Thứ sáu, 20/09/2019,11:42 (GMT+7)
Quảng Ninh: Kỳ lạ đảo Thẻ Vàng trên đỉnh núi cao có một giếng nước
Vân Đồn không chỉ mới tỏa danh về một địa khu kinh tế với một sân bay quốc tế đầu tiên do tư nhân đầu tư xây dựng, mà còn nổi danh với một thương cảng quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Vùng hải đảo này còn đang phát lộ nhiều công trình văn hóa tâm linh và chuyện kỳ lạ níu chân du khách.

Tương truyền đền Tọa Sơn trấn hưng Linh Từ được thương nhân dựng vào thời Lý, khi thương cảng Vân Đồn hưng thịnh.

Chính sử chép, năm 1149 triều Lý, vua Lý Anh Tông xây dựng cảng biển Vân Đồn, thương cảng quốc tế hưng thịnh suốt 3 triều đại: Lý - Trần - Hậu Lê (Lê sơ). Hải cảng giao thương sầm uất, kéo theo các hoạt động văn hóa tinh thần, nhất là văn hóa tâm linh. Nhiều nghè, miếu, đền thờ thiên thần, nhân thần được thương gia xa gần và người địa phương hưng công xây dựng.

Trong chuỗi đền chùa có danh trên quần đảo này, còn nhiều công trình tâm linh trong đó có đền Tọa Sơn, chùa Duyên Phúc trên đảo Thẻ Vàng. Xuân thu nhiều thiện nam - tín nữ chân quy hành lễ, nhưng chưa nằm trong danh sách xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương.

Đền Tọa Sơn được trùng tu xây dựng khang trang năm 2011.

Cụ Đinh Văn Kiểm - gia phả người làng Trúc Võng, nay không còn nữa nhưng truyền miệng cho cháu đích tôn là ông Đinh Văn Điểm, 65 tuổi, ở khu 4 phường Hà Trung (Hạ Long) rằng: Ngày trước bà nội của cụ từng làm thủ nhang đền Tọa Sơn và phật tử chùa Duyên Phúc trên đảo Thẻ Vàng.

Đảo Thẻ Vàng thuộc xã Thắng Lợi có 92 hòn đảo, trong quần thể trên 600 hòn đảo lớn nhỏ của huyện Vân Đồn. Ngày trước xã Thắng Lợi không có người ở, 92 hòn đảo chỉ 7 đảo có đất (còn lại là đảo đá), nhưng không có ruộng cấy lúa trồng màu. Vùng hải đảo chỉ là nơi tá túc khi biển động của ngư dân thủy cư hai Vạn chài: Giang Võng và Trúc Võng, thuộc huyện Hoành Bồ.

Chùa Duyên Phúc trên đảo Thẻ Vàng văng vẳng tiếng chuông ngân nơi ngàn trùng sóng nước.

Đảo Thẻ Vàng cây cối tốt tươi, kỳ lạ trên đỉnh núi cao có một giếng nước trong mát, người xưa gọi là Lộ Thủy, còn có tên khác là giếng tiên, mắt rồng. Đảo hình cánh cung tạo điểm khuất gió, lặng sóng... thuyền bè trong vùng thường neo đậu, khi tránh dông bão, xảm thuyền, khi lấy nước ngọt...

Những cặp vợ chồng trẻ hiếm con, hoặc sinh nở một bề thường đến chùa Duyên Phúc thỉnh kinh cầu tự. Thương nhân thì đến đền Tọa Sơn cầu may, mong thuyền bè thuận buồn mát mái, hanh thông buôn bán. Hai phường thủy cư Giang Võng, Trúc Võng có hương ước nhị kỳ giữ lễ: Kỳ phúc, lễ tạ ơn, lễ rước nước trong chuỗi đình chùa vùng biển có tiến cúng kim ngân, vàng mã đền thờ sơn thần trên hòn đảo trấn giữ cửa sông Mang, lạch tàu vào thương cảng Vân Đồn này. Có lẽ từ tích ấy, mà hòn đảo này có tên là đảo Thẻ Vàng (thẻ bạc).

Tục truyền đền Tọa Sơn khởi dựng thời Trần, khi thương cảng Vân Đồn hưng thịnh.

Đền Tọa Sơn, chùa Duyên Phúc trên đảo Thẻ Vàng là văn hóa vật thể và phi vật thể trong kho tàng di tích lịch sử - văn hóa ở Vân Đồn. Những giá trị văn hóa quý giá nếu không được quan tâm, rất dễ bị chìm trong “vạc” đô thị hóa, dự án lớn nuốt dự án bé. Những resort, tòa khách sạn 5 sao sang trọng không thay thế được homestay, du lịch đồng quê, trang trại, một ngọn khe thác nước.

Trên đỉnh núi đảo Thẻ Vàng có một giếng, gọi là lộ thủy, còn gọi là giếng tiên mắt rồng, giếng mùa này nước cả trong mát.

Đảo Thẻ Vàng trên đỉnh núi cao có một giếng nước, mùa này nước cả, trong mát; một quần thể công trình văn hóa cổ danh thiêng níu chân du khách. Quảng Ninh cần tôn tạo đảo Thẻ Vàng thành một hòn đảo du lịch tâm linh, du lịch sinh thái -một loại hình du lịch nhân dân, đang được Nhà nước khuyến khích.

Bùi Ánh Hồng - (baoxaydung.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu