Đây là diện tích rừng trên núi đá vôi đã giao cho Công ty cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng Cosevco 1 để khai thác vật liệu xây dựng. Vì thế, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan bàn phương án, bố trí nguồn kinh phí để đền bù thiệt hại cho Công ty cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng Cosevco 1 theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho doanh nghiệp trên.
Trước đó, trên khối núi đá vôi sát khu dân cư của hai xã Thạch Hóa và Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) xuất hiện một số con voọc đen gáy trắng sinh sống. Nhờ người dân bảo vệ tốt nên đàn voọc này sinh trưởng nhanh với số lượng hiện có là 23 đàn với 148 cá thể voọc. Cuối năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành quyết định quy hoạch ba loại rừng, trong đó chuyển nhiều diện tích rừng trên núi đá vôi ở huyện Tuyên Hóa có voọc sinh sống thành rừng đặc dụng để bảo vệ nghiêm ngặt loài linh trưởng quý này.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình Nguyễn Văn Long, việc cấm hoạt động khai thác khoáng sản và bổ sung 710 ha rừng đặc dụng ở xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa để bảo vệ loài voọc gáy trắng sẽ nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận của nhân dân địa phương trong việc tạo hành lang, môi trường sống an toàn cho đàn voọc quý, bảo vệ môi trường sinh thái.
“Quyết định này cũng là bước đi quan trọng trong việc tiến tới thành lập khu bảo tồn loài voọc đen Hà Tĩnh quý hiếm này tại huyện Tuyên Hóa”- ông Long nhấn mạnh.