Thứ sáu, 04/09/2020,10:17 (GMT+7)
Phụ huynh hãy yên tâm với chương trình giáo dục phổ thông mới
Trước thềm năm học mới 2020-2021, nhiều bậc phụ huynh không tránh khỏi những băn khoăn, bởi đây là năm đầu tiên học sinh lớp 1 cả nước được học chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã kịp thời có những thông tin để phụ huynh trong tỉnh hiểu rõ, từ đó yên tâm và có những định hướng giúp học sinh tiếp cận tốt chương trình.
 
Sở GD&ĐT cho biết, đơn vị đã hướng dẫn chi tiết quy trình lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 sử dụng cho năm học 2020-2021 tại cơ sở giáo dục phổ thông. Đến đầu tháng 5-2020, các trường tiểu học đã hoàn thành công tác lựa chọn sách giáo khoa, Phòng GD&ĐT tổng hợp, báo cáo UBND huyện và Sở GD&ĐT về danh mục, số lượng sách giáo khoa của tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông đã lựa chọn, từ đó sở đã tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh số lượng sách giáo khoa của mỗi nhà xuất bản cần cung ứng, để bảo đảm có đầy đủ sách giáo khoa trước khi bắt đầu năm học mới. Có tất cả 327 trường tiểu học đã tiến hành lựa chọn 5 bộ sách giáo khoa theo quy định, trong đó bộ Chân trời sáng tạo và Cánh diều được lựa chọn nhiều nhất. Về tập huấn sách giáo khoa lớp 1 cho giáo viên, An Giang phối hợp Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức tập huấn xong 4 bộ sách, hình thức tập huấn kết hợp trực tiếp (từ ngày 17-7 đến 19-7-2020) và trực tuyến (từ ngày 17-7 đến 1-8-2020), có 299 cán bộ quản lý và 1.229 giáo viên tham gia tập huấn.
 
Về nội dung giáo dục ở lớp 1 có các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm; các môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, tiếng Anh, khuyến khích mở rộng việc dạy học tiếng Anh tự chọn ở lớp 1 (năm học 2020-2021 dự kiến có 184 trường, 722 lớp, 19.852 học sinh lớp 1 học tiếng Anh tự chọn). Ngoài nội dung các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, dành thời lượng (khoảng 20%) để các địa phương và nhà trường vận dụng, bổ sung những nội dung mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương và điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của đơn vị. Nội dung giáo dục địa phương được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm chính khóa theo đề xuất của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và góp phần thực hiện nhiệm vụ: “Ở cấp tiểu học, nội dung hoạt động trải nghiệm tập trung vào các hoạt động khám phá bản thân, hoạt động rèn luyện bản thân, hoạt động phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình...”.
 
Điều phụ huynh không cần lo lắng đối với chương trình giáo dục mới là không có thay đổi về chữ viết và cách phát âm so với chương trình hiện hành. Đổi mới ở đây là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Mục tiêu của thay đổi sách giáo khoa cũng như mục tiêu kỳ vọng đạt được trong năm học 2020-2021 là 327 trường tiểu học, với 1.281 lớp 1, 34.433 học sinh lớp 1 làm quen với chương trình giáo dục mới, đồng thời kế hoạch giáo dục của nhà trường sẽ được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt. Nhà trường chủ động xác định nội dung, hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng cho các nội dung dạy học trên cơ sở thực hiện đầy đủ nội dung, thời lượng các môn học bắt buộc theo quy định của chương trình, phù hợp đặc điểm, đối tượng học sinh, điều kiện nhà trường và địa phương; đảm bảo tính chủ động, linh hoạt của nhà trường trong xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục dạy học 2 buổi/ngày. Tuân thủ các nguyên tắc, phương pháp sư phạm nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác, phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học. Cụ thể, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần.
 
Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học luôn được ngành GD&ĐT quan tâm đầu tư. Nhiều đề án, dự án đã và đang đầu tư đều hướng đến mục tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa, đã góp phần nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của ngành, đảm bảo cơ bản cho công tác giảng dạy, dự kiến năm học 2020-2021, đảm bảo đủ phòng học triển khai lớp 1 dạy học 2 buổi/ngày. Với những nỗ lực của ngành GD&ĐT từ chuẩn bị sách giáo khoa, tập huấn về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất trường học phù hợp với chương trình giáo dục mới, hy vọng đây sẽ là làn gió mới giúp cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, theo kịp xu thế phát triển hiện đại mà khởi đầu là ở bậc học lớp 1 và hoàn thiện dần ở những năm học tiếp theo.
 
Bài, ảnh : NGỌC GIANG - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu