Thứ năm, 26/11/2020,08:27 (GMT+7)
Phát triển thủy sản - trọng tâm mới của nông nghiệp ĐBSCL
Phát triển thủy sản được coi là trọng tâm mới của nông nghiệp ở vùng ĐBSCL, nhưng rủi ro lớn do ô nhiễm và đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn nếu muốn đảm bảo kỹ thuật, bảo vệ môi trường.
 
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (vùng ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch, nhằm sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho khu vực này. Muốn quy hoạch này trở thành hiện thực, "không treo", thì cần đặt mục tiêu đúng, giải pháp đúng, nguồn lực đúng và xác định nhiệm vụ đúng với các bên có liên quan.
 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, là vùng đồng bằng trù phú nhưng chưa bao giờ ĐBSCL đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Gần đây, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu đã gây sức ép lên hệ thống hạ tầng, các đô thị và không gian sống của người dân ĐBSCL, làm tăng nguy cơ thảm họa thiên nhiên tại khu vực này.
 
Mô hình nuôi tôm sạch tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: Huy Sơn/VOV-TPHCM)
 
Quy hoạch này cũng đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề mất cân đối chính trong phát triển vùng ĐBSCL, bao gồm: Việc cân đối an ninh lương thực và đất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu; việc chuyển đổi kết cấu hạ tầng để phù hợp với chuyển đổi mô hình phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
 
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, còn một số điểm chưa được thống nhất trong quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm: việc xác định vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL; phương án phân tiểu vùng; về việc giảm đất trồng lúa; về phát triển thủy sản; về các trung tâm đầu mối; về định hướng phát triển đô thị.
 
Để xây dựng nội dung quy hoạch, Bộ KH&ĐT đã tổ chức nhiều hội thảo, các cuộc họp chính thức với Bộ, ngành, địa phương trong vùng ĐBSCL và nhiều hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia trong nước, quốc tế. Trong đó có 3 hội thảo chuyên đề (Về tài nguyên nước; Phân vùng phát triển của ĐBSCL; Kết cấu hạ tầng ĐBSCL). Đây là những hội thảo khung định hướng chung phát triển ĐBSCL, để hình dung hướng đi và mục tiêu chiến lược của vùng ĐBSCL trong thời gian tới - Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin.
 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (Ảnh: MPI)
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (Ảnh: MPI)
 
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cố gắng, nỗ lực tối đa để trình Thủ tướng Chính phủ bản Quy hoạch này trong tháng 12/2020.
 
"Hài hòa cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; các vấn đề đô thị, con người, hạ tầng, nguồn nhân lực… đều phải được đặt ra trong quy hoạch, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài, thích ứng với biến đổi khí hậu", ông Trần Quốc Phương nêu rõ.
 
Để bảo đảm thực hiện quy hoạch hiệu quả trên thực tế, Thứ trưởng nhấn mạnh, cần xác định mục tiêu đúng, giải pháp đúng, nguồn lực đúng và nhiệm vụ đúng với các bên có liên quan. “Chúng tôi đang cố gắng để có một bản quy hoạch đáp ứng các mục tiêu này, quan trọng là cần thống nhất với địa phương về các nhiệm vụ cụ thể, nếu không thì rất khó”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết và nêu ví dụ, theo quy hoạch của vùng phải có các khu xử lý rác thải tập trung, vậy đặt ở đâu, hay như một số ý kiến nói là “tỉnh nào lo tỉnh ấy”? Hoặc việc cấp nước ngọt cho các vùng mặn, vậy công trình cấp nước đặt ở đâu, ai đầu tư, giá nước thế nào?
 
Tư tưởng chủ đạo của Quy hoạch này là lấy vấn đề quản lý tài nguyên nước làm nền tảng, quản lý tài nguyên nước là gốc, với việc xác định tài nguyên nước trong thời gian tới sẽ hạn hẹp. Từ đó, quy hoạch lựa chọn phân án phân vùng theo nước, đó là vùng ngọt, vùng lợ, vùng mặn, trong đó vùng lợ là vùng khó nhất trong quy hoạch vì tính chất động, thay đổi liên tục của vùng nước này. Từ đó, hình thành cơ cấu kinh tế phù hợp cho các vùng. 
 
Một trong những điểm mới trong dự thảo quy hoạch vùng ĐBSCL là phương án phân tiểu vùng sinh thái nông nghiệp. Thay cho việc phân tiểu vùng chỉ dựa trên 2 vùng chính là vùng ngọt và vùng mặn trong các quy hoạch trước đây, việc phân tiểu vùng theo dự thảo quy hoạch mới đã được điểu chỉnh theo hướng coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên bên cạnh nước ngọt phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 120.
 
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, thuỷ sản gần đây được coi là trọng tâm mới của nông nghiệp ở vùng ĐBSCL, nhưng rủi ro rất lớn do ô nhiễm và đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn nếu muốn đảm bảo kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, khả năng cung cấp hạ tầng nước phục vụ thuỷ sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa khô. Thay cho việc đề cao thủy sản, định hướng phát vùng ĐBSCL thời kỳ tới chú trọng phát triển lĩnh vực rau, hoa, màu, trái cây và chăn nuôi, xem đây là những lĩnh vực có là tiềm năng lớn do đa dạng về sản phẩm, công nghệ, nuôi trồng, chế biến và ít phụ thuộc vào tài nguyên hơn, đặc biệt là tài nguyên đất và nước. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều địa phương trong vùng đang muốn phát triển thủy sản. "Do đó, đây cũng là một nội dung được thảo luận làm rõ thêm", ông Trần Quốc Phương lưu ý.
 
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển Vùng ĐBSCL đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước./.
 
Trần Ngọc/VOV.VN
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu