Thứ năm, 15/08/2019,09:02 (GMT+7)
Phó Thủ tướng Thường trực làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ
Chiều 14/8, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ về nội dung này.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu quán triệt cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Việc tổng kết Chỉ thị số 39-CT/TW tại thời điểm này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Trung ương cũng đang tiến hành tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tiến hành sơ kết 05 năm thực hiện Hiến pháp năm 2013, đặc biệt đối với Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ - cơ quan tham mưu trực tiếp thực hiện nhiều nội dung của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, Bộ Nội vụ là cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cải cách hành chính, bên cạnh việc Bộ cũng là cơ quan tham gia vào các hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp, quản lý các hội, quỹ, tổ chức phi chính phủ Việt Nam có các hoạt động hợp tác quốc tế. Để cuộc làm việc thực sự tập trung, đạt hiệu quả cao, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các đại biểu tập trung đi sâu thảo luận các vấn đề sau:

Thứ nhất, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ làm rõ những mặt làm được, chưa làm được, kể cả tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39 về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; việc cụ thể hóa các nội dung Chỉ thị số 39 giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước các hoạt động hợp tác với nước ngoài về cải cách hành chính; nhận thức của các cán bộ, Đảng viên Bộ Nội vụ đối với công tác này.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Thứ hai, có đánh giá, nhận diện và nêu được những tác động của hợp tác quốc tế đối với cải cách hành chính; những hạn chế, tồn tại và những rủi ro tiềm ẩn cần có những điều chỉnh và biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế tác động, can thiệp vào việc Việt Nam quyết định thể chế, chính sách, pháp luật thông qua hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cải cách hành chính. Từ góc độ quản lý các hội, tổ chức phi chính phủ Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ cần có đánh giá về hợp tác quốc tế của các tổ chức này trong xây dựng, phản biện chính sách…

Thứ ba, từ thực tiễn trên, có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39 của Ban Bí thư, có kiến nghị với cấp có thẩm quyền về nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục đưa công tác hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong thời gian tới đi đúng quỹ đạo, bám sát các nguyên tắc định hướng của Đảng, vừa bảo đảm yêu cầu công tác bảo vệ an ninh, chính trị, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Theo Bộ Nội vụ, các dự án hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của cộng đồng các nhà tài trợ đã và đang thực hiện tại Bộ Nội vụ đã góp phần không nhỏ vào quá trình cải cách hành chính nhà nước nói chung và cải cách chế độ công vụ, công chức nói riêng tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Nội vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản quy phạm pháp luật khác trong thẩm quyền chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ để trình Chính phủ hoặc Bộ Nội vụ ban hành.

Kết quả các dự án hợp tác quốc tế những năm qua về cải cách hành chính đã có tác động to lớn và tích cực cho các cơ quan Trung ương trong hoạch định chính sách và thực thi tại địa phương. Đặc biệt, việc xây dựng và áp dụng Bộ chỉ số cải cách hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương để theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện cải cách hành chính đã được coi là một bước đột phá, công cụ hữu ích cho việc đánh giá định lượng cải cách hành chính ở Việt Nam.

 Lê Sơn- (baochinhphu.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu