Thứ hai, 25/05/2020,10:32 (GMT+7)
Phát triển kỹ thuật chuyên sâu, chăm sóc tốt sức khỏe người dân
“Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban giám đốc Sở Y tế, ngành y tế TPHCM đã đạt được một số thành quả khích lệ, như sự chủ động tham mưu các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả”. Đồng chí Trần Văn Xồi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Sở Y tế TPHCM, đánh giá tóm tắt về hoạt động ngành y tế thành phố trong giai đoạn 2015-2020.
Dồn sức kiểm soát dịch bện
 
Từ tháng 10-2019, Đảng ủy Sở Y tế TPHCM chuẩn bị và đã tổ chức đại hội tại 39 chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc, để đảm bảo tiến độ tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Sở Y tế TPHCM - là đại hội điểm khối sở ngành. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, kế hoạch tổ chức đại hội của một số đảng bộ phải tạm hoãn. Thời gian qua, ngành y tế TPHCM tập trung thực hiện công tác chuyên môn phòng chống dịch Covid-19 nên việc tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Sở Y tế lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025, phải lùi và không tổ chức đại hội điểm.
 
Mặc dù vậy, đồng chí Trần Văn Xồi khẳng định, Đảng ủy Sở Y tế đã thực hiện các bước chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ Sở Y tế nhiệm kỳ mới. “Qua đó, chúng tôi nhận thấy, trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban giám đốc sở, ngành y tế thành phố đạt được một số thành quả khích lệ”, đồng chí Trần Văn Xồi thông tin.
 
Điều dễ nhận thấy là từ sự nỗ lực của ngành trong tham mưu, đã góp phần kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm và không để phát sinh những dịch bệnh lớn trên địa bàn. “Đặc biệt, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 đã được kiểm soát, giám sát chặt chẽ”, đồng chí Trần Văn Xồi dẫn chứng. Cùng với đó, các loại dịch bệnh theo mùa (sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi) được khống chế. Các ca bệnh thông báo được ghi nhận kịp thời, điều tra, khoanh vùng và xử lý dịch tại địa phương.
 
Kết quả trên đến từ nhiều nguyên nhân, như chủ động trong dự báo và phòng chống, thông qua việc cải tiến cách phân loại các điểm nguy cơ và ứng dụng phần mềm GIS vào quản lý, xác định chính xác các điểm nguy cơ. Từ đó, công tác thông tin, giám sát và can thiệp được xuyên suốt đến từng khu phố ấp, gắn kết chặt chẽ giữa điều trị và dự phòng, đảm bảo thông tin kịp thời ca bệnh nhập viện hàng ngày đến từng địa phương.
 
Phát triển kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm khu vực
 
Theo đồng chí Trần Văn Xồi, thời gian qua ngành y tế TPHCM phát triển đồng bộ hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn theo định hướng: phát triển chuyên khoa sâu tại các bệnh viện (BV) thành phố - tuyến cuối của TPHCM và khu vực phía Nam. Qua đó, nhiều BV đầu tư phát triển kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm khu vực. Chẳng hạn, BV Bình Dân phẫu thuật nội soi bằng robot Da Vinci, BV Nhân dân 115 phẫu thuật ngoại thần kinh bằng robot ModusV Synaptivet thành công, BV Truyền máu - Huyết học ứng dụng ghép tế bào gốc điều trị bệnh về máu, BV Từ Dũ lập ngân hàng sữa mẹ, hoặc BV Quận Thủ Đức là BV tuyến quận huyện đầu tiên trên cả nước phẫu thuật tim hở thành công... 
Phát triển kỹ thuật chuyên sâu, chăm sóc tốt sức khỏe người dân ảnh 1
Một ca phẫu thuật bằng robot tại Bệnh viện Bình Dân, TPHCM. Ảnh: THÀNH AN
 
Cùng với đó, ngành triển khai nhiều giải pháp giảm tải các BV thành phố, nhất là mô hình hỗ trợ toàn diện giúp BV các quận huyện hoạt động tốt hơn. Qua đó, nhân dân tin tưởng đến khám chữa bệnh, thể hiện rõ ở hiện tượng quá tải đã xuất hiện tại một số BV quận huyện.
 
Những kết quả khích lệ nêu trên, cùng với việc Sở Y tế triển khai thí điểm mô hình Trung tâm điều hành y tế thông minh (đầu tiên cả nước) là tiền đề quan trọng trong việc phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe người dân thành phố tốt hơn. Song, đồng chí Trần Văn Xồi cũng phân tích về những khó khăn và thách thức trong thời gian tới, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đó là tình hình dịch bệnh mới nổi, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí.
 
Do đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ Sở Y tế sẽ xác định rõ những định hướng quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội sẽ thảo luận những mục tiêu, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo để đảm bảo sự chủ động trong phòng dịch, khống chế dịch bệnh hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng, cũng như tăng cường quản lý bệnh không lây nhiễm.
 
Một mục tiêu nữa là phát triển và nâng cao năng lực y tế cơ sở trong hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, đảm bảo độ bao phủ chăm sóc sức khỏe của người dân, hướng đến mỗi người dân đều có một hồ sơ sức khỏe điện tử. Ngành y tế TPHCM sẽ tiếp tục phát triển kỹ thuật chuyên sâu và phấn đấu trở thành trung tâm y tế chuyên sâu cho cả khu vực. Điều này sẽ rất có ý nghĩa trong giai đoạn tới. Bởi vì khi kinh tế phát triển, thu nhập tăng, nếu TPHCM chưa hình thành trung tâm y tế kỹ thuật cao ngang tầm các nước khu vực thì người dân vẫn tiếp tục ra nước ngoài khám chữa bệnh.
 
Trong giai đoạn 2015-2020, ngành y tế TPHCM thực hiện 95 dự án xây mới, cải tạo, mua sắm trang thiết bị. Trong 56 dự án hoàn thành, nhiều BV và trung tâm y tế khang trang đi vào hoạt động như BV Hùng Vương, BV Từ Dũ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP… Đối với 39 dự án đang triển khai, có nhiều công trình BV mới được khởi công như BV Truyền máu - Huyết học, Trung tâm Xét nghiệm Y khoa (thuộc Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), nổi bật là BV Nhi đồng TP theo tiêu chuẩn quốc tế và BV Ung bướu cơ sở 2 (dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2020).
KIỀU PHONG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu