Thứ hai, 03/08/2020,10:32 (GMT+7)
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nằm ở trung tâm ĐBSCL, Vĩnh Long được bao bọc bởi 2 dòng sông Tiền, sông Hậu đầy ắp phù sa và là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong vùng. Lợi thế địa lý cùng nguồn tài nguyên du lịch phong phú được xác định là tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đây chính là nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2015- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Hiện thực hóa quyết sách trên, thời gian qua Vĩnh Long tăng cường các nguồn lực phát triển du lịch và xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây cũng là thách thức đặt ra để phát triển du lịch, góp phần đưa Vĩnh Long trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện trong mắt du khách.
 
Kỳ 1: Kỳ vọng ngành du lịch sớm phục hồi
Điểm du lịch Coco Riverside Lodge (xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) cũng là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho những ai muốn tận hưởng không gian yên bình.
Điểm du lịch Coco Riverside Lodge (xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) cũng là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho những ai muốn tận hưởng không gian yên bình.
 
Ngay sau thời điểm dịch COVID-19 trong nước được kiểm soát, ngành chức năng cũng như các đơn vị kinh doanh du lịch đã gấp rút thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch nội địa.
 
Nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du dịch
 
Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2015- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhấn mạnh lợi thế của Vĩnh Long khi có nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Trong đó, tài nguyên du lịch tự nhiên gồm hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt và khí hậu ôn hòa- thích hợp khai thác phát triển du lịch cảnh quan sông nước miệt vườn, nhất là tại các xã cù lao trên sông Tiền và sông Hậu.
 
Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch nhân văn cũng khá đa dạng khi tỉnh hiện còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử văn hóa cách mạng, các làng nghề truyền thống... Do đó, xác định hướng phát triển du lịch của tỉnh là du lịch sinh thái sông nước kết hợp tham quan các di tích lịch sử văn hóa cách mạng và tâm linh, danh nhân, các làng nghề và du lịch nghỉ dưỡng.
 
Theo Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, năm 2019, Vĩnh Long đón khoảng 1,5 triệu lượt khách du lịch (tăng 15% so năm trước), doanh thu ước đạt 525 tỷ đồng (tăng 54%). Trong đó, khách quốc tế là 215.000 lượt, khách nội địa đa phần đến từ TP Hồ Chí Minh.
 
Để phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách, các đơn vị kinh doanh du lịch cũng có mặt hầu khắp ở các địa phương.
 
Nổi bật như các điểm du lịch Mekong Riverside, Homestay Phương Thảo (xã An Bình), Homestay Út Trinh và CocoHome (xã Hòa Ninh- Long Hồ); các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống như cơ sở sản xuất tàu hủ ky (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh), Làng nghề sản xuất bánh tráng Cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn); các điểm du lịch văn hóa- lịch sử và danh nhân như Văn Thánh miếu (Phường 4- TP Vĩnh Long), Khu di tích thân sinh danh thần Thoại Ngọc Hầu (xã Thanh Bình- Vũng Liêm)…
 
Kết nối vào tuyến du lịch của vùng với slogan “Vĩnh Long- Đệ nhất Homestay”, du lịch sinh thái miệt vườn với loại hình lưu trú homestay tiếp tục được đầu tư mở rộng, tập trung chủ yếu tại 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ- địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh. Đến với các homestay, du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên và trở thành thành viên trong gia đình để cùng khám phá những nét văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán của người dân địa phương.
 
Đến tham quan điểm du lịch CocoHome (xã Hòa Ninh- Long Hồ) cùng gia đình, du khách Nguyễn Thị Hồng (đến từ TP Hồ Chí Minh) thích thú chia sẻ: “Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, tôi cảm thấy thư thả khi đến miệt vườn sông nước cù lao. Được nghe đờn ca tài tử, biết cách làm cốm, kẹo dừa và các loại bánh dân gian Nam Bộ… Những trải nghiệm này giúp tôi hiểu thêm, trân trọng hơn về cuộc sống của người dân miền Tây”.
 
Đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa
 
Do chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nên lượng khách du lịch đến Vĩnh Long 6 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, chỉ đạt trên 320.000 lượt (giảm 58%) với doanh thu khoảng 136 tỷ đồng (giảm hơn 43%).
 
Sau khi dịch COVID-19 trong nước được kiểm soát tốt, trong tháng 5 và tháng 6/2020, Vĩnh Long cũng chỉ đón khoảng 24.600 lượt khách du lịch nội địa (giảm đến 89% so với cùng kỳ năm 2019), doanh thu đạt 21,5 tỷ đồng (giảm 75% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, tín hiệu phấn khởi là lượng khách du lịch nội địa đến tỉnh tham quan đã có chiều hướng tăng trở lại.
 
Để phục hồi ngành du lịch sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã triển khai thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ cũng như các hoạt động nhằm kích cầu du lịch nội địa.
 
Theo đó, tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ quảng bá, xúc tiến du lịch cho các cơ sở thông qua nhiều kênh thông tin. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh về việc thực hiện kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh- thành ở ĐBSCL và tổ chức ngày hội du lịch tỉnh Vĩnh Long lần 2 trong năm 2020.
Đoàn làm việc của Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại điểm du lịch Vĩnh Long Nature Resort (Long Hồ).
Đoàn làm việc của Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại điểm du lịch Vĩnh Long Nature Resort (Long Hồ).
 
Ông Nguyễn Trọng Tín- Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh) cho biết, tại buổi họp mặt kỷ niệm 60 năm ngành du lịch Việt Nam vừa qua, ngành du lịch đã phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm kêu gọi sự chung tay từ các doanh nghiệp du lịch để sớm khôi phục thị trường du lịch trong tỉnh, hướng đến mục tiêu kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện để du khách đến tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch trong bối cảnh bình thường mới sau dịch COVID-19.
 
Hưởng ứng phát động trên, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã đưa ra các chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn. Theo một số công ty du lịch, trước đây họ chủ yếu khai thác thị trường khách quốc tế nên thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã gặp phải nhiều khó khăn do vắng khách.
 
Sau khi ngưng thực hiện giãn cách xã hội, các cơ sở đã chuyển sang xây dựng sản phẩm du lịch mới và nhiều chương trình khuyến mãi phục vụ du khách nội địa như giảm giá phòng lưu trú du lịch, giảm giá tour, vé tham quan. Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng việc nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của các dịch vụ du lịch với mục tiêu giá giảm nhưng chất lượng không giảm.
 
Đầu tư hơn 4 tỷ đồng để mở rộng Vĩnh Long Nature Resort với 18 phòng đạt chuẩn cùng khuôn viên rộng rãi, ông Lê Hồng Phú- chủ cơ sở- cho biết: “Đúc kết kinh nghiệm làm du lịch hơn 20 năm nay, hiện chúng tôi đã tạo được mối quan hệ liên kết hơn 100 đối tác trên cả nước.
 
Sau khi Phương Thảo Homestay hoạt động hiệu quả, Vĩnh Long Nature Resort được đầu tư xây dựng để nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm kích cầu du lịch địa phương cũng như đảm bảo nhu cầu du lịch cho du khách trong và ngoài nước.
 
Bài, ảnh: PHONG NGA - (baovinhlong.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu