Chủ nhật, 05/06/2022,10:34 (GMT+7)
Phương Tây lo xung đột Nga - Ukraine kéo dài
Trong những tuần gần đây, các quan chức Mỹ thường xuyên gặp gỡ các đối tác Anh và châu Âu để thảo luận về khuôn khổ tiềm tàng của một lệnh ngừng bắn và chấm dứt xung đột Nga - Ukraine thông qua giải pháp thương lượng.
 
Đài CNN hôm 3-6 dẫn một số nguồn thạo tin cho biết thông tin trên, đồng thời nói thêm Ukraine không trực tiếp tham gia những cuộc thảo luận như thế.
 
Một chủ đề được thảo luận khuôn khổ gồm 4 điểm do Ý đề xuất hồi cuối tháng trước. Theo khuôn khổ này, Ukraine cam kết trung lập liên quan đến NATO để đổi lấy sự bảo đảm an ninh. Ngoài ra, Ukraine và Nga tiến hành thương thảo về tương lai của bán đảo Crimea và vùng Donbas.
 
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas Greenfield đầu tuần này nhận định Washington muốn thấy có những sáng kiến giúp khép lại cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó có đề xuất của Ý. Tuy nhiên, 2 quan chức Mỹ tiết lộ với đài CNN rằng Mỹ "thực sự không ủng hộ đề xuất của Ý".
 
Phương Tây lo xung đột Nga - Ukraine kéo dài - Ảnh 1.
Hai phái đoàn Nga và Ukraine tại cuộc đàm phán ở TP Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29-3-2022 Ảnh: REUTERS
 
Vào thời điểm chiến sự vẫn giằng co, giới chức Mỹ và phương Tây cho biết hiện có lo ngại lớn về nguy cơ xung đột có thể kéo dài trong nhiều năm nếu Nga và Ukraine không quay lại bàn đàm phán để tìm kiếm thỏa thuận.
Một kịch bản như thế không chỉ gây nhiều tổn thất mà còn khiến Washington gặp thách thức trong việc hỗ trợ quân sự, tài chính cho Kiev và tìm nguồn thay thế bền vững đối với dầu khí Nga.
 
Vấn đề là, theo giới chức NATO, Ukraine hiện "không mặn mà" với đàm phán, còn Nga cũng ít quan tâm đến chuyện đàm phán nghiêm túc. Lúc này, Kiev đang tập trung bảo đảm chiến thắng quân sự ở miền Đông và miền Nam nhằm chiếm ưu thế đàm phán, theo nguồn tin của đài CNN.
 
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 2-6 thừa nhận rất khó dự đoán cuộc chiến tại Ukraine sẽ đi theo hướng nào nhưng cho rằng hầu hết cuộc chiến "đều kết thúc ở một giai đoạn nào đó trên bàn đàm phán".
 
Trước mắt, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá khả năng hai bên sớm đạt đột phá ngoại giao hoặc nhất trí ngừng bắn là không cao. Dù vậy, các quan chức phương Tây lưu ý rằng Mỹ không thúc ép Ukraine nhường lãnh thổ cho Nga, cũng như tránh can dự trực tiếp vào tiến trình đàm phán giữa Kiev và Moscow. 
 
Những số liệu đáng lo
Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) hôm 3-6 cho biết giá lương thực thế giới tiếp tục giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 3. Cụ thể, chỉ số giá lương thực của FAO đạt mức trung bình 157,4 điểm trong tháng 5, giảm so với 158,3 điểm vào tháng 4. Tuy nhiên, chỉ số giá lương thực trong tháng rồi vẫn cao hơn 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do lo ngại về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Theo FAO, chỉ số giá thịt tăng lên mức cao nhất từ trước đến giờ trong lúc chỉ số giá ngũ cốc tăng 2,2%. FAO dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong vụ mùa năm 2022-2023 sẽ giảm 16 triệu tấn, xuống còn 2,784 tỉ tấn. Đây sẽ là lần giảm đầu tiên trong 4 năm.
Chưa hết, chỉ số giá lúa mì vào tháng rồi tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 56,2% so với cùng kỳ năm ngoái. FAO cho rằng nguyên nhân khiến giá lúa mì tăng mạnh đến từ lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ và nguy cơ giảm sản lượng tại Ukraine. Ngược lại, chỉ số giá dầu thực vật giảm 3,5% so với tháng 4, một phần do Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ.
Nhà kinh tế trưởng FAO Máximo Torero Cullen nhận định các lệnh hạn chế xuất khẩu có thể làm tăng nguy cơ biến động giá cả. Trong khi đó, ông Luca Russo, nhà phân tích trưởng của FAO về các cuộc khủng hoảng lương thực, nhận định với đài Al Jazeera rằng nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển. Theo ông Russo, nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài, 2023 có thể là một năm "rất nguy hiểm".
Xuân Mai
 
Phạm Nghĩa (nld.com.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu