Chủ nhật, 11/07/2021,09:24 (GMT+7)
Phát triển hợp tác quốc tế ở các trường cao đẳng
Hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT) của khối trường cao đẳng (CĐ) tại TP Cần Thơ hiện nay cho thấy sự chủ động, đa dạng trong hình thức và nội dung hợp tác. Một số đơn vị đã tạo dấu ấn HTQT trong triển khai các dự án, chương trình đào tạo; từ đó nâng cao uy tín, vị thế của trường, tạo thuận lợi trong tuyển sinh.
Cơ hội học tập, làm việc tại nước ngoài
Dự án WINDY tạo dấu ấn HTQT của Trường CĐYT Cần Thơ. Trong ảnh: Một cuộc thi sáng tạo kỹ thuật trong học sinh phổ thông, thuộc khuôn khổ dự án WINDY.
 
Những năm gần đây, CHLB Đức và Nhật Bản đã ký các thỏa thuận hợp tác với Việt Nam trong việc tuyển chọn, đào tạo và đưa Điều dưỡng viên Việt Nam sang Đức, Nhật Bản học tập và làm việc. Nhanh nhạy nắm bắt xu thế này, từ năm 2017 Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) Cần Thơ đã phối hợp với Công ty Cổ phần Dịch vụ Hợp tác quốc tế (Công ty CICS) và Tập đoàn Bệnh viện Nara Higashi (Nhật Bản) tổ chức đào tạo tiếng Nhật miễn phí cho sinh viên (SV). Trường hiện đã có 16 SV đã tốt nghiệp đang làm việc tại Tập đoàn Bệnh viện Nara Higashi, mở được 2 lớp tiếng Nhật N4 và N3. Đây là một trong hoạt động HTQT nổi bật tại trường.
 
Theo cô Diệp Thị Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Quan hệ hợp tác và Nghiên cứu Phát triển, Trường CĐYT Cần Thơ, nắm bắt xu thế phát triển của xã hội và quy luật cung - cầu, bên cạnh việc đẩy mạnh chất lượng chuyên môn, nhà trường đã chú trọng bồi dưỡng thêm kỹ năng ngoại ngữ cho SV. Dự kiến, trường tiếp tục mở thêm các lớp tiếng Nhật cho SV có nhu cầu và định hướng làm thực tập sinh tại Nhật Bản. SV có thể tham gia chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản thông qua Công ty CICS. Cô Diệp Thị Thu Thủy cho biết, qua cuộc họp đánh giá trực tuyến giữa trường và phía đối tác, có sự tham dự của thực tập sinh, các SV rất phấn khởi vì được các y, bác sĩ Bệnh viện Nara Higashi hỗ trợ trong chuyên môn, được tiêm vaccine phòng COVID-19…
 
Cô Lê Thị Kim Phụng, chuyên viên Phòng Quan hệ hợp tác và Nghiên cứu Phát triển của trường, thông tin thêm: Thực tập sinh hộ lý, điều dưỡng hưởng mức hỗ trợ bình quân khoảng 30 triệu đồng/tháng. Mức này có thể thấp hơn một ít so với nhân viên y tế sở tại, song các chế độ, quyền lợi của thực tập sinh giống nhau. SV thi đạt tiếng Nhật (N4 và N3), cộng thêm tay nghề ngành Điều dưỡng đạt yêu cầu Nhật, có khả năng lưu trú lâu hơn vì thời gian bình quân thực tập sinh khoảng 3-5 năm. “Quan trọng nhất là SV được thụ hưởng nền học thuật, chuyên môn của các nước tiên tiến. Về lâu dài, những SV này là hạt nhân - nguồn nhân lực chất lượng trong công tác chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam”, cô Lê Thị Kim Phụng nhấn mạnh.
 
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc học tập, xuất khẩu lao động đã thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh (HS), SV ở ĐBSCL. Nắm bắt nhu cầu này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là khối trường CĐ ở TP Cần Thơ đã đa dạng hóa ngành nghề, hợp tác đào tạo với đối tác ngoài nước hay mở các khóa học ngoại ngữ... giúp HSSV tăng cường năng lực, đủ điều kiện sang nước ngoài học tập, lao động sản xuất. Từ năm 2017, Trường CĐ Nghề Cần Thơ đã liên kết với Học viện Chisholm (Úc) đào tạo thí điểm 2 nghề cấp độ quốc tế: Quản trị máy tính và Ứng dụng phần mềm, đã có 25 SV ra trường với tỷ lệ có việc làm trên 90%; đủ năng lực làm việc thị trường lao động nước ngoài. Hiện trường tiếp tục mở rộng liên kết với CHLB Ðức, Hàn Quốc, Anh... đào tạo nhiều ngành nghề có nhu cầu cao trong lĩnh vực Kỹ thuật, Cơ khí, Công nghệ...
 
Nỗ lực chung
 
HTQT trong nghiên cứu khoa học, đào tạo ở các trường CĐ hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo TS Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là các trường và đơn vị nước ngoài muốn tìm đối tác sẽ ưu tiên trường đại học. Dù vậy, việc đẩy mạnh liên kết với các đối tác nước ngoài là xu thế tất yếu, trong đó khối trường CĐ không thể đứng ngoài cuộc. Bởi muốn cạnh tranh bền vững thì phải đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập.
 
Thời gian qua, Trường CĐ Cần Thơ đã có một số hoạt động kết nối với một số đối tác nước ngoài, như hội nghị, hội thảo, tọa đàm quốc tế về phương pháp giảng dạy; phối hợp với Fulbright tổ chức đưa tình nguyện viên giảng dạy ngoại ngữ, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho SV. Trong 5 năm (2015-2020), HTQT trong nghiên cứu khoa học tại trường ghi nhận những bước phát triển. Trong số các đề tài, sáng kiến, đã có 134 bài báo khoa học của cán bộ, giảng viên được đăng trong nước và quốc tế có chỉ số ISSN, 305 đề tài khóa luận tốt nghiệp SV được công nhận; ký kết hợp tác dự án quốc tế với Công ty Revo International Nhật Bản về nghiên cứu trồng cây Jatropha làm nguyên liệu sản xuất dầu sinh học…
 
Tại Trường CĐYT Cần Thơ, một HTQT nổi bật nữa của trường là Dự án WINDY hợp tác với Trung tâm Sức khỏe và An toàn Lao động Tokyo (Nhật Bản) và các trường THPT ở Cần Thơ thực hiện. Dự án ban đầu được thử nghiệm 3 năm (2011-2013) tại Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng, huyện Cờ Đỏ. Dự án này ứng dụng nguyên lý của phương pháp giáo dục hành động và hợp tác, có sự tham gia của cộng đồng, với mục đích hướng học sinh phổ thông chủ động bảo vệ môi trường sống lành mạnh, bền vững. Hiện dự án đã lan tỏa, mở rộng đến 100% trường trung học tại TP Cần Thơ. Theo cô Diệp Thị Thu Thủy, từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước phần nào gặp khó khăn. Dù vậy, nhà trường đã làm việc một số tổ chức, cá nhân ngoài nước về hoạt động và chương trình tư vấn du học; chương trình thực tập sinh; tìm kiếm cơ hội hợp tác trong đào tạo thêm ngoại ngữ và giới thiệu cơ hội việc làm cho SV…  Cô Diệp Thị Thu Thủy nói thêm: “Trường có định hướng tiếp tục hợp tác các đối tác Nhật Bản để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình thực tập sinh. Việc hợp tác này rất có ý nghĩa, giúp nhà trường nâng cao năng lực đào tạo, Công ty CICS có nguồn lao động phù hợp, SV có thêm cơ hội học tập và làm việc”.
 
***
Định hướng đến năm 2025, TP Cần Thơ tiếp tục tăng cường huy động các nguồn lực xã hội nhằm thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo. Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Nhiều trường CĐ ở Cần Thơ góp phần thực hiện nhiệm vụ trên bằng cách tăng cường HTQT trong đào tạo, nghiên cứu khoa học. Nhiều đơn vị đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên để xây dựng các ngành nghề đạt chuẩn quốc tế. Lúc đầu triển khai gặp không ít khó khăn, như trình độ ngoại ngữ của giảng viên còn hạn chế hay năng lực ngoại ngữ của người học không đồng đều; môi trường giao tiếp ngoại ngữ (nhất là tiếng Nhật, tiếng Hàn) ở Cần Thơ chưa phổ biến... Song với nỗ lực chung của tập thể giảng viên và HSSV, các trường CĐ ở Cần Thơ đã phát triển một số chương trình đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế, vừa nâng cao năng lực người học đáp ứng thị trường lao động trong ngoài nước, vừa nâng cao vị thế của trường.
 
Bài, ảnh: NG.NGÂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu