Thứ hai, 07/10/2019,07:20 (GMT+7)
Quảng Ninh: Vui, buồn…trên vịnh Hạ Long
Mùa thu năm nay dường như nước biển Hạ Long xanh biếc hơn, không khí mát lành hơn… điều đó chưa hẳn do thời tiết mà do chính sách cởi mở - luồng gió mới từ tỉnh Quảng Ninh đến với các chủ tàu du lịch. Từ những thế hệ trẻ - các đồng chí lãnh đạo mới được bổ nhiệm đã có những tư duy đổi mới, đột phá mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nhưng còn đó những tư duy cổ hủ, những nỗi lo đau đáu đang trông chờ được thay đổi…

Niềm vui hân hoan của những chủ tàu

Chính sách mở của UBND tỉnh Quảng Ninh đang là tiền đề cho một tương lai phát triển mạnh mẽ ngành du lịch trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.

Gần 300 doanh nghiệp có tàu du lịch đang kinh doanh trên vịnh Hạ Long đã chán trường, thậm chí họ chuyển vốn sang đầu tư ra tỉnh ngoài bởi chính sách thắt chặt của tỉnh Quảng Ninh, đó là chỉ cho phép đổi hai tàu gỗ cũ cho một tàu thép đóng mới. Hay nói cách khác là doanh nghiệp đương nhiên bị “phá sản” một nửa khi đóng mới thay thế tàu cũ.

Thế rồi, ngày 12/9/2019 đã trở thành sự kiện “khai mở con đường sống” và trở thành niềm vui, niềm hân hoan vô tận của hàng trăm chủ tàu chỉ bắt đầu bằng Văn bản 6588/UBND-XD2 do tân Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh – ông Nguyễn Văn Thắng ban hành về việc giải quyết nhu cầu thay thế tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Theo đó, các chủ tàu được đóng mới thay thế tàu vỏ thép (bền, chắc, an toàn hơn) bằng tàu vỏ gỗ theo quy chế một đổi một; Nếu thay thế tàu vỏ gỗ trước niên hạn sử dụng hoặc đóng hai tàu gỗ đổi một tàu vỏ thép sẽ được tăng thêm 30% số phòng, số ghế…

Trong niềm vui lan tỏa, PV xin được trích một đoạn trong nội dung văn bản cảm ơn của Chi hội Tàu Du lịch Hạ Long tới tân Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh như sau:

“Chi hội chúng tôi rất vui mừng trân trọng gửi đến đồng chí Chủ tịch sự hưởng ứng nhiệt liệt nhất! Trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch cùng các cấp, các ngành có một tư duy đổi mới, mang tính đột phá, mở ra một trang mới cho sự phát triển thịnh vượng của du lịch Quảng Ninh nói chung, của ngành kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long nói riêng.

Thưa đồng chí Chủ tịch! Văn bản 6588 như một luồng gió mới mang lại bao niềm hạnh phúc, hy vọng tràn đầy cho một tương lai phát triển rực rỡ của loại hình du lịch bằng tàu trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long – Một mỏ “vàng” vô tận và quý giá vô cùng của tỉnh Quảng Ninh.

Thưa đồng chí Chủ tịch! Trong mấy ngày hôm nay, Chi hội nhận được hàng trăm cuộc gặp gỡ, điện thoại, nhắn tin của hàng trăm hội viên bày tỏ sự vui mừng khôn tả bởi “luồng gió mới” – Văn bản 6588 của đồng chí Chủ tịch và các cấp các ngành vừa tỏa sáng, chiếu rọi!”.

Nỗi buồn… còn đó!

Loại hình chèo đò chở khách du lịch tại Ba Hang – vịnh Hạ Long gần như bị “nghẹt thở” bởi sự “áp đảo” của Ban Quản lý vịnh Hạ Linh trong năm 2014.

Niềm vui tột cùng từ hàng trăm doanh nghiệp, du thuyền như ánh nắng vàng trải khắp vịnh Hạ Long, thì còn đó những lo âu thậm chí là hoảng sợ của một số doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ trên vịnh Hạ Long ổn định từ hàng chục năm nay. Đó là: Cty TNHH MTV Nam Tùng, Cty TNHH TM Dịch vụ Du lịch Nam Khánh, HTX Dịch vụ Vạn Chài – Hạ Long, HTX Vạn Chài con đò Cổ tích… Gần đây, như “tiếng sét” đánh ngang tai khi họ nhận được thông báo của Ban Quản lý vịnh Hạ Long nội dung: Rốt ráo thu thập các thông tin về thuế của các năm 2016, 2017, 2018 đến nay để chuẩn bị cho “cuộc” hay còn gọi là Đề án cho thuê tài sản và đấu giá cho thuê quyền khai thác các điểm kinh doanh dịch vụ trên vịnh Hạ Long…

Với nội dung văn bản này các chủ doanh nghiệp được hiểu như “con đường chết” đang chờ sẵn họ. Và chúng tôi không thể không liên tưởng lại những bài báo đã đăng trong năm 2014 “Ban Quản lý vịnh Hạ Long “bức tử” doanh nghiệp”, “Những con đò mắc cạn”… Theo những bài báo này, họ - Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã tự phong cho mình cái quyền sinh, quyền sát doanh nghiệp bằng cách đưa ra những ý định đấu giá quyền kinh doanh (không hề có trong các văn bản quy phạm pháp luật). Phải chăng nay họ né sang cái gọi là đấu giá cho thuê quyền khai thác.

Những tháng ngày “u ám” đó đến bây giờ các lãnh đạo của HTX Con đò Cổ tích vẫn còn bàng hoàng như vừa thoát khỏi cơn ác mộng… Được biết, khi HTX này không chịu vâng lời “ông trời ” – tức Ban Quản lý vịnh Hạ Long họ đã chịu ngay các chế tài khủng khiếp như ngừng hoặc hạn chế cho phép các tour tàu khách cập khu Ba Hang trên vịnh được coi như cách “xiết hầu bao” của doanh nghiệp. Hậu quả được ước tính do sự cố ý làm trái (dừng thu phí tham quan) khu vực Ba Hang 1 năm đã làm thất thoát nguồn thu ngân sách nhiều tỷ đồng…

Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên vịnh Hạ Long vẫn phải ký hợp đồng với Ban Quản lý vịnh Hạ Long, đây là một loại hợp đồng dân sự nhưng nó như loại giấy phép con để Ban Quản lý vịnh Hạ Long có quyển ký hay không ký nếu doanh nghiệp vi phạm hợp đồng. Đây là một hình thức có thể coi như chế tài mà Ban Quản lý vịnh Hạ Long có quyền chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp thay vì đề nghị cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép kinh doanh. Có doanh nghiệp cho rằng nếu tất cả các cơ quan quản lý địa bàn trên cả nước đều có quyền ký hợp đồng với doanh nghiệp như Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã làm thì đó quả thật là một “rừng chông gai” rất nhiều phiền phức?

Những lồng bè nuôi cá kết hợp du lịch tại Vung Viêng – vịnh Hạ Long như thế này đang trở thành mô hình “xóa đói, giảm nghèo” cho ngư dân. Nhưng cũng cần lắm một cơ chế quản lý cởi mở, đúng luật.

Khi PV thị sát vùng Vung Viêng – một điểm du lịch trên làng chài cổ xưa thấy một mô hình rất hấp dẫn (ích nước lợi dân). Đó là HTX Vạn Chài được phép đầu tư mẫu nhà bè theo thiết kế của Phòng Quản lý Đô thị TP Hạ Long quy định. Mỗi nhà bè do HTX đầu tư khoảng gần 200 triệu đồng được giao cho ngư dân nuôi cá lồng bè kết hợp tham quan du lịch. Các ngư dân là những hộ dân nghèo sống tại làng chài cổ xưa nay có điều kiện kinh tế đặc biệt được xét duyệt mới được quyền nuôi cá để đáp ứng kinh tế gia đình.

Được biết, mỗi lồng nuôi cá 300 m2 thu lợi nhuận 70 – 80 triệu đồng/ hộ/năm. Trớ trêu thay UBND TP Hạ Long cấp cho mỗi hộ quyền nuôi cá, kinh doanh có 5 năm? Đây chính là mô hình doanh nghiệp và gia đình cùng đầu tư (doanh nghiệp thu hút, khai thác du lịch; gia đình nuôi trồng thủy sản) mà chỉ được “cấp phép” ngắn hạn có 5 năm (không thể hiện gia hạn) thì TP Hạ Long căn cứ vào những luật nào? Và đặc biệt hơn nữa hiện nay HTX đã đầu tư 27 nhà bè, thành phố đã lựa chon 27 hộ ngư dân nhưng vẫn còn 7 hộ vẫn “treo niêu” chờ được “cấp phép”. Đồng nghĩa với tài sản của HTX Vạn Chài – Hạ Long nằm chết cùng 7 hộ ngư dân cũng “đói” theo và tài nguyên mặt nước đang không phát huy giá trị… Và càng nực cười hơn khi so sánh đất “bờ xôi, ruộng mật” Nhà nước còn giao cả nghìn m2 cho mỗi lao động sản xuất nông nghiệp mới đủ mưu sinh, trong khi mặt nước chỉ được TP Hạ Long giao 300 m2 như vậy có quá manh mún, lãng phí trên nhiều phương diện.

Dư luận cho rằng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã và đang rất tích cực “thổi luồng gió mới” vào ngành Du lịch trên vịnh. Điều đó đang mở ra một “kỷ nguyên” của tương lai phát triển rực rỡ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh cũng cần rà soát, kiện toàn lại quyền hạn, chức năng, vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan cấp dưới, ít nhất là Ban Quản lý vịnh Hạ Long và UBND TP Hạ Long sao cho quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp phải đảm bảo tốt nhất.

Văn Nguyễn - (baoxaydung.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu