nhiều địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh phát triển du lịch, gắn dịch vụ lưu trú với tham quan các xóm nghề, vườn cây ăn trái… góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời 2 mục tiêu chính trị quan trọng là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững.

Với mặt tiền hướng ra sông Hậu thơ mộng, nhiều đơn vị đang đầu tư du lịch tại TX Bình Minh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập người dân xã nông thôn mới.

Với mặt tiền hướng ra sông Hậu thơ mộng, nhiều đơn vị đang đầu tư du lịch tại TX Bình Minh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập người dân xã nông thôn mới.

“Đến Bình Minh ngắm hoàng hôn”

Để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân nông thôn, TX Bình Minh đang đa dạng hóa ngành nghề sản xuất- kinh doanh dịch vụ, trong đó phát triển du lịch là hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, khai thác giá trị khác biệt của nông nghiệp- nông thôn.

Tọa lạc tại xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh), Bình Minh Ecolodge tuy mới hoạt động vào đầu tháng 10/2019 nhưng đã tạo được sức hút bởi không gian mát mẻ gắn với vẻ đẹp miệt vườn. Khẩu hiệu tiếp thị “Đến Bình Minh ngắm hoàng hôn”- quả thật đúng như nghĩa đen. Nằm cặp bờ sông Hậu, nơi đây có khung cảnh rất đẹp khi hoàng hôn buông xuống.

Gắn với dịch vụ lưu trú, Bình Minh Ecolodge hướng đến những sản phẩm đặc trưng của tự nhiên.

Gắn với dịch vụ lưu trú, Bình Minh Ecolodge hướng đến những sản phẩm đặc trưng của tự nhiên.

Điểm lưu trú này còn kết nối với người dân địa phương mở rộng thêm các dịch vụ đạp xe đạp trên những con đường làng, tham quan vườn bưởi và các xóm nghề: làm tàu hủ ky, làm nhang, làm lu chứa nước truyền thống…

Ngoài tận hưởng vẻ đẹp thanh bình trong không gian miệt vườn, du khách còn được thưởng thức những món ăn đậm chất quê chế biến từ tàu hủ ky hay canh chua, cá kho, rau luộc…

“Đây không phải là những món sang trọng nhưng mang hơi thở miền quê”- anh Hà Trí Cao- Giám đốc Bình Minh Ecolodge- nói và cho biết thêm: “Nhiều du khách sau khi đến đây đã có phản hồi tích cực. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục đầu tư và làm tốt hơn nữa”.

Cùng tọa lạc tại xã Mỹ Hòa, Khu du lịch nghỉ dưỡng Sông Taa với vị trí thuận lợi, mặt tiền sông Hậu thơ mộng, hứa hẹn là điểm nghỉ dưỡng sinh thái lý tưởng của du khách.

Bà Huỳnh Thị Út- Phó Giám đốc Công ty Du lịch nghỉ dưỡng Sông Taa- cho biết: “Hiện, chúng tôi chờ làm xong thủ tục, giấy tờ sẽ đi vào hoạt động. Chúng tôi sẽ làm cầu nối cho một số nhà vườn quanh vùng, giới thiệu sản phẩm nhà vườn tại chỗ đến du khách”.

Qua khảo sát thực tế, ông Lê Quang Đạo- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh- đã lưu ý các đơn vị chú trọng đầu tư phát triển du lịch theo đúng định hướng, đúng quy hoạch của tỉnh và của địa phương. Đồng thời, đề nghị địa phương hỗ trợ về cấp phép để Khu du lịch nghỉ dưỡng Sông Taa sớm đi vào hoạt động.

Cần người “nhạc trưởng”

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, hệ thống sông rạch tạo sự phong phú về cảnh quan, 4 xã cù lao của huyện Long Hồ, gồm: An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú, Bình Hòa Phước đang là điểm đến hấp dẫn. Đây là vùng chuyên canh cây ăn trái quanh năm với nhiều chủng loại, cộng thêm khí hậu mát mẻ, trong lành, thuận lợi cho du khách tham quan và nghỉ dưỡng.

Nắm bắt được lợi thế đó, chị Phạm Thị Ngọc Trinh (xã Hòa Ninh) đã xây dựng mô hình du lịch homestay trên mảnh đất tổ tiên để lại.

Hình ảnh đặc trưng của cơ sở Út Trinh homestay là ngôi nhà ba gian xưa, mái ngói và nền lót gạch tàu, xung quanh có nhiều cây xanh, tạo sự mát mẻ, không gian yên tĩnh đậm chất miệt vườn. Đến đây, du khách có thể cùng tham gia chế biến món ăn Nam Bộ với chủ nhà như: canh chua, cá kho tộ, cá lóc nướng trui, chả giò, cá tai tượng chiên xù,…

Phát triển du lịch sẽ tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn.

Phát triển du lịch sẽ tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn.

Theo ông Võ Trung Sơn- Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Long Hồ, 2 loại hình du lịch chủ yếu ở các xã cù lao là nhà có phòng cho thuê (homestay) và du lịch tham quan vườn cây ăn trái kết hợp tát mương bắt cá. Trong đó, homestay là loại hình du lịch ra đời khá sớm và đạt được thành tựu lâu dài, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.

Đi đôi với sự phát triển ngành du lịch vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, hệ thống giao thông đầu tư chưa hoàn thiện, nhiều tuyến đường thủy đang bị bồi lắng, gây khó khăn trong đưa rước khách tham quan và dịch vụ chèo đò khi nước cạn.

Mặt khác, các cơ sở dịch vụ du lịch còn đơn lẻ, chưa có sự liên kết, phối hợp trong hoạt động nhằm tạo thế mạnh vững chắc và hình thành thương hiệu chung, uy tín và đủ mạnh để cạnh tranh trên thương trường. Một nguyên nhân khác là tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá thương hiệu vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, đôi khi trùng lặp sản phẩm.

Út Trinh homestay đã tận dụng lợi thế sẵn có ở quê nhà để phát triển du lịch.

Út Trinh homestay đã tận dụng lợi thế sẵn có ở quê nhà để phát triển du lịch.

Chị Phạm Thị Ngọc Trinh cho rằng, du khách nước ngoài rất thích trải nghiệm du lịch miệt vườn nhưng nếu không được đầu tư bài bản thì rất khó cạnh tranh trong điều kiện hiện nay, nhất là loại hình homestay đang khá phổ biến ở ĐBSCL.

Chẳng hạn như bến bãi đậu xe, neo tàu thuyền, hệ thống nhà vệ sinh… đang rất thiếu nên cần phải đầu tư ngay. Tiếp đến là sự liên kết giữa các cơ sở du lịch homestay và các điểm tham quan cũng là yếu tố hết sức quan trọng để du khách có thể trải nghiệm trọn vẹn đặc sản sẵn có của mỗi địa phương.

Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng NTM bền vững, đồng thời NTM là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Song, tỉnh Vĩnh Long rất cần người “nhạc trưởng” để đưa du lịch nông thôn phát triển bền vững và bài bản.

Huyện Long Hồ hiện có 20 cơ sở lưu trú- du lịch, 6 khách sạn chuẩn 1 sao, 2 cơ sở truyền thống phục vụ khách tham quan, 5 cơ sở kinh doanh ăn uống du lịch và gần 30 điểm tham quan vườn cây ăn trái. Ước tính cả năm 2019, Long Hồ sẽ đón trên 380.000 lượt khách du lịch, trong đó có hơn 88.000 lượt khách quốc tế, mang về nguồn thu hơn 38 tỷ đồng và tăng hơn 11% so năm trước.

Bài, ảnh: Nguyễn Xuân -Nguyễn Thịnh - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu